TPHCM: Nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rất cao

Đình Hưng
29/05/2021 - 12:37
TPHCM: Nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rất cao

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Hiện ca bệnh Covid-19 đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TPHCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TPHCM là rất cao.

Sáng ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trước những diễn biến mới đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đối với đợt dịch bệnh lần thứ tư, thành phố đã ghi nhận 76 ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó 1 trường hợp ghi nhận ngày 29/4 liên quan đến ca nhiễm ở tỉnh Hà Nam và 75 trường hợp ghi nhận từ ngày 18/5 đến nay với 4 chuỗi lây nhiễm.  

TPHCM hiện đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ. Đặc biệt, chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng do chủng Ấn độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo.

Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TPHCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TPHCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.

TPHCM: Nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rất cao - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến chống dịch. Ảnh: VGP

Về nơi lây nhiễm, 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình, và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè.

Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong hai khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Tân Bình và Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra, cũng không loại trừ, có thể có một số người sinh hoạt Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp.

Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động, có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.

TPHCM kiến nghị hỗ trợ tìm nguồn vaccine

Về các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính. Giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Thực hiện xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu vực chợ, siêu thị; các cơ sở dịch vụ giải trí và các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người.

Nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất tại bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp và xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên, để mọi người hiểu rằng phòng chống là cần thiết cho chính bản thân họ, gia đình họ, những người xung quanh và cho cả cộng đồng.

Trong bối cảnh phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm từ cộng đồng, TPHCM đề xuất Chính phủ có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.

Về cung ứng vaccine, người trên 18 tuổi ở TP.HCM hiện là 7,2 triệu. Các nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 21 do ngân sách hỗ trợ được TPHCM đăng ký nhận vaccine với Bộ Y tế là 1,6 triệu người. Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do TP.HCM bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ… là khoảng 5,6 triệu người. TPHCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vaccine này.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm