"Tiếp sức em thơ, giúp em học online" là một chương trình do Thạc sĩ Kinh tế Nguyễn Ngọc Dũng (42 tuổi, trú tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), giảng viên Trường Đại học Dân lập Phương Đông, khởi xướng vào cuối tháng 8/2021.
Thông qua kêu gọi trên trang fanpage Facebook Phù Đổng TV, chương trình đã tiếp nhận được nhiều chiếc điện thoại đã qua sử dụng từ bà con nhân dân, tiền mặt từ các mạnh thường quân để mua điện thoại mới, kịp thời trao gửi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới.
2021 - 2022 là năm học đầu tiên thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác tổ chức khai giảng trực tuyến. Ngay sau lễ khai giảng, các học sinh sẽ học buổi đầu tiên thông qua ứng dụng Zoom trên điện thoại thông minh, máy tính.
Theo thông tin từ UBND xã Phù Đổng, trong số hơn 2.600 trẻ, học sinh tại các cấp học trên địa bàn có khoảng 20 trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện mua điện thoại thông minh, máy tính cho con cái học tập.
Vấn đề nan giải này được nhà trường chia sẻ với các phụ huynh học sinh tại buổi họp trước thềm khai giảng năm học mới. Giáo viên chia sẻ lớp của con anh Dũng có 1-2 trường cá biệt học online rất 'bập bõm'.
Nguyên do là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa hoặc trường hợp mẹ đơn thân, lúc mượn được điện thoại lúc không, khiến việc của con bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng học tập.
Trông người lại nghĩ ta, tuy gia đình cũng đang gặp cảnh khó khăn nhưng các con của anh Dũng vẫn còn may mắn hơn các bạn khi vẫn có điện thoại, máy tính phục vụ cho việc học trực tuyến. Từ đó đã thôi thúc anh cần làm một điều gì đó để giúp đỡ bạn học của con và chương trình "Tiếp sức em thơ, giúp em học online" đã chính thức được khởi động vào ngày 26/8.
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn kêu gọi, chương trình đã tiếp nhận nhiều điện thoại thông minh đã qua sử dụng và 13 triệu đồng đồng tiền ủng hộ. Từ số tiền này, cộng với 5 triệu bỏ ra từ quỹ của fanpage Phù Đổng TV và 2 triệu đồng tiền túi của bản thân, anh Dũng và các cộng sự đã sửa thành công, mua mới tổng 20 chiếc điện thoại.
Những chiếc điện thoại này đã được nhóm phối hợp cùng với UBND xã Phù Đổng tổ chức trao cho Trường Mầm non Phù Đổng, Trường Tiểu học Phù Đổng, Trường THCS Phù Đổng trước thềm năm học mới.
Điểm đặc biệt của chương trình là những chiếc điện thoại thông minh này sẽ được trao cho nhà trường. Qua nắm bắt gia cảnh học sinh trong năm học, nhà trường sẽ lựa chọn và cho các em học sinh mượn, giải quyết khó khăn trước mắt vì không có điện thoại để học trực tuyến. Trong năm học kế tiếp, khi cha mẹ các em đã đủ tiền sắm sửa phương tiện học tập cho con, chiếc điện thoại này sẽ được nhà trường giữ lại để trao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Phù Đổng 2 (xã Phù Đổng), anh Nguyễn Văn Tiến (28 tuổi), Bí thư Đoàn Thanh niên thôn, một cộng sự của anh Dũng đang hướng dẫn cháu Nguyễn Đặng Bảo Ngọc, học sinh Lớp 8, Trường THCS Phù Động các thao tác bật tắt điện thoại, đăng ký gói cước internet, kết nối học trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom: "Khi nhà trường thông báo có mã số để học Zoom thì cháu ấn vào đây".
Ngoài việc giới thiệu, kết nối các đoàn viên hỗ trợ các em học sinh, gia đình các em học sinh sử dụng điện thoại để học trực tuyến, anh Tiến còn đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận, sửa chữa khi điện thoại gặp vấn đề hỏng hóc.
"Đối với những người dư thừa điện thoại cũ, không còn nhu cầu sử dụng, nó chỉ là một vật dụng bình thường. Nhưng đối với những em học sinh có hoàn cảnh gian khó nó lại trở thành một vật dụng quý giá. Bằng khả năng của mình, tôi có thể tiếp nhận và sửa chữa những chiếc điện thoại bị hư hỏng, đưa nó về sử dụng bình thường", anh Tiến chia sẻ.
