pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tổ may gia công giúp nhiều phụ nữ có việc làm lúc nông nhàn
Tổ may gia công của chị Nguyễn Thị Anh Tuyết những ngày này đã hoạt động trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Số lao động mất việc mùa dịch đã xin vào làm hoặc nhận hàng về làm ngày một nhiều hơn. Các đơn đặt hàng cũng bắt đầu trở lại.
Chị Đỗ Thị Thanh Thủy (thôn Hòa Trung, Ea Bông, Krông Ana) đang thoăn thoắt đôi tay của mình để may cho kịp đơn hàng, vừa làm vừa cho biết: Chị từng làm công nhân may cho một số công ty ở Sài Gòn, Bình Dương. Sau khi lập gia đình và sinh con, chị nghỉ hẳn ở nhà không đi may nữa. Từ ngày cơ sở gia công của chị Tuyết đi vào hoạt động, chị đến xin nhận hàng về làm tại nhà với mức lương ổn định 2,5 triệu đồng/tháng. Công việc đã giúp chị có thêm khoản tiền để mua sữa cho con và chi tiêu hàng ngày.
"Công việc này giúp tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập nhưng vẫn có thể chăm sóc, đưa đón con đi học và phụ giúp chồng làm rẫy. Tôi cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình ở quê. Bây giờ không còn phải bon chen, chen chúc ở nhà trọ như trước nữa. Ở quê vẫn có việc làm, tuy lương ít nhưng giá cả cũng rẻ nên vẫn có dư", chị Thủy bộc bạch.
Cũng là công nhân làm việc cho tổ may gia công của chị Tuyết, chị Phạm Thị Kiều (thôn Hòa Đông, Ea Bông, Krông Ana) mới xin làm việc được vài tháng tại đây nhưng đã nằm trong top thu nhập cao nhất trong tổ. "Trước đây, tôi có mở quán nước để buôn bán nhưng thu nhập bấp bênh nên gia đình thường lâm vào cảnh túng thiếu. Từ khi biết đến tổ may mặc gia công này, tôi đã đến đăng ký xin làm. Hiện tôi có thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng", chị Kiều chia sẻ.
Còn rất nhiều chị em ở xã Ea Bông đã có việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ nghề may gia công này. Chị Tuyết được chị em nơi đây quý trọng như một người chị cả. Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp, chị Tuyết cho biết: Bản thân chị trước kia là học may rèm cửa và từng mở cơ sở may rèm màn tại nhà. Thế nhưng, từ năm 2005, nhu cầu sử dụng rèm màn may của người dân ngày càng ít. Đồng thời nhiều cơ sở may thi nhau mọc lên, nguồn thu từ công việc này giảm hẳn nên chị tìm hướng làm khác để phát triển kinh tế gia đình.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về sản phẩm may mặc, từ đó chị nghĩ tới việc khởi nghiệp bằng nghề may gia công. Năm 2016, qua sự giới thiệu của người thân và bạn bè, chị nhận gia công các loại quần áo cho các công ty may mặc tại TPHCM. Từ số lượng nhỏ ban đầu dần dà chị đã nhận được đơn đặt may gia công lớn hơn. Từ đó, chị bắt đầu chia sẻ công việc cho chị em ở địa phương.
Đặc biệt, tháng 5/2019, Hội LHPN xã Ea Bông đã đứng ra thành lập Tổ may mặc tại buôn Ea Kruế với 15 thành viên, do chị Nguyễn Thị Anh Tuyết làm tổ trưởng. Khi tổ may được thành lập, chị Tuyết đã tự nguyện bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng mua thêm 14 máy may công nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất. Chị Tuyết cho biết: "Chị em đến làm việc tại Tổ ăn lương theo sản phẩm, ai làm nhiều thì sẽ hưởng nhiều nên mọi người đều hăng hái và chăm chỉ làm việc. Từ khi cơ sở được mở rộng, thay vì nhận hàng về nhà làm thì bây giờ thợ may đã có không gian làm việc rộng rãi và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm nâng cao tay nghề".
Hiện nay, tổ đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động nữ với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nhận may chủ yếu là quần áo, như đồ bộ nữ. Tổ may gia công của chị đã tạo việc làm cho nhiều phụ nữ có thời gian rảnh rỗi hay đang nuôi con nhỏ, giúp họ có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nông thôn nhàn rỗi thì Tổ còn sẵn sàng đào tạo nghề may ngắn hạn miễn phí cho hội viên, phụ nữ và sắp xếp việc làm cho những người có nhu cầu ngay khi học xong, giúp họ có thể gắn bó lâu dài và sống tốt với nghề.
Bà Vương Thị Lập, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Bông, nhận xét: "Đa số chị em trên địa bàn xã đều sống bằng nghề nông nên nghề may gia công đã giúp nhiều phụ nữ có việc làm, tận dụng lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, góp phần giúp ổn định đời sống mà không phải xa nhà".
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Anh Tuyết cho hay: "Tôi thường hay nhớ đến câu "nếu bạn muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, nếu bạn muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau". Vậy nên tâm nguyện khi khởi nghiệp của tôi là ngoài mang lại thu nhập cho bản thân còn giúp đỡ được cho chị em địa phương. Yếu tố vì cộng đồng cũng giúp tôi thành công được như hôm nay".