Trẻ chảy máu cam về đêm và những điều cha mẹ cần biết

QN
04/08/2022 - 07:51
Trẻ chảy máu cam về đêm có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như trẻ ngoáy mũi, khô mũi,... Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời, thậm chí chảy máu cam còn có thể gây đe dọa đến tính mạng của trẻ trong các trường hợp nặng.

Trẻ chảy máu cam về đêm là tình trạng thường gặp, xảy ra khi các mạch máu ở mũi bị tổn thương làm máu thoát ra khỏi lòng mạch. Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ chảy máu cam về đêm, cách xử lý và phòng tránh như thế nào?

1. Nguyên nhân khiến trẻ chảy máu cam về đêm

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị chảy máu cam về đêm, trong đó thường gặp nhất là những nguyên nhân sau:

- Trẻ ngoáy mũi

Trẻ ngoáy mũi một cách thường xuyên được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị chảy máu cam về đêm. Động tác ngoáy mũi của trẻ khiến cho các mạch máu trong mũi tổn thương do sự ma sát giữa ngón tay trẻ với niêm mạc mũi, hoặc bị cào trầy xước bởi móng tay,... Hậu quả là tình trạng chảy máu cam về đêm ở trẻ xảy ra.

- Khô mũi

Độ ẩm không khí quá thấp hoặc do cơ thể bị thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như vitamin C,... làm cho niêm mạc mũi bị khô. Khi này, lớp niêm mạc mũi sẽ dễ bị nứt nẻ, bong tróc và bộc lộ các mạch máu ở mũi. Khi các vết nứt ăn sâu vào các mạch máu ở mũi sẽ dẫn đến trẻ bị chảy máu cam về đêm.

- Viêm nhiễm

Viêm nhiễm vùng mũi họng cũng có thể biểu hiện bằng tình trạng trẻ chảy máu cam về đêm do trẻ thường xuyên chà xát mũi và ngoáy mũi để giảm khó chịu. Nhất là khi trẻ xì mũi quá mạnh làm cho áp lực dồn lên các mạch máu ở mũi tăng đột biến, từ đó càng làm trẻ dễ chảy máu cam hơn.

- Dị vật ở hốc mũi

Khi chơi đùa, những đứa trẻ có thể vô tình nhét những dị vật khác nhau vào hốc mũi nhưng không được phát hiện kịp thời. Dị vật nằm trong hốc mũi làm tổn thương, trầy xước các tổ chức trong hốc mũi. Điều này không chỉ khiến cho trẻ bị chảy máu cam về đêm mà còn dễ dẫn đến viêm nhiễm ở vùng mũi.

- Bất thường cấu trúc mũi

Các bất thường cấu trúc ở mũi như vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi,... cũng là những nguyên nhân thường dẫn tới trẻ chảy máu cam về đêm. Với trường hợp này trẻ sẽ rất dễ bị chảy máu cam tái phát nếu nguyên nhân bất thường cấu trúc mũi không được điều trị. 

- Rối loạn đông máu

Các bệnh lý rối loạn đông máu như bệnh lý ưa chảy máu hemophilia A, hemophilia B, sốt xuất huyết,... làm cho khả năng cầm máu của trẻ bị suy giảm. Các tổn thương nhỏ không được sửa chữa kịp thời bằng cơ chế cầm máu thích hợp và tiến triển thành tình trạng trẻ chảy máu cam về đêm.

Trẻ chảy máu cam về đêm và những điều cha mẹ cần biết - Ảnh 1.

Thói quen ngoáy mũi là một trong các nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ chảy máu cam về đêm - Ảnh: Internet

2. Trẻ chảy máu cam về đêm có nguy hiểm không?

Chảy máu cam về đêm ở trẻ thường diễn ra một cách đột ngột khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhiều cho sức khỏe của trẻ, không biết liệu rằng tình trạng này có nguy hiểm hay không?

Trên thực tế, hầu hết các trường hợp trẻ bị chảy máu cam về đêm đều xảy ra do nguyên nhân trẻ ngoáy mũi, hốc mũi bị khô quá mức hoặc do viêm nhiễm gây ra. Số ít các trường hợp bị gây nên bởi rối loạn đông máu hoặc do bất thường cấu trúc mũi. Do đó nguyên nhân gây trẻ chảy máu cam về đêm thường là những nguyên nhân không quá nguy hiểm.

