Bé Mít được 6 tháng thì chị Ngọc, mẹ bé, bắt đầu đi làm trở lại. Cơ quan chị Ngọc ở xa nên hầu hết thời gian trong ngày, Mít ở nhà với bà nội và bé ăn bột là chủ yếu.
Bé Mít rất ngoan, cứ hễ cho ăn là bé há miệng đều đều, không mấy khi từ chối. Thấy bé ăn ngoan, có ngày bà nội nấu cho Mít tới 4 bữa bột, với hy vọng bé nhanh cứng cáp. Tuy nhiên, ăn nhiều mà bé Mít lại càng ngày càng... gầy đi, không còn mập mạp như lúc mẹ nghỉ ở nhà. Nhiều người nói bé hấp thụ kém, khuyên chị Ngọc cho con uống thuốc cam. Chị rất sốt ruột khi thấy con như vậy nhưng cho uống thuốc cam thì lại hơi sợ, vì hiện giờ nhiều loại thuốc cam có lẫn các chất độc hại. Cuối cùng, chị chọn giải pháp là đi nhờ tư vấn dinh dưỡng.
Trẻ bước vào ăn dặm cần có chế độ ăn hợp lý.
Qua thăm khám, bác sĩ đã tư vấn cho chị Ngọc cách cho con ăn dặm hợp lý. Theo đó, trẻ ở tuổi như bé Mít khi ăn dặm chỉ cần đảm bảo 1 ngày 2 bữa cách xa nhau là được.
Trẻ thường được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, sau đó cho ăn dặm bằng bột, tập bé ăn dặm nên cho theo nguyên tắc từ từ, từ lỏng đến đặc, từ ít tới nhiều, từ đơn giản đến phức tạp. Thường bắt đầu bằng bột ngọt với đạm sữa, sau đó thêm những bữa bột mặn với đạm động vật bên cạnh chế độ sữa.
Thực phẩm để tập ăn cần đơn giản, dễ làm. Khi bé tập ăn dặm, phụ huynh chưa cần chú ý đến thành phần dinh dưỡng vì điều quan trọng lúc này là tập cách ăn, giúp bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới. Mỗi loại thức ăn mới cần tập trong 3-5 ngày mới chuyển sang thức khác. Thời gian này đủ để bé làm quen với thực phẩm, giúp mẹ phát hiện ra loại thức ăn gây dị ứng cho trẻ để loại trừ.
Trẻ 4-6 tháng, lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa vài thìa (tăng dần) và cho bú thêm ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng, có thể tăng thêm 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng nửa bát. Các cữ sữa vẫn phải duy trì đủ theo yêu cầu của bé.
Từ 6 đến 9 tháng, có thể cho bé ăn bột 2 bữa/ngày, mỗi bữa khoảng 1/2-2/3 bát với đủ 4 nhóm thực phẩm. Vẫn cho bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng. Khẩu phần ăn dặm của bé phải có cả 4 nhóm thực phẩm trên thì mới đủ chất.
Khi mới bắt đầu ăn, việc khuyến khích trẻ tập ăn bột là chính. Lúc này, thận của trẻ còn yếu, khi nấu phải cân đo kỹ lưỡng để khẩu phần ăn không quá nhiều đạm, tăng gánh nặng cho thận. Nhiều người muốn cho bé cứng cáp nên hầm xương hoặc củ dền để lấy nước pha sữa, pha bột cho trẻ. Trên thực tế, điều này lại phá vỡ quy trình tính toán chất dinh dưỡng của nhà sản xuất sữa, khiến trẻ kém hấp thu, dễ rối loạn tiêu hóa.