Bà mẹ trẻ Đinh Thị Kiều Loan (SN 1995) ở khối 4, Phường Hồng Sơn, TP Vinh hiện đang kinh doanh tại nhà và vừa sinh con gái đầu lòng được 3 tháng tuổi. Chị cho biết, trước đó, trong thời kỳ đầu mang thai, vợ chồng chị chưa có hiểu biết nhiều nên đã bỏ qua xét nghiệm ở giai đoạn đầu thai kỳ.
Thông qua hệ thống truyền thông trên loa phường, qua các buổi truyền thông trực tiếp của cán bộ dân số phường/khối… vợ chồng chị Kiều Loan đã được nghe về tầm quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh với những xét nghiệm double test, triple test, đo độ mờ gáy... giúp đánh giá nguy cơ các hội chứng down, dị tật bẩm sinh…;
Tiếp đến tháng 6/2018, khi sinh con tại Bệnh viện Đa khoa thành phố, gia đình chị đã tự nguyện cho cháu bé làm xét nghiệm lấy máu gót chân sau 72 giờ sinh để giúp phát hiện sớm và chữa trị nếu con có dấu hiệu các bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết, chuyển hóa bẩm sinh… Sau hơn 1 tháng sinh con, các bác sĩ của bệnh viện đã có kết quả phản hồi về xét nghiệm và thông báo em bé khỏe mạnh bình thường nên gia đình rất vui mừng, yên tâm.
Theo bà Phùng Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ TP Vinh: “Từ tháng 7/2013, Trung tâm đã bắt đầu cho triển khai đề án tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố với 25/25 xã/phường. Tập huấn nâng cao năng lực cho báo cáo viên, cán bộ truyền thông tại cơ sở. Đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các bà mẹ mang thai về 3 thời điểm cần nhớ để thực hiện tầm soát: mang thai tuần thứ 11 đến tuần thứ 13; mang thai tuần từ 21-23 và mang thai tuần từ 31-33…".
Thành phố cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà mẹ mang thai và các sản phụ ở khu dân cư theo nhóm, cụm về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh có thể giúp phát hiện và can thiệp sớm các dấu hiệu để giúp trẻ phát triển bình thường. Hoặc việc can thiệp này có thể giúp giảm nhẹ các hậu quả cho trẻ. Ngoài ra, còn giúp cha mẹ có những quyết định nên giữ hay bỏ thai nếu như thai nhi đã mang khuyết tật quá nặng, khó có thể sống sót hay phát triển sau khi sinh ra…”.
Theo chị Nguyễn Thị Ngân – cán bộ chuyên trách dân số Phường Đội Cung - TP Vinh: "Phường có khoảng 8.600 nhân khẩu và 2.230 hộ dân, trung bình năm bình quân có khoảng 150 cháu ra đời. Qua hoạt động công tác tuyên truyền, dân số, qua thăm khám dịch vụ tốt, đến nay, hiểu biết của phụ nữ trong độ tuổi mang thai và đang mang thai đã được nâng lên. Hầu hết chị em nhớ được lịch đi khám thai định kỳ, làm các xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán đúng với thời kỳ cần trước sinh và sơ sinh để trẻ sinh ra được khỏe mạnh, góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị khuyết tật, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn".
Trong 5 năm, từ 2013 đến tháng 7/2018, tại TP Vinh, trong tổng số hơn 40.740 bà mẹ mang thai, có đến 11.705 bà mẹ được tầm soát chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, trong đó 1.387 mẹ được hỗ trợ kinh phí, còn lại đa số là tự nguyện chi trả và xã hội hóa là 10.318 người; Số trẻ được tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh là 2.308 trẻ, phát hiện được hơn 20 trẻ bị tăng thượng thận, suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD (3 bệnh lý dẫn đến tình trạng trẻ bị bất thường ở bộ phận sinh dục, trẻ bị thiểu năng trí tuệ, không lớn được, thiếu máu, vàng da…). Trong đó, năm 2014 chỉ có 120 trẻ được chẩn đoán, tầm soát chẩn đoán sơ sinh thì đến 2017 đã tăng lên 250 trẻ, và riêng trong 7 tháng của 2018 đã tăng tới 1.058 trẻ. |