pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ dễ mắc một bệnh đáng sợ nếu xem tivi, điện thoại nhiều
Ảnh minh họa
Trẻ có nguy cơ mắc rối loạn Tic nếu xem tivi, điện thoại quá nhiều
Theo BS Trương Hữu Khanh (Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), việc dành quá nhiều thời gian cho tivi, điện thoại khiến trẻ không được đi ra ngoài hoà nhập, giao lưu với mọi người. Việc vui chơi cũng không còn diễn ra như bình thường nữa. Đứa trẻ lúc này chỉ cắm đầu, "dán mắt" vào màn hình ti vi, điện thoại.
Tivi, điện thoại trở thành người bạn thân nhất của trẻ. Chúng có thể giải trí, học tập, "giết" thời gian bằng những thiết bị này. Tình trạng càng kéo dài, trẻ càng dễ "nghiện" các thiết bị công nghệ như ti vi, điện thoại, ipad... Dùng càng nhiều, càng kéo dài và quá tập trung, trẻ càng tăng nguy cơ mắc rối loạn Tic.
"Đa số trẻ mắc bệnh Tic hiện nay chủ yếu là do tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ điện tử", BS Khanh khẳng định.
Đáng tiếc, trong cuộc sống hiện đại, hầu như cha mẹ nào cũng cho con xem ti vi, điện thoại... để trẻ đỡ bám mình, để bản thân có thời gian làm những việc khác, để chúng bớt ồn ào, đỡ nghịch phá... Ăn cũng xem, đi học về xem, tối xem, trước khi đi ngủ cũng cho xem... Nói chung, thời gian để ra ngoài vui chơi thì lại "ôm" ti vi, điện thoại. Nguy cơ mắc rối loạn Tic ở trẻ là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong gia đình thời hiện đại.
"Trẻ 4-5 tuổi trở lên, bắt đầu tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ có thể mắc hội chứng Tic", vị bác sĩ chuyên khoa Nhiễm - Thần kinh này cho biết thêm. Rối loạn Tic là việc vận động hoặc phát âm xuất hiện các biểu hiện bất thường, lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát. Bệnh này gặp ở nhiều lứa tuổi. Nhiều nhất ở trẻ 4-5 tuổi trở lên. Đáng nói, ở những gia đình thường xuyên cho con xem tivi, điện thoại thì nguy cơ mắc bệnh này rất cao.
Rối loạn Tic - rối loạn vận động phổ biến ở trẻ em
Theo NCBI, rối loạn Tic được giới chuyên gia đánh giá là rối loạn vận động phổ biến nhất ở trẻ em. Tic thường không nghiêm trọng và sẽ cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, chúng có thể gây khó chịu, cản trở các hoạt động hàng ngày của trẻ. Tất nhiên, để tình trạng bệnh kéo dài cũng rất nguy hiểm. Nó dễ phát triển thành hội chứng Tourette, một thuật ngữ được sử dụng khi rối loạn Tic kéo dài hơn 1 năm.
Bác sĩ nổi tiếng người Pháp, Jean Marc Gaspard Itard (1774-1838), đã báo cáo trường hợp một nữ quý tộc có biểu hiện cử động cơ thể không chủ ý liên quan đến vai, cổ và mặt, đồng thời phát âm như tiếng sủa, thốt ra ngôn ngữ tục tĩu.
Sau đó, BS George Gilles de la Tourette (1857–1904) đề cập đến trường hợp này và báo cáo 9 bệnh nhân mắc chứng rối loạn Tic.
Đáng chú ý, báo cáo này đã mô tả các đặc điểm lâm sàng chủ yếu của rối loạn Tic như khởi phát sớm, cử động cơ nhanh, đột ngột, lặp lại không có nhịp điệu bao gồm cả âm thanh hoặc giọng nói.
Trong một thời gian, Tic được coi là triệu chứng của các rối loạn chức năng như cuồng loạn, loạn thần kinh... Năm 1968, trường hợp đầu tiên được báo cáo về một bệnh nhân bị chứng máy giật được cải thiện nhờ thuốc an thần kinh. Kể từ đó, rối loạn Tic chủ yếu được thảo luận trong các bệnh thần kinh. Chúng thường đi kèm với các bệnh lý tâm thần như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), lo lắng và trầm cảm. Do đó, điều trị tối ưu các rối loạn Tic đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành liên quan đến các nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và nhà trị liệu hành vi.
Đăng tải trên NCBI, cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, tái bản lần thứ 5, định nghĩa 5 rối loạn Tic:
- Rối loạn Tic tạm thời;
- Rối loạn Tic mãn tính;
- Rối loạn Tourette (còn được gọi là hội chứng Tourette);
- Rối loạn Tic đặc hiệu;
- Rối loạn Tic không xác định.
3 rối loạn Tic đầu tiên khởi phát trước 18 tuổi và các triệu chứng không phải do các bệnh nội khoa khác như bệnh Huntington, lạm dụng chất gây nghiện hoặc tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Rối loạn Tic tạm thời được coi là khi Tic (vận động hoặc giọng nói hoặc cả hai) đã xuất hiện dưới một năm kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Rối loạn Tic mãn tính cho thấy sự hiện diện của Tic trong thời gian dài hơn một năm.
Tic vận động đơn giản là những cử động ngắn, đột ngột, lặp đi lặp lại và dường như không có mục đích, chỉ liên quan đến một nhóm cơ hoặc một bộ phận cơ thể (ví dụ: mặt, cổ, vai hoặc tay). Chứng giật cơ thường liên quan đến mắt và miệng, tiếp theo là cổ và tứ chi; bàn chân và cấu trúc trục đường giữa cơ thể ít liên quan nhất.
Ví dụ về tật vận động bao gồm chớp mắt, đảo mắt, mở to mắt hoặc miệng, nghiêng cổ, nâng vai và run tay.
Ngược lại, tic vận động phức tạp được gây ra bởi một số nhóm cơ và đôi khi là các kiểu chuyển động có mục đích. Các ví dụ bao gồm sờ, gõ, vẫy tay, đá, nhảy, bắt chước cử chỉ, lời nói của người khác (thường khởi phát ở độ tuổi 15).
Nếu bạn có thấy con có biểu hiện Tic dù dạng đơn giản hay phức tạp, cũng nên đi thăm khám để có hướng điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh hệ luỵ kéo dài trong tương lai.