Trào lưu phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn và sinh con

28/07/2019 - 10:01
Số lượng phụ nữ muốn sống một cuộc sống tự do, không ràng buộc bởi gia đình hay con cái ngày càng tăng. Chính phủ Hàn Quốc đã vào cuộc, nỗ lực giải quyết tình trạng này bằng cách khuyến khích các cặp đôi đi đến hôn nhân, đặc biệt là làm cha làm mẹ.
Phụ nữ “nổi dậy” phá bỏ những quy định cũ
Chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt với những thách thức cả về dân số lẫn kinh tế khi ngày càng nhiều phụ nữ nước này quyết định hưởng ứng trào lưu NoMarriage (Không cưới hỏi). Điển hình của việc này là cô Baeck Ha-na, làm việc trong lĩnh vực kế toán và là YouTuber nổi tiếng tại Hàn Quốc, đang cổ động cho cuộc sống độc thân ở phụ nữ. Người phụ nữ này phản đối việc bị gọi là "mi-hon" (người chưa kết hôn), một khái niệm phổ biến trong xã hội Hàn Quốc để nói về phụ nữ độc thân. Cô cũng tham gia vào một mạng lưới bao gồm những phụ nữ không muốn kết hôn và sinh con. "Xã hội khiến tôi cảm thấy mình như một kẻ thất bại khi ở độ tuổi 30 mà vẫn chưa làm vợ hay làm mẹ. Thay vì thuộc về một ai đó, giờ đây tôi có tương lai với nhiều tham vọng hơn", cô Baeck chia sẻ.
 
baeck-ha-na-1.jpg
Baeck Ha-na

Cô Beack cho rằng, chính sách ép phụ nữ kết hôn và sinh con của chính quyền Hàn Quốc có thể khiến nhiều người không hài lòng. Quan điểm của cô Baeck cũng là tiếng nói chung của nhiều phụ nữ Hàn Quốc ngày nay khi họ cho rằng việc bắt ép kết hôn, sinh con chẳng khác nào động thái bắt nạt nữ giới của chính phủ cũng như các chuyên gia kinh tế. Áp lực gia đình, con cái chỉ khiến nữ giới trở nên khủng hoảng hơn trong khi xã hội không có một cơ chế rõ ràng để bảo vệ sự nghiệp cho phái yếu cũng như hỗ trợ tài chính nuôi dạy con. Chi phí kết hôn cao, một đôi vợ chồng trẻ ước tính phải mất 90.000 USD để kết hôn.

Gánh nặng về chi phí học hành, nhà ở rồi nỗi lo mất việc khi nghỉ sinh khiến nữ giới Hàn ngày nay chẳng màng kết hôn. Phụ nữ Hàn Quốc ý thức rằng, sau khi kết hôn phải nghỉ việc ở nhà chăm lo cho gia đình. Theo Giáo sư xã hội học Shin Gi-wook ở trường Đại học Stanford, hệ thống xã hội của Hàn Quốc vẫn xem nam giới là trung tâm. Sau khi kết hôn, phụ nữ phải cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò: làm mẹ, làm vợ, làm con dâu, điều này khiến họ khó mà vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình và hôn nhân.

baeck-ha-na-3.jpg
Hội độc thân ưu tú, luôn cầu tiến" (EMIF) và sở hữu kênh YouTube mang tên "Solo-darity"

Cô Baeck cho biết, các chính sách của chính phủ "nhằm ép buộc một người phụ nữ phải kết hôn và sinh con thể hiện cho một nhận thức sâu sắc về người phụ nữ trong xã hội của chúng ta chỉ là một đồ vật, không phải là một cá nhân". Baek là thành viên của "Hội độc thân ưu tú, luôn cầu tiến" (EMIF) và sở hữu kênh YouTube mang tên "Solo-darity". Đây là một mạng lưới được thành lập để phụ nữ tổ chức các cuộc thảo luận, tham dự các buổi chiếu phim và tổ chức những sự kiện kết nối. Tại một cuộc họp buổi tối gần đây, 9 thành viên của EMIF đã xếp bàn thành 1 vòng tròn để thảo luận về việc trở thành một bi-hon (không kết hôn, không có con) và những chính sách của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp.

baeck-ha-na-2.jpg
Baeck Ha-na và Kang Han-byul, đồng sáng lập của nhóm EMIF

Kang Han-byul, đồng sáng lập của nhóm EMIF, cho hay: "Vấn đề lớn nhất của chính phủ là họ không lắng nghe phụ nữ - những đối tượng thực sự phải sinh con và nuôi dạy con. Họ cố gắng tạo dựng ý tưởng gia đình là điều tốt đẹp, có con là điều hạnh phúc dù có nhiều điều không thể nói ra với người phụ nữ về cả thể chất và tinh thần. Đó là lý do tại sao những chính sách này không thể thuyết phục được chúng tôi". Phản ứng của phụ nữa Hàn Quốc với chính sách được cho là "không chịu lắng nghe" của chính phủ đã tạo ra làn sóng hashtag trên Twitter, ở đó những người phụ nữ chia sẻ câu chuyện của họ về việc sống một cuộc sống không vướng bận vào hôn nhân và sinh con.