Tuy nhiên, trẻ bị chảy máu cam về đêm là một tình trạng mất máu cấp tính. Nếu chỉ chỉ chảy máu cam ít thì sẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng cũng đã có những trường hợp trẻ chảy máu cam quá nhiều, có thể đe dọa đến tính mạng. Khi này thì trẻ cần phải được cấp cứu cầm máu kịp thời, bồi phụ thể tích tuần hoàn hoặc truyền yếu tố đông máu, tiểu cầu,... để ngăn ngừa nguy hiểm có thể xảy ra.

3. Cách xử lý khi trẻ chảy máu cam về đêm

Các bậc cha mẹ thường hoảng hốt khi thấy trẻ chảy máu cam về đêm, nhất là với những cha mẹ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Điều này có thể dẫn đến những sai lầm trong cách xử lý và làm cho hậu quả của trẻ chảy máu cam về đêm trở nên trầm trọng hơn.

Vì vậy, mọi người nên xử lý đúng cách để đảm bảo bé không bị đau hay hoảng sợ:

- Tư thế của trẻ

Nếu thấy trẻ bị chảy máu cam về đêm thì nên cho trẻ ngồi dậy với đầu hơi chúi về phía trước. Tư thế này giúp tránh việc máu chảy xuống đường dẫn khí hoặc xuống đường tiêu hóa của trẻ gây sặc hoặc kích thích trẻ bị nôn.

- Cầm máu cho trẻ

Cha mẹ sử dụng hai ngón cái và ngón trỏ ép hai bên cánh mũi của trẻ vào với nhau. Áp lực tạo ra từ động tác này có thể giúp bịt kín lại khu vực mạch máu bị tổn thương và dừng chảy máu tạm thời tại đó. Từ đây giúp các cơ chế đông máu của cơ thể như hình thành nút tiểu cầu tạm thời và các cơ chế cầm máu khác có thể diễn ra.

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng một chiếc khăn bông mềm, sạch hoặc gạc y tế quấn tròn lại để nhét mũi cho trẻ nhằm mục đích cầm máu.

Trẻ chảy máu cam về đêm và những điều cha mẹ cần biết - Ảnh 2.

Hầu hết các trường hợp trẻ chảy máu cam về đêm đều có thể cầm máu sau khi được sơ cứu đúng cách - Ảnh: Internet

- Đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời

Trong hầu hết các trường hợp trẻ chảy máu cam về đêm sẽ cầm máu sau khi thực hiện các bước trên. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn còn chảy máu cam nhiều, không cầm máu được hoặc trẻ có các dấu hiệu mất máu nghiêm trọng như trẻ li bì, da nhợt nhạt, mạch nhanh nhỏ hoặc không sờ được,... thì nên được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

4. Phòng tránh trẻ chảy máu cam về đêm như thế nào?

Mặc dù không có biện pháp phòng tránh đặc hiệu, nhưng một số lưu ý sau đây có thể giúp hạn chế nguy cơ trẻ bị chảy máu cam về đêm:

- Hướng dẫn trẻ xì mũi và vệ sinh mũi đúng cách khi có viêm nhiễm.

- Ngăn việc trẻ sử dụng tay để ngoáy mũi.

- Giữ độ ẩm phù hợp trong môi trường trẻ thường xuyên hoạt động để tránh xảy ra tình trạng khô hốc mũi.

- Bổ sung dưỡng chất đầy đủ để niêm mạc mũi khỏe mạnh, nâng cao độ bền các thành mạch máu,...

- Điều trị theo chỉ định các bất thường cấu trúc mũi hoặc các bệnh lý rối loạn đông máu để ngăn chảy trẻ chảy máu cam về đêm tái phát.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến tình trạng trẻ bị chảy máu cam về đêm. Thường tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng cũng không nên chủ quan. Nếu thấy trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, có nhiều dấu hiệu bất thường thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. 

Nguồn tham khảo: Nosebleed (Epistaxis) in Children

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm