Thí sinh điểm kém... bị tổn thương
Mặc dù Bộ GD&ĐT giải thích rằng tra cứu điểm thi theo số báo danh hoặc họ tên mà không cần mật khẩu là để đảm bảo yếu tố minh bạch, tránh việc người đỗ, kẻ rớt sẽ có sự nghi kỵ lẫn nhau và nghi ngờ về sự minh bạch của công tác chấm thi.
Tuy nhiên, các phụ huynh cảm thấy không hài lòng về câu trả lời này. Hơn cả sự khách quan, công bằng theo cách mà Bộ GD&ĐT lý giải, chính là hệ lụy xấu từ việc ảnh hưởng tâm lý của hàng ngàn học sinh bị điểm liệt năm nay.
Bà Nguyễn Thị Thuần, giáo viên hưu trí ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, thí sinh đạt điểm cao thì không sao, nhưng những em bị điểm kém sẽ mặc cảm tự ti. Tổn thương tâm lý này có thể gây nên các hành vi dại dột, thậm chí là tự tử vì xấu hổ.
“Người ta thường bảo “tốt khoe, xấu che”, những thí sinh bị điểm thấp chẳng em nào muốn cả thế giới biết rằng em đã có một kỳ thi tệ hại. Những người khác biết để làm gì? Giúp ích gì cho họ không? Điều “hữu ích” duy nhất là một vết thương mặc cảm mà Bộ đã vô tình mang đến!” - nữ giáo viên ví von rất thâm thúy.
Là thí sinh từng tham gia thi THPT Quốc gia năm 2015, Đặng Phương Chi (TP.Vinh, Nghệ An) cũng đồng tình khi cho rằng, điểm số là thông tin cá nhân chứ không phải là thông tin công cộng để ai muốn là có thể biết.
“Lớp em có những bạn học lực kém, sau kỳ thi thường tránh tối đa việc bàn luận về điểm số, và chúng em cũng ngại không muốn đề cập vì sợ bạn buồn, khó xử. Đằng này, những kẻ ghen ghét, đố kỵ và tò mò về đời sống cá nhân của một ai đó, có thể dễ dàng biết điểm thi của các bạn đạt kết quả thấp - mục đích tốt thì ít còn động cơ xấu thì nhiều. Công khai điểm thi vì thế là điều không cần thiết!” - Phương Chi không ngần ngại thể hiện quan điểm cá nhân.
Theo Phương Chi, việc cung cấp điểm thi vẫn nên áp dụng theo cách cung cấp mật khẩu riêng cho thí sinh thông qua gửi email, gửi về tin nhắn điện thoại. Thí sinh muốn xem điểm phải có mật khẩu hoặc có các thông tin cá nhân như số báo danh, số chứng minh nhân dân… để kiểm tra điểm của mình.
Công khai điểm thi chưa hẳn là minh bạch!
Bà Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng, thông tin về kết quả học tập của học sinh được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không được sự đồng ý của các em là vi phạm mục 11 điều 6 Luật trẻ em.
“Điều này còn ảnh hưởng không tốt tới tâm lý các em, đặc biệt là các em có kết quả không mong muốn. Việc công khai kết quả thi khiến các em dễ cảm thấy thua kém, tự ti trước bạn bè, người thân và rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ, hành động dại dột” - bà Loan nói.
Cũng theo bà Lê Thị Loan, nhiều nước trên thế giới đưa điểm thi của học sinh, sinh viên vào danh mục thông tin cá nhân phải được giữ bí mật. Toàn bộ thông tin này được mã hoá thành mã số chứ không công khai danh tính học sinh.
“Bộ GD&ĐT không nên công bố công khai điểm thi của tất cả các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, tránh hệ lụy đáng tiếc do ảnh hưởng đến tâm lý các em” - bà Loan nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc công khai điểm thi của thí sinh có vi phạm luật pháp về quyền bảo mật thông tin cá nhân hay không, Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Hà Nội) cho rằng, pháp luật chưa quy định cụ thể điều này.
“Chưa có quy định nào cụ thể về hình thức công bố điểm thi của thí sinh THPT nói riêng cũng như thế nào là xâm phạm bí mật đời sống riêng tư của người từ đủ 16 tuổi trở lên nói chung. Vì vậy khó có thể nói rằng việc công bố công khai điểm thi tốt nghiệp THPT của tất cả các thí sinh trên mạng là xâm phạm đời sống riêng tư của các em” - ông Giang Hồng Thanh nói.
Tuy nhiên, theo Luật sư Giang Hồng Thanh, với phản ứng không đồng tình của dư luận, Bộ GD&ĐT nên bảo mật điểm thi cho thí sinh. Như từ các năm trước, điểm thi được bảo mật mà cũng không ai phàn nàn về tính minh bạch của điểm. Một kỳ thi minh bạch hay không thể hiện qua các nội dung khác chứ không thể hiện qua việc công khai điểm thi”.