Một bài đăng trên Twitter viết: "Mọi người thường nói tôi không thể làm điều gì mà không có một người cha trong nhà. Tôi đã tự mua một chiếc súng silicon và có thể tự sửa cửa sổ để nước mưa không hắt vào nhà. Tại sao trước đây tôi lại không tin vào bản thân mình?".
Hệ lụy dân số già
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc cho thấy, ngày càng ít phụ nữ ở quốc gia này tin việc kết hôn là bắt buộc. Năm 2010, có 64,7% phụ nữ Hàn Quốc trả lời rằng kết hôn là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đến năm 2018, tỉ lệ này giảm còn 48,1%. Khi nói đến tỷ lệ sinh, Hàn Quốc xếp hạng cuối trong các quốc gia OECD ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ năm 2016, con số này thậm chí còn thấp hơn trong năm nay.
Tỷ lệ sinh ngày càng giảm dẫn đến việc Hàn Quốc trở thành một xã hội già hóa. Chuyên gia kinh tế Lee Jong-hwa từng đăng một bản báo cáo chỉ ra rằng, đến năm 2030, sẽ có khoảng 1/3 số người dân Hàn Quốc bước sang tuổi 65. Ngoài ra, tỷ lệ người lớn tuổi càng cao có nghĩa là chi phí dành cho phúc lợi xã hội không thể không tăng lên, khiến cho thế hệ trẻ buộc phải đóng nhiều thuế hơn. Tuy nhiên, đối với người trẻ tuổi ở Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng của một xã hội già hóa dường như còn rất xa so với những vấn đề ảnh hưởng ngay lập tức đến cuộc sống của họ.
Báo cáo mới nhất về vấn đề dân số đã chỉ ra một mối đe doạ đối với lực lượng lao động của Hàn Quốc. Trong một thập kỷ sau năm 2017, số người trong độ tuổi sản xuất dự kiến sẽ giảm 2,5 triệu người, trong khi dân số già sẽ tăng 4,5 triệu người. Ước tính, có 37,6 triệu người đã tham gia lực lượng lao động trong năm 2017. Đến năm 2067, con số này được dự đoán sẽ giảm xuống hơn nửa, còn 17,8 triệu người.
 
phu-nu-han-quoc.jpg
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc ngày càng giảm

Sự thay đổi về nhân khẩu học giờ đây đã có tác động đến hoạt động kinh doanh của đất nước. Theo một báo cáo, hơn 20% các trung tâm tổ chức tiệc cưới ở Seoul đã đóng cửa, trong đó có 2 địa điểm lớn nhất nằm ở những khu vực cho giới nhà giàu quanh Gangnam. Văn phòng Giáo dục Busan cho biết, năm nay họ dự kiến sẽ đóng cửa 3 trường tiểu học và trung học vào tháng 2 tới, trong khi một trường trung học khác sẽ đóng cửa và sáp nhập khuôn viên với một trường tiểu học đang thiếu học sinh.

Tại Busan, số học sinh tiểu học đăng ký đi học đã giảm 26% trong 9 năm qua, từ 199.407 học sinh trong năm 2010 xuống còn 147.340 tính đến tháng 3/2019. Số học sinh trung học cơ sở giảm 43%, học sinh trung học phổ thông giảm 40%.
Chính phủ vào cuộc
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực giải quyết tình trạng này bằng cách khuyến khích các cặp đôi đi đến hôn nhân, đặc biệt là làm cha làm mẹ. Tại Sejong, thành phố được gọi là thủ đô hành chính mới của Hàn Quốc, khoảng 30 người đàn ông và phụ nữ độc thân đã tham dự sự kiện hồi tháng 6. Mục tiêu của giới chức địa phương này là khuyến khích những đối tượng độc thân tham gia các hoạt động giải trí và trò chuyện với nhau. Tại Gangnam diễn ra một sự kiện tương tự vào năm ngoái có 50 người tham dự, với 14 người trong số này đã tìm được nửa kia của mình và ban tổ chức dự kiến tổ chức thêm hoạt động tương tự trong năm nay.
 
moon-jae-in.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thành lập Uỷ ban về Chính sách Dân số và Xã hội của Tổng thống tháng 12/2017 để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp của nước này. Ông Moon nhấn mạnh, cần sớm khắc phục vấn đề nghiêm trọng về dân số. Chính phủ phải tập trung vào việc làm thế nào để kết hôn, sinh con không gây cản trở cho cuộc sống của người phụ nữ.

Hàn Quốc đã chi 32,1 tỷ USD để giảm bớt các gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ thông qua các chương trình trợ cấp trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ trị giá 268 USD mỗi tháng. Hồi tháng 7/2018, Hàn Quốc thông qua dự luật kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên đến 2 năm, cho phép các ông bố được hưởng 80% lương, tối đa 1.338 USD mỗi tháng, khi ở nhà chăm con sơ sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm