Tôi choáng váng khi phát hiện thân thế thật của chú lao công ở văn phòng

Tiểu Ngạn
04/02/2023 - 12:12
Tôi choáng váng khi phát hiện thân thế thật của chú lao công ở văn phòng
Chắc nhiều người sẽ đoán chú lao công chính là sếp giả danh như mấy bộ phim trên mạng. Nhưng không, người ấy đối với tôi còn thân thiết hơn nữa…

Mấy hôm nay Hà Nội trời nồm, chắc ai cũng khó chịu như tôi khi mọi thứ xung quanh đều nhớp nháp. Sáng dậy thay quần áo đi làm tôi phải sấy một lượt cho đỡ ẩm. Dắt xe ra cũng phải thủ sẵn cái khăn khô để lau yên. Và ghét nhất là đến công ty sàn nhà cứ trơn trượt khiến tôi 2 lần suýt “vồ ếch” trong cùng một buổi sáng.

Cô lao công cũ đã nghỉ trước Tết nên cả văn phòng tôi phải tự dọn dẹp từ hôm mùng 6. Khai xuân chúc tụng nhau xong cái là người cầm chổi người cầm giẻ hì hục lau quét. Nghe sếp bảo mùng 7 có lao công mới đến, cả công ty khấp khởi mừng thầm.

Chẳng biết chỗ làm mọi người ra sao chứ chỗ tôi lao công quan trọng phết. Trước cô lao công cũ còn kiêm cả đầu bếp và shipper cho mọi người trong văn phòng. Thi thoảng cô ấy trổ tài sửa chữa đồ lặt vặt, và còn làm “tổng đài” tư vấn lắng nghe tâm sự của chúng tôi mỗi khi stress nữa. Đùng cái cô bảo nghỉ về quê nên chúng tôi cũng hụt hẫng ít nhiều.

Cuối cùng bận quá tôi quên luôn việc chờ xem người mới đến là ai. Vừa đầu năm mà khách đặt hàng tới tấp, mỗi việc trả lời email cũng khiến tôi sấp mặt.

Tôi theo sếp ra ngoài gặp khách liên tục nên chẳng còn thời gian chú ý chuyện gì. Mãi hôm qua chị đồng nghiệp mới tiết lộ lao công thay thế là một chú trung niên. Kể cũng lạ thật, nghề tạp vụ công sở thường là các cô các bà đến xin. Còn các chú các anh toàn nộp đơn trông xe, bảo vệ. Lần đầu tiên suốt 6 năm đi làm tôi mới thấy quét dọn là đàn ông.

Cơ mà việc ấy chẳng ảnh hưởng đến mình nên tôi chỉ nhún vai biết vậy. Chú lao công thường dọn dẹp sau khi chúng tôi về. Buổi trưa chú ăn cơm riêng trong phòng họp nhỏ. Không có mấy cơ hội để tôi với chú ấy chạm mặt nhau, nhưng lúc đứng chờ thang máy tôi có nghe chú ấy chào hỏi sếp nên phát hiện chú nói giọng miền Nam.

Lâu lắm rồi mới nghe kiểu giọng ấy ngay gần bên, bỗng dưng tôi rùng mình sợ hãi. Không phải tôi kỳ thị vùng miền mà bởi chất giọng đó gợi lại quá khứ vô cùng buồn tủi. Tôi đã cố gắng quên để sống cuộc đời mới, nhưng có vẻ chuyện cũ vẫn ám ảnh không rời.

Tôi vốn sinh ra ở Sài Gòn. Mẹ tôi quê Thái Bình nhưng vào Nam kiếm việc, quen bố tôi làm nghề xe ôm. Họ ở với nhau không giấy tờ hay đám cưới, chỉ có mỗi chiếc nhẫn vàng làm tin. Lúc đẻ tôi ra mẹ băng huyết suýt chết. Ấy vậy mà bố tôi chẳng hề mảy may quan tâm.

Bởi lẽ ông là một kẻ nghiện rượu, nghiện đỏ đen và cục tính vô cùng.

Tôi choáng váng khi phát hiện thân thế thật của chú lao công trên văn phòng - Ảnh 1.

Khi mới yêu, mẹ tôi tưởng bố là người đàn ông chăm chỉ. Ông ở cùng xóm trọ với mẹ tôi, ngày nào cũng dắt xe đi sáng sớm đến tối khuya mới về. Mẹ ở Sài Gòn không họ hàng thân thích, công việc quán gội đầu cũng mệt và buồn. Thành ra khi có anh cùng xóm trọ bắt chuyện thì mẹ tôi vui lắm. Cứ bông đùa suốt xong yêu nhau lúc nào chẳng hay.

Mẹ kể bố hồi trẻ đẹp trai kiểu phong trần, da ngăm đen và giọng nói hào sảng khiến mẹ đổ ngay lập tức. Có người quan tâm nên mẹ sinh lòng muốn nương tựa, chẳng có kinh nghiệm yêu đương nên gặp trai tán lần đầu bà theo luôn. Lúc mẹ có bầu tưởng ông bà hai bên mừng lắm. Ngờ đâu mới báo tin thì bên ngoại mắng là “ngu”, bên nội kêu không chịu trách nhiệm. Hai người chật vật kiếm miếng ăn giữa Sài Gòn bỗng dưng thêm một đứa nhỏ gào khóc nữa, cái nghèo và mệt mỏi khiến bố tôi thành kẻ nát rượu đánh vợ chửi con.

