Tôn vinh vẻ đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân trên sân khấu

Bảo Minh (Thực hiện)
03/04/2022 - 15:51
Tôn vinh vẻ đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân trên sân khấu

Cảnh trong vở kịch “Vang bóng một thời”

“Tôi tin vở kịch sẽ một lần nữa tôn vinh những vẻ đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân, cũng như nhắn nhủ tới người xem thông điệp về việc gìn giữ lòng nhân ái, sự độ lượng”, nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ.

Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc vừa công chiếu vở kịch "Vang bóng một thời", dựa trên các kiệt tác văn học của tác giả Nguyễn Tuân. Tác phẩm do NSƯT Bùi Như Lai thực hiện, nhà văn Nguyễn Hiếu phóng tác thành kịch bản sân khấu từ chùm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân: "Chém treo ngành", "Những chiếc ấm đất", "Chữ người tử tù". Đảm nhiệm nhân vật Huấn Cao là nghệ sĩ trẻ Anh Tuấn.

Ngay sau khi công chiếu, vở kịch "Vang bóng một thời" đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Không ít nhà phê bình cho rằng, đây là một tác phẩm hấp dẫn, giàu sáng tạo. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thế Khoa - Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam - đánh giá vở kịch "Vang bóng một thời" là kiệt tác từ một kiệt tác. Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Ngọc Anh - Giám đốc NXB Sân khấu - khẳng định: "Lần đầu tiên tôi được xem một vở kịch chỉ có nói mà hay đến vậy".

PNVN đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Hiếu, tác giả kịch bản của "Vang bóng một thời", về vở kịch này.

+ Thưa ông, ý tưởng dựng vở kịch "Vang bóng một thời" được bắt đầu như thế nào?

Theo thời gian, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn ngày càng thu hút được bạn đọc cũng như giới chuyên môn. Nguyên nhân là bởi sự ma mị, đa chiều, trong đó gửi gắm nhiều thông điệp về lẽ sống, cuộc đời. Trong nghệ thuật, ông có nhiều bút pháp xây dựng đặc trưng, điển hình trong việc dựng cảnh, tạo không khí, dựng nhân vật. Điều này rất hợp với kịch nói.

Tôn vinh vẻ đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân trên sân khấu - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân, có lẽ tập truyện ngắn "Vang bóng một thời" là tiêu biểu nhất cho triết lý viết và sống của ông. Khi nhận thức được chiều sâu này của tác phẩm và nhất là sau khi viết xong kịch bản "Kiều" cảm tác từ danh tác của đại thi hào Nguyễn Du, tôi thấy rất cần viết một kịch bản từ "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân để tôn vinh nét đẹp, nét lạ của nhà văn này qua tác phẩm sân khấu.

Hơn 20 năm trước, tiểu thuyết "Chùa đàn" của ông đã được chuyển thành kịch bản dưới tên gọi "Tiếng đàn vùng mê thảo", tác phẩm sau đó tạo ra tiếng vang lớn. Đây là lần thứ hai những truyện ngắn của ông được lấy làm cảm tác viết kịch bản sân khấu.

+ Nội dung của vở kịch "Vang bóng một thời" có gì khác so với những tác phẩm văn học mà nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trước đó?

So với truyện ngắn "Chữ người tử tù", kịch bản sân khấu "Vang bóng một thời" có nhiều nét khác biệt. Bên cạnh việc kết hợp chất liệu của ba truyện ngắn "Bữa rượu máu", "Chiếc ấm đất" và "Chữ người tử tù", vở kịch còn thay đổi trong việc xây dựng tính cách của viên quản ngục.

Trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân, quản ngục là người phục, chịu tài Huấn Cao - gã tù nguy hiểm nhất có văn võ song toàn, có lối viết chữ rất đẹp vào loại hiếm trong làng nghiên bút. Cũng bởi vậy, người này ngày ngày sai thầy thư lại dâng rượu cho Huấn Cao để thu phục và để xin chữ. Trong kịch bản sân khấu thì khác, khi quản ngục biết tài của Huấn Cao, hắn dùng mệnh lệnh và cả đòn roi để bắt Huấn Cao viết chữ, tuy vậy, ông kiên quyết từ chối với vẻ cao ngạo của kẻ sĩ.

Sau đó, vì bị xã hội và gia đình lên án về việc tra tấn một tài năng, viên quản ngục mới dần dần sửa đổi. Vở kịch cũng thể hiện sự giằng xé nội tâm của quản ngục giữa chức phận của kẻ trọng người hiền và bổn phận của kẻ cầm quyền ở chốn ngục tù.

+ Vở kịch chắc hẳn cũng gửi gắm nhiều thông điệp của tác giả trong đó?

Thông điệp của vở kịch "Vang bóng một thời" chính là sống trên đời cần có lòng thiên lương, nhân ái, sự độ lượng, nhân hòa, biết coi trong tài năng và cái đẹp. Đó cũng chính là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua trở ngại và khốn khó.

+ Ngay sau khi công diễn, vở kịch "Vang bóng một thời" đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Cảm xúc của ông như thế nào?

Tôi rất vui mừng khi tác phẩm nhận được những phản hồi tốt từ đồng nghiệp. Là một người tham gia vở kịch, tôi tin "Vang bóng một thời" có sự hài hòa, ăn ý của êkíp sáng tạo, từ tác giả, đạo diễn, phục trang, hậu đài… đến tập thể diễn viên.

+ Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nhà văn Nguyễn Hiếu sinh năm 1948 tại Phú Thọ. Ông là tác giả của 26 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, hơn 70 kịch bản in thành 4 tập (gần 20 vở đã được dàn dựng, chưa kể kịch phát thanh, truyền hình). Trong lĩnh vực kịch bản sân khấu, ông đã gặt hái nhiều thành tựu với nhiều vở diễn dàn dựng thành công: Vở "Chu Văn An" (HCV Liên hoan Sân khấu Chèo, Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cùng danh hiệu "Vở diễn hay nhất năm" - năm 2013), vở "Kiều" (Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017), vở rối "Thân phận nàng Kiều" (HCV Liên hoan Sân khấu quốc tế thể nghiệm 2019), "Tấm Cám" (Huy chương Hoa dâm bụt Liên hoan sân khấu Trung Quốc và ASEAN)...
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm