pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ bị sốt xuất huyết dễ nguy kịch nếu không uống oresol
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng mạnh vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Vì mưa làm nước ứ đọng ở nhiều vị trí thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, do thiếu nước sinh hoạt nên người dân ở một số địa phương thường tích trữ nước ở các chum, vại, lu, bể chứa nước mà không có nắp đậy hoặc nắp đậy không đảm bảo để muỗi chui vào đẻ trứng, khiến sốt xuất huyết dễ bùng phát thành dịch.
Sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Một số trẻ sốt xuất huyết nặng có biểu hiện mất nước trầm trọng, do không được bù nước và điều trị đúng cách”.
1. Trẻ mắc sốt xuất huyết dễ nguy kịch do tình trạng mất nước trầm trọng
Mất nước là tình trạng lượng nước bị mất ra khỏi cơ thể cao hơn so với lượng nước cơ thể nhập vào. Điều này sẽ phá vỡ sự cân bằng của các nồng độ muối, khoáng chất và lượng đường trong máu khiến các cơ quan không thể thực hiện chức năng một cách bình thường, gây nhiều thiệt hại cho cơ thể.
Sốt xuất huyết gây sốt cao, nôn ói, khiến cơ thể trẻ bị mất nước. Tình trạng mất nước trầm trọng có thể gây cô đặc máu khiến trẻ sốt cao hơn. Nếu không được bù nước đúng cách, trẻ dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh có thể nhận biết tình trạng mất nước do sốt xuất huyết ở trẻ thông qua các biểu hiện: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy trầm trọng, nôn ói, mệt mỏi, li bì, đau tức vùng gan.
Một số phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết không chú ý hiện tượng mất nước, dẫn đến tình trạng xuất huyết ồ ạt, huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo sự di chuyển của nước khiến một lượng nước lớn trong hệ tuần hoàn bị mất. Đây là nguyên nhân của các biến chứng nguy hiểm ở trẻ như: sốc, trụy mạch, hôn mê, rối loạn chức năng gan, thận... Trong đó, biến chứng sốt xuất huyết giảm tiểu cầu được xem là cực kỳ nguy hiểm. Vì khi tiểu cầu giảm, bệnh nhân sốt xuất huyết có nguy cơ mất khả năng đông máu và không thể chống lại các nhiễm trùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giảm tiểu cầu được xem là một tiêu chí đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết. Giảm tiểu cầu được định nghĩa như sự suy giảm nhanh chóng số lượng tiểu cầu hoặc số lượng tiểu cầu dưới 150.000/mm3 (< 150 G/L).
Một số triệu chứng của sốt xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ bao gồm:
- Mệt mỏi
- Bầm tím
- Mề đay
- Chảy máu mũi hoặc nướu răng
- Chảy máu không dứt từ vết thương, ngay cả khi đã xảy ra từ lâu.
Trong những trường hợp tiểu cầu thấp nghiêm trọng hơn, trẻ mắc sốt xuất huyết có thể bị chảy máu bên trong. Các triệu chứng của chảy máu nội tạng bao gồm: Máu trong nước tiểu. Máu trong phân. Máu hoặc chất nôn màu đen.
Để phòng tránh những biến chứng trên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để bù nước và điều trị sốt xuất huyết đúng cách.
2. Cách bù nước cho trẻ sốt xuất huyết
2.1. Tăng cường cho trẻ uống ORS (oresol)
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trong điều trị sốt xuất huyết, có hai loại thuốc quan trọng là thuốc hạ sốt và ORS (oresol). Đối với thuốc hạ sốt: Chỉ được dùng Paracetamol, không được dùng Ibuprofen. Đối với thuốc oresol (thuốc bù nước, điện giải) cần cho trẻ uống càng sớm càng tốt vì khi trẻ mắc sốt xuất huyết, điều quan trọng và cần làm ngay là bù nước và các chất điện giải.
Trong quá trình chăm sóc trẻ sốt xuất huyết, nếu cho trẻ uống cả oresol và nước lọc, trẻ có xu hướng thích nước lọc hơn và uống ít oresol lại. Nhiều phụ huynh thường cho trẻ uống oresol bằng cách, sau một thìa oresol, cho trẻ uống một thìa nước lọc, dẫn đến tình trạng trẻ ngửi thấy mùi mặn chát của oresol nên không uống hoặc uống ít đi.
“Trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết chỉ uống nước lọc, không uống oresol rất nguy hiểm vì trẻ có nguy cơ gặp các biến chứng do tình trạng mất nước trầm trọng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Do đó, theo kinh nghiệm của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, giai đoạn trẻ bị sốt xuất huyết, tạm thời không cho trẻ uống nước lọc, chỉ cho trẻ uống oresol. Sau 1 - 2 tiếng chỉ uống oresol, không uống nước lọc trẻ sẽ quen với mùi vị và thích uống oresol. Liều lượng sử dụng oresol tùy theo tuổi và thể trạng của trẻ. Phụ huynh cần tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.
2.2 Truyền dịch cho trẻ sốt xuất huyết phải tuân theo chỉ định của bác sĩ
Trẻ mắc sốt xuất huyết ăn uống kém, nôn ói nhiều, có dấu hiệu mất nước lâm sàng, mức hematocrit tăng hoặc số lượng tiểu cầu giảm có thể thực hiện truyền dịch bù nước dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ ở tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
Tự ý truyền dịch cho trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà là một số những sai lầm nghiêm trọng nhiều bậc phụ huynh gặp phải. Những biến chứng do việc tự ý truyền dịch có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Nếu may mắn ở thể nhẹ thì sưng, đau vùng tiêm nhưng nếu nặng có thể dẫn đến hiện tượng bị sốc phản vệ do truyền quá nhanh, hoặc cơ địa dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Một số trường hợp đặc biệt, tim có thể bị quá tải do không chứa nổi một lượng lớn dịch đưa vào cơ thể dẫn đến tình trạng ứ nước trong phổi, phù phổi, suy hô hấp, trụy tim rồi dẫn đến tử vong.
Mới đây, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 1 trường hợp sốt xuất huyết là 1 thiếu niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Do đó, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: “Phụ huynh tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà cho trẻ nhằm đề phòng những biến chứng nguy hiểm”.
Sốt xuất huyết là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.