Tôi bỏ ngang đại học hành nghề nhặt ve chai
Chàng sinh viên bỏ ngang đại học hành nghề nhặt ve chai - Ảnh 1.

 1. Những năm học phổ thông, nhóm bạn thân của tôi luôn kể cho nhau về ước mơ của mình, đứa làm cầu thủ, đứa làm kỹ sư, đứa làm nhà báo… Riêng tôi thì ước mơ theo đuổi nghề công tác xã hội vì cái máu của tôi thích các hoạt động Đoàn Hội, tình nguyện.

Tôi nhập học với màu áo xanh thanh khiết, với ước mơ được vun đắp.

Ước mơ của tôi hình thành từ lúc được khoác lên mình màu xanh áo Đoàn ở thôn để đi dọn rác, trồng cây. Nụ cười vô tư của đoàn viên cùng trang lứa, mồ hôi nhỏ xuống những công việc công ích cho cộng đồng làm tôi mê mẩn và muốn cống hiến thật nhiều hơn nữa cho xã hội bằng tuổi trẻ của mình.

Ước mơ đó có thể nói là thành công bước đầu khi năm 2015, tôi trúng tuyển vào một trường đại học đào tạo ngành Công tác liên quan đến hoạt động đoàn, đội. Tôi nhập học với màu áo xanh thanh khiết, với ước mơ được vun đắp.

Tôi rời quê nhà Thường Tín (ngoại thành Hà Nội) lên thủ đô (nội thành Hà Nội) theo học. Học phí không quá cao nhưng các chi phí khác như ở trọ, ăn uống, thực tập tại các vùng cao, mua dụng cụ, đồ chơi, quần áo để làm trò chơi thực hành các môn học tốn khá nhiều tiền. Trong khi đó, bố mẹ tôi làm nghề nhặt… ve chai.

Tôi bỏ ngang đại học hành nghề nhặt ve chai - Ảnh 3.

Lê Minh Tiến quyết định bỏ ngang đại học để hành nghề nhặt ve chai

 2. Bố mẹ tôi không biết chữ, riêng bố tôi bị mất sức lao động do hồi nhỏ bị suy dinh dưỡng. Thu nhập của cả bố mẹ tôi một tháng ước chừng được 7 - 8 triệu đồng. Dưới tôi còn một em trai đang học phổ thông nên gánh nặng đè thêm lên vai bố mẹ khi tôi vào đại học.

Cứ mỗi lần tôi và em trai tôi đóng học phí là mẹ tôi lại phải lấy cớ qua nhà các bác, các dì chơi, thật tình là để hỏi vay tiền. Thậm chí, mẹ phải vay cả tiền phụ cấp tuổi già và tiền chế độ thương binh của ông nội.

Ông nội tôi sống một mình, trước kia làm Chủ tịch UBND xã (xã Văn Phú, huyện Thường Tín). Cả đời ông liêm khiết, tuổi già không có của nả gì cho con cháu. Ông luôn động viên tôi đi học để "đổi đời" nhưng gánh nặng kinh tế cứ thế đè lên đôi vai bố mẹ và cả ông nội nữa.

Sau một kỳ theo học, những kiến thức tôi học được trên giảng đường đại học có phần mơ hồ và thiếu thực tế. Giảng viên lên lớp không nhiệt tình, chủ yếu bằng kinh nghiệm. Thậm chí giảng viên còn bày tỏ "cũng chưa biết chúng tôi ra trường sẽ làm gì và ở đâu, vì ngành này mới quá, ai cũng đua nhau vào đại học". một sự mông lung không hề nhẹ với tôi những buổi đầu đi học. Bạn bè trong lớp kháo nhau học ngành này phải có "quan hệ" phải có "tiền" vì liên quan đến chính trị. Tôi thấy thật mơ hồ và lạc lõng giữa thành phố. Nhiều đêm vắt tay lên trán nhớ cảnh bố mẹ đổ đống tiền lẻ nhem nhuốm từ chiếc nón rách ra đếm để gửi lên cho tôi đóng học cho dù ngay cả bản thân tôi cũng không định hình được mình đang học gì làm tôi ứa nước mắt.

Tôi bỏ ngang đại học hành nghề nhặt ve chai - Ảnh 4.

Lê Minh Tiến vẫn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn

 3. Kết quả học tập kỳ đầu của tôi rất bết bát vì tôi không hề hiểu những bài tập lý thuyết được học mang ý nghĩa gì. Lúc viết đơn xin nghỉ học, tôi rất đắn đo. Ông nội biết tin, gọi tôi lên nhà và giáo huấn nguyên một buổi chiều: "Họ nhà ta không ai học đến đại học, con là người duy nhất cớ sao lại bỏ ngang, con định về đi nhặt ve chai với bố mẹ con à, cực lắm con à?'"

Tôi biết, ông nội tôi là người hiểu biết. Ông muốn tôi học hành cho nên người. Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Học có vô vàn cách, không nhất thiết phải ngồi giảng đường. Nghề đi nhặt ve chai thật ra ai cũng biết là vất vả, cực khổ nhưng có lẽ tôi đã quen với nghề này khi cùng bố mẹ đi nhặt từ hồi cấp 2. Khi đó còn đi xe thồ chứ bây giờ đã có xe máy, xe kéo nên cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Bố mẹ tôi thì ít nói hơn và chiều lòng tôi. Nếu tôi muốn đi học bố mẹ vẫn cố gắng cáng đáng. Nếu muốn đi làm thì bố mẹ sẽ chuyển giao nghề, các mối làm ăn.

Biết ông nội không hài lòng khi tôi nộp đơn nghỉ học nhưng tôi vẫn quyết tâm. "Rồi thời gian sẽ cho thấy tôi chọn đúng lối đi, ông nội sẽ không trách tôi nữa", tôi tự nhủ.

Sau vài tháng đi nhặt ve và mua ve chai với bố mẹ, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi có sức khỏe, vì vậy mà có thể chở được nhiều hàng. Bố mẹ chỉ cho tôi các mối lấy ve chai, các chỗ đổi giá cao và phát triển thêm mảng thu gom chai thủy tinh. Ngày trước, bố mẹ thôi thường 9h tối mới về cơm nước thì nay chỉ 6 giờ là cả nhà đã về tắm giặt, ăn cơm. Sáng, bố mẹ cũng không phải thấp thỏm dậy sớm nữa vì công việc được tôi giảm tải rất nhiều.

Tôi có thêm rất nhiều kỹ năng như lái xe thồ, giao tiếp buôn bán, thấu hiểu hơn được công việc vất vả của bố mẹ… những điều mà trước nay tôi vẫn nghĩ nó đơn giản khi còn đi học.

Càng đi làm tôi càng yêu nghề đi nhặt ve chai hơn và tôi cũng không quên niềm vui khi khoác lên mình áo đoàn tình nguyện. Tôi thường xuyên đi dọn rác, nạo vét kênh mương, thu gom rác từ hộ dân vừa giúp xanh sạch môi trường vừa giúp mình gia tăng thu nhập.

Hiện tại tôi còn ấp ủ một dự án môi trường "nói không với rác thải nhựa" vì đi thu gom mới biết dân ta sử dụng rác thải nhựa, túi nilong quá nhiều.

Bốn năm đi làm cùng bố mẹ, tôi đã có nghề vững trong tay. Giờ đây mẹ tôi đã nghỉ ở nhà trồng rau, nội trợ. Tất cả các mối làm ăn của bố mẹ giờ tôi đã nắm chắc. 

Nghề nào cũng có sự vất vả riêng. Khi bước vào nghề ve chai, tôi thường xuyên đối mặt với nguy hiểm như bốc phải chai lọ vỡ, kim tiêm, rác thải bốc mùi, xe thồ cồng kềnh… dù đã trang bị bao tay, khẩu trang đầy đủ. Nhưng không sao, tôi luôn tâm niệm công việc mình đang làm giúp cho môi trường tốt lên. Đồng tiền tôi kiếm được là chân chính… Đến nay thu nhập bình quân một tháng của tôi đã lên đến 10 triệu đồng.

Tôi bỏ ngang đại học hành nghề nhặt ve chai - Ảnh 6.

Lê Minh Tiến với bố, mẹ và em trai

 4. Sau 4 năm cũng là khoảng thời gian các bạn học cũ đại học của tôi đã ra trường. Thật buồn là nhiều bạn đại học của tôi vẫn đang vất vả đi tìm việc. Lý do thất nghiệp đa phần đều cho rằng kiến thức thiếu thực tế, ít thực hành nghề nghiệp, giảng dạy chung chung…

Trong suy nghĩ hạn hẹp của mình, tôi không biết rằng việc bỏ ngang đại học là phải hay trái. Tôi chỉ biết rằng nghề nhặt, thu lượm, mua ve chai đã giúp tôi có thu nhập ổn định cuộc sống, tạo cho tôi có thêm tình yêu môi trường và… nối nghiệp bố mẹ.

Dẫu biết nghề nhặt ve chai vất vả nhưng tôi tin mình chọn lựa đúng vì tôi cảm nhận được giá trị của nghề này đem lại cho tôi. Tôi cảm nhận được mình đang làm điều có ích cho xã hội, cho môi trường sống. Tôi có sức khỏe, có bàn tay và tôi có thể lao động bằng chính sức mình. Tôi trộm nghĩ, nếu như đầu tư một khoản lớn theo con đường đại học, tôi chưa biết bây giờ mình sẽ thế nào, liệu có đang loay hoay phụ bàn, phụ bếp, phát tờ rơi, đi làm gia sư hay chọn cách học lên "thạc sĩ" như các bạn bè của tôi không?