"Tôi vô cùng vinh dự vì gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời"

Ấn tượng về ý chí và sự đoàn kết của người Việt Nam vượt qua Covid-19

PV: Sau gần 3 năm công tác tại Việt Nam, Đại sứ cảm nhận thế nào về đất nước và con người Việt Nam? Điều gì làm bà ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ làm việc ở đất nước chúng tôi?

Đại sứ Australia Robyn Mudie: Tôi đã từng đến Việt Nam trong giai đoạn năm 1993-1995 trong nhiệm kỳ công tác nước ngoài đầu tiên của mình và tôi đã học được rất nhiều bài học quan trọng về ngoại giao quốc tế. Tôi rất vui được quay trở lại Việt Nam với tư cách Đại sứ vào năm 2019 và khám phá thêm đất nước tuyệt vời này cũng như kết nối lại với những đồng nghiệp và bạn bè của tôi trong nhiệm kỳ trước đây. Tôi luôn nghĩ về Việt Nam như một ngôi nhà thứ hai của mình nên thật khó để tôi tạm biệt nơi này. Chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục có mối liên kết đặc biệt với Việt Nam.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ Đại sứ tại đây và những kỷ niệm đó sẽ đi cùng tôi suốt cuộc đời. Một trong những điều nổi bật nhất là cách ứng phó tuyệt vời của người Việt Nam với đại dịch COVID-19. Đó là sức mạnh ý chí và sự đoàn kết của người Việt Nam nhằm ngặn chặn sự lây nhiễm của dịch bệnh, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. Việc Việt Nam kiểm soát dịch bệnh cũng thật đáng ngưỡng mộ. Chương trình tiêm chủng của Việt Nam được triển khai nhanh chóng, ấn tượng và Australia rất tự hào được hỗ trợ chương trình này.

"Tôi vô cùng vinh dự vì gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời" - Ảnh 1.

Đại sứ Robyn Mudie đang giám sát những liều vaccine đầu tiên Australia hỗ trợ Việt Nam về tới sân bay Nội Bài

PV: Trong nhiệm kỳ của mình, chắc hẳn là bà đã đặt chân đến nhiều miền đất ở Việt Nam. Hãy chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện, kỉ niệm của bà với những người phụ nữ Việt Nam mà bà từng gặp gỡ, tiếp xúc? Bà cảm nhận thế nào về phụ nữ Việt Nam?

Đại sứ Australia Robyn Mudie: Tôi vô cùng vinh dự có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ tuyệt vời trong nhiệm kỳ tại đây.

Đầu tháng này, tôi đến thăm Lào Cai và gặp những người phụ nữ thuộc Hợp tác xã Dao Đỏ. Họ đã biến những thách thức do COVID-19 thành cơ hội. Thông qua dự án GREAT trong khuôn khổ chương trình Aus4Equality, họ đã mở rộng dự án tắm thảo dược, tạo ra cơ hội kinh tế cho người dân địa phương và những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

Đầu năm nay, tôi đã đến thăm Sơn La và Điện Biên Phủ. Tại đây, tôi gặp những người phụ nữ dân tộc Thái tham gia sản xuất và xuất khẩu măng. Họ cho tôi thấy tầm quan trọng của sự hợp tác, tích cực và bền bỉ.

"Tôi vô cùng vinh dự vì gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời" - Ảnh 2.

Đại sứ Mudie và những phụ nữ Thái tại hợp tác xã sản xuất măng

Tôi cũng may mắn được gặp những nữ chiến sỹ gìn giữ hòa bình của Việt Nam khi họ chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan. Đây là những người phụ nữ truyền cảm hứng và là minh chứng cho sự cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu về phụ nữ, hoà bình và an ninh – vấn đề ưu tiên của cả hai nước chúng ta.

"Tôi vô cùng vinh dự vì gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời" - Ảnh 3.

Việt Nam tiếp tục vượt qua những kỳ vọng của Liên Hiệp Quốc về sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hoà bình và là một hình mẫu cho nhiều quốc gia khác. Sự hiện diện của các nữ chiến sỹ gìn giữ hoà bình từ Việt Nam mang tới sự đảm bảo an ninh lớn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo, Australia tự hào hỗ trợ các nữ chiến sỹ gìn giữ hoà bình của Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ, trong đó bao gồm việc đào tạo tiếng Anh. Những nữ chiến sỹ này thuộc thế hệ nữ chiến sỹ gìn giữ hoà bình đầu tiên của Việt Nam, đóng góp vào lịch sử của đất nước và câu chuyện toàn cầu về vai trò quan trọng của phụ nữ đối với hoà bình và an ninh.

"Tôi vô cùng vinh dự vì gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời" - Ảnh 4.

Đại sứ Robyn Mudie trò chuyện với các nữ quân nhân gìn giữ hòa bình

PV: Trong những năm qua, Đại sứ quán Australia đã có rất nhiều chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo đời sống cho phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. Vậy chương trình nào khiến bà ấn tượng nhất?