Tôi suýt nữa không được đi học vì bố kêu chẳng có tiền. Nếu không nhờ bà chủ trọ tốt bụng cưu mang thì có lẽ bây giờ tôi đã thành thằng đầu đường xó chợ. Mẹ tôi bị bố ghen tuông nên phải nghỉ việc ở tiệm gội đầu, nhờ bà chủ trọ giúp nên đi làm osin cho một gia đình cách nhà chỉ vài chục mét.

Cuộc sống bế tắc khiến bố tôi ngày càng chìm sâu vào tệ nạn. Tôi không thể quên những trận đòn roi vô cớ, những cái đạp đau điếng lúc đang ngủ đêm khuya. Ông trút hết căm phẫn vào mẹ con tôi, chửi trời, chửi đời như một gã Chí Phèo ven kênh Nhiêu Lộc.

Mẹ cắn răng chịu đựng vì tôi. Bà có thể nhịn đói nhịn đau nhưng luôn giữ con trai sạch sẽ no bụng. Mẹ bắt tôi đi học đầy đủ, bị bạn bè ở lớp trêu chọc vì những vết bầm tím cũng phải bỏ ngoài tai để học hành đến nơi đến chốn. Nhờ sự hy sinh đẫm mồ hôi nước mắt của bà mà tôi có tấm bằng đại học. Tới khi bố báo nợ cờ bạc hàng trăm triệu đồng thì tôi gom hết quần áo, vét cạn tiền làm thêm mua vé tàu đưa mẹ trốn ra Bắc.

May có người họ hàng bên ngoại tốt bụng mở quán ăn ở thủ đô nên mẹ con tôi có chỗ tá túc tạm. Mấy tháng ròng gửi hồ sơ đi khắp nơi, vừa rửa bát thuê trừ tiền ăn vừa ngóng đợi phản hồi, cuối cùng tôi cũng nhận được cuộc gọi phỏng vấn từ một công ty nhỏ.

Tôi rụt rè giới thiệu mình vừa ra trường chưa có kinh nghiệm, gia cảnh cũng không tươi sáng gì. Nhưng nhìn tôi có vẻ thật thà nên chị giám đốc nhận vào ngay. Chị bảo không biết thì cứ học, chả có gì phải lo lắng sợ hãi.

Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng có chỗ làm lương 8 triệu cũng ngon. Ngờ đâu 2-3 năm sau công ty phất ầm ầm, lương tôi tăng gấp đôi. Từ thằng trai nghèo nhút nhát tôi trở thành một tay thiết kế đồ hoạ chín chắn, trưởng thành hơn và hiểu biết nhiều hơn. Tôi dư sức thuê căn nhà đủ tiện nghi cho mẹ ở. Người họ hàng giúp mẹ tôi mở quán nước ngay trước cửa tiệm ăn, thế là mẹ con tôi dần ổn định cuộc sống.

Bẵng đi mấy năm trời cắt hoàn toàn liên lạc với bố, tôi tưởng người đàn ông tệ bạc ấy sẽ không bao giờ tìm được vợ con. Ngờ đâu nghe được tiếng Sài Gòn quen thuộc giữa văn phòng, tôi bỗng có dự cảm không hề tốt. Chiều qua tôi lấy cớ ở lại muộn để nhìn bằng được xem chú lao công mới là ai. Chú đội mũ lưỡi trai đeo khẩu trang kín mít, tay chân gầy còm và ho lụ khụ.

Tôi cố tình nhờ chú dọn dẹp đống cốc cafe trên bàn. Khi chú lại gần thì tôi thấy chú khựng lại, đôi mắt thâm quầng nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Gai sống lưng tôi dựng hết cả lên. Và quả nhiên đúng như tôi nghi ngờ, người đàn ông này chính là bố tôi!

Thì ra ông mắc ung thư sắp chết. Những năm tháng cuối đời ông không muốn nhắm mắt trong ân hận nên đã cố chạy ra ngoài này để tìm mẹ con tôi. Ông tìm suốt cả năm không thấy nên làm thuê hết chỗ nọ chỗ kia từ Thái Bình lên Hà Nội. Cuối cùng trời run rủi ông xin vào làm đúng chỗ công ty tôi, lại còn do cô lao công cũ giới thiệu đến!

Tôi gục đầu xuống bàn sau khi nhìn rõ gương mặt gầy tả tơi của bố. Mắt ông trũng sâu, môi khô nứt nẻ. Mùa đông lạnh mà ông không có áo len, chỉ khoác mỗi cái áo đồng phục lao công bên ngoài cái áo thun rách rưới.

Chẳng biết bố con hội ngộ trong hoàn cảnh này là buồn hay vui nữa. Ông ấy đã thay đổi hoàn toàn, vừa thấy con trai đã oà khóc như mưa. Nghe lời xin lỗi thốt ra liên tục từ bố mình mà bụng tôi trào lên cơn cay đắng. Nửa muốn tha thứ nửa không. Sao tôi lại rơi vào tình huống éo le như thế này chứ…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm