pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trình Quốc hội phương án khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"
Các nữ cựu Thanh niên xung phong ôn lại truyền thống vẻ vang, góp phần giành độc lập dân tộc. Ảnh minh họa KT
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 2, ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Sau 17 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; về thủ tục, hồ sơ khen thưởng…
Mục tiêu sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến; hướng nhiều hơn nữa khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu…
Riêng về nội dung bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" (Điều 56), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết: Hiện nay có 2 loại ý kiến về nội dung này; ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" để thể chế hóa Kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 3257-CV/VPTW ngày 07/02/2017. Qua đó thể hiện sự ghi nhận, tri ân đối với lực lượng Thanh niên xung phong đã đóng góp công sức trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật về điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng để bảo đảm thống nhất với các hình thức Huy chương khác.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không quy định "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" trong dự thảo Luật vì đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến (Bằng khen, Huy chương kháng chiến, Huân chương kháng chiến…), trong đó bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong nếu đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn của từng hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết: "Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" vào dự án Luật".
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, thanh niên xung phong kháng chiến là lực lượng đã có nhiều hy sinh, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc. Việc ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng chung cho thành tích kháng chiến là hết sức cần thiết và đã được quy định thống nhất trong hệ thống khen thưởng trước năm 2003 cho tất cả các lực lượng tham gia kháng chiến, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong.
Việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng này là chưa phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị Đề án đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, theo đó cần "giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước; chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; không thống nhất với các hình thức khen thưởng huy chương khác…
Liên quan tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ban Bí thư đã đồng ý chủ trương tặng thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp tình hình mới, trong đó có nội dung khen thưởng huy chương cho thanh niên xung phong nói trên.
Do đó, nếu cần thiết thì có thể thiết kế hai phương án để xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Đồng thời, ông Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ cũng làm rõ các tiêu chuẩn xét tặng để tránh trùng lặp, đối tượng xét tặng phải cụ thể rõ ràng để đảm bảo sự công bằng.
Kết luận môt số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật; đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp để có định hướng sửa đổi cho trúng, cho đúng, cho toàn diện.
Với các danh hiệu thi đua cần xem xét kỹ, đảm bảo mối liên hệ giữa các cơ quan, tổ chức chính trị, khu vực ngoài nhà nước; xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một trong những sản phẩm đầu tay của Quốc hội khóa XV. Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng thêm; khắc phục được những tồn tại hạn chế, sau khi Luật ban hành sẽ tạo được những bước chuyển căn bản bệnh thành tích, bệnh hình thức; tạo sự công khai, minh bạch; bao quát, không để khoảng trống, đảm bảo sự bình đẳng trong các cơ quan, tổ chức chinh trị; khắc phục tình trạng chồng chéo, thận trọng đối với những vấn đề bổ sung mới.