Đại sứ Australia Robyn Mudie: Câu hỏi này làm tôi nhớ lại sự lo lắng, sợ hãi và cô đơn mà tất cả chúng ta đều trải qua khi dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020. Chương trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em mà tôi ấn tượng nhất là chương trình phản ứng khẩn cấp đối với COVID-19. Chúng tôi đã rất nhanh chóng hợp tác với UN Women, UNFPA, UNICEF và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vào tháng 5/2020. Chương trình ứng phó với sự gia tăng nhanh chóng của bạo hành gia đình trong đại dịch.

Khi các hạn chế liên quan đến COVID-19 được nới lỏng, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ phụ nữ và hộ gia đình dễ bị tổn thương, những người mất chồng do COVID-19, những người bị mất thu nhập và những người khó khăn trong việc phục hồi, thiết lập lại cuộc sống. Trong chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng này, tôi đã gặp ba người phụ nữ có hoàn cảnh như vậy và đang nhận được sự giúp đỡ từ chương trình của Australia. Tôi tự hào rằng, sự đóng góp của Australia có thể giúp họ thiết lập lại cuộc sống và giúp các nhà cung cấp dịch vụ chuẩn bị tốt hơn trong việc hỗ trợ những phụ nữ này và các cộng đồng có hoàn cảnh tương tự trong thời kỳ khủng hoảng.

 Những nỗ lực về bình đẳng giới cần tiếp tục

PV: Bà nhận thấy vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam được cải thiện thế nào trong những năm qua? Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới?

"Tôi vô cùng vinh dự vì gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời" - Ảnh 5.

Đại sứ Mudie trò chuyện với các phụ nữ chịu bạo lực giới

Đại sứ Australia Robyn Mudie: Chúng ta cần ghi nhận nhiều tiến bộ của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách về bình đẳng giới. Phụ nữ Việt Nam hưởng thụ sự bình đẳng theo luật pháp, tham gia vào lực lượng lao động cao so với khu vực Châu Á, tham gia kinh doanh, cũng như có sức khỏe và trình độ học vấn ngày một cao hơn. Cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái có tỷ lệ nữ đại biểu cao thứ hai kể từ khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Đây là sự hỗ trợ lớn đối với các ứng cử viên nữ, trong bối cảnh các điều kiện khẩn cấp của COVID-19.

Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục vươn ra khỏi việc chỉ tập trung phát huy năng lực và quyền cơ bản của con người, mà hướng tới giải quyết các rào cản và thành kiến đối với việc trao quyền cho phụ nữ, cũng như tăng cường sự tham gia và đảm bảo an toàn cho phụ nữ.

Năm ngoái, Australia đã hợp tác với UN Women, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện một bản đánh giá toàn diện về giới ở Việt Nam. Bản đánh giá này đã xác định một số vấn đề bao gồm: Tỷ lệ lựa chọn giới tính khi sinh cao và tâm lý thích con trai; định kiến giới trong lựa chọn ngành học và phân công phụ nữ vào một số ngành nghề nhất định; các ngành nghề trả lương thấp và có nguy cơ gây tổn thương và không an toàn đối với phụ nữ; các dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo hành còn hạn chế; và kỳ vọng xã hội rằng phụ nữ phải là người chịu trách nhiệm về việc chăm sóc cho gia đình một cách không công và phải có nghĩa vụ cân bằng công việc gia đình với nghề nghiệp của họ. Bản đánh giá cũng ghi nhận về các chuẩn mực mang tính gia trưởng tại Việt Nam đang hạn chế sự lựa chọn của phụ nữ và góp phần củng cố những vấn đề còn tồn tại dai dẳng này.

"Tôi vô cùng vinh dự vì gặp gỡ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời" - Ảnh 6.

Đại sứ Robyn Mudie và Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương giới thiệu Chiến lược EEES tại Hà Nội

Bản đánh giá cũng nêu ra các lĩnh vực mà Việt Nam có thể tập trung để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ với giáo dục nâng cao kỹ năng, trình độ và việc làm trong một nền kinh tế ngày một số hóa, đòi hỏi người lao động phải hiểu biết về các công nghệ mới, cũng như giải quyết vấn đề khoảng cách về lương và lương hưu giữa nam và nữ.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nêu rõ tham vọng đề cao bình đẳng của Việt Nam, điều tôi hết sức tán thành và biểu dương. Quan hệ đối tác về bình đẳng giới giữa Australia và Việt Nam cũng hết sức đa dạng, từ việc mở rộng cơ hội kinh doanh cho phụ nữ, cung cấp các kỹ năng và kinh nghiệm mà họ cần để trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của mình, đến các chiến dịch giũ bỏ các chuẩn mực giới truyền thống, vốn ưu tiên trẻ em trai hơn trẻ em gái và hạn chế lựa chọn của phụ nữ.

Chúng ta còn nhiều việc cần phải làm trong nỗ lực đảm bảo bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu và trong nước, nhưng tôi tin đây là một nỗ lực hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện này!