Ngoài ý nghĩa nhân văn đã kể trên, theo anh Tiến, chương trình còn dạy cho các em học sinh bài học về lòng "tương thân tương ái". Sau này khi trưởng thành, hoàn cảnh đỡ vất vả hơn, các em sẽ nghĩ đến mình của ngày trước, qua đó biết giúp đỡ những người đang trong cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Cầm chiếc điện thoại mới trên tay, cháu Nguyễn Đặng Bảo Ngọc không giấu niềm hạnh phúc, vui mừng. Đây sẽ phương tiện học tập chung của hai chị em Ngọc (người em năm nay lên lớp 4) khi bước vào năm học mới. "Cháu rất vui khi được nhà trường và chú Dũng cho mượn chiếc điện thoại này. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ tấm lòng của mọi người", Ngọc nói.
Cũng cùng trong cảnh mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, cơ sở dệt may của chị Nguyễn Thị Chung (36 tuổi, trú tại thôn Phù Đổng 2) phải dừng hoạt động. Nhiều tháng nay không có việc làm, trong cảnh trong nhà chỉ có một chiếc duy nhất, chỉ đủ phục vụ cho một người con học tập trực tuyến. Vì vậy tại buổi họp phụ huynh trước đó, chị đã kiến nghị với nhà trường sắp xếp lịch học của hai con không trùng nhau nhưng không được chấp thuận.
Nắm bắt hoàn cảnh của gia đình chị Chung, Trường THCS Phù Đổng đã đề xuất với UBND xã kết nối với chương trình của anh Dũng để được hỗ trợ về trang thiết bị phục vụ cho học tập. Ngày hôm nay, trong dư âm của ngày tựu trường, thầy Đới Đăng Hân, Hiệu trưởng đã cùng đoàn công tác tới nhà thăm hỏi và trao cho gia đình chị Chung chiếc điện thoại thông minh.
Đây là phương tiện sẽ được cháu Cao Thùy Dương, học sinh lớp 8B, Trường THCS Phù Đổng, con gái chị Chung dùng học trực tuyến trong năm học mới. "Chiếc điện thoại này đã thêm phần chắp cánh cho ước trở thành giáo viên của cháu", cháu Dương chia sẻ.
Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Phù Đổng có 891 học sinh. Qua rà soát, nhà trường thống kê được 4 trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện mua phương tiện học tập cho con.
"Trong tình cảnh đó, với tinh thần 'không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau', phụ huynh Nguyễn Ngọc Dũng đã kết nối với mạnh thường quân trên địa bàn để trao điện thoại thông minh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn trước nghĩa cử cao đẹp này", thầy Đới Đăng Hân chia sẻ.
Tiếp nhận 7 chiếc điện thoại thông minh từ chương trình, đến nay, Trường Tiểu học Phù Đổng đã trao tới tận tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Trong số đó, riêng lớp cô Nguyễn Thị Thùy Dương chủ nhiệm (2E) có tới hai trường hợp gia đình thuộc hộ cận nghèo, không có kết nối mạng internet, không có phương tiện cho con học tập.
Từ phía Trường Mầm non Phù Đổng, cô Hoàng Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng, cho biết, trong số 700 trẻ trong năm học này có 3 trường hợp bố mẹ không có điện thoại thông minh để kết nối với giáo viên thông qua ứng dụng Zalo. Qua mạng xã hội này, giáo viên sẽ gửi từng đoạn video cho cha mẹ để hướng dẫn con học tập, vui chơi tại nhà.
Nắm bắt tình hình này, chương trình đã trao tặng 4 phương tiện học tập gồm 3 điện thoại thông minh, một iPad cũ cho trường mầm non. "Đây là một việc làm hết sức nhân văn, trong thời điểm này cần được nhân rộng hơn. Bởi xung quanh chúng ta còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn", cô Hoàng Thị Ánh Tuyết xúc động nói.
Đánh giá về chương trình này, ông Đặng Thế Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, cho biết, "Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Tôi mong rằng mô hình này sớm được nhân rộng để cho học sinh trên cả nước đều có điều kiện tham gia học tập trực tuyến".
Ngoài hỗ trợ từ chương trình "Tiếp sức em thơ, giúp em học online", trong thời gian tới, UBND xã cũng sẽ kêu gọi người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ phương tiện học tập cho các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
UBND xã Phù Đổng tặng quà các trường học trên địa bàn nhân dịp khai giảng năm học mới
Thực hiện: Trường Hùng