Trồng nấm mối đen để mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng

Mộc Miên
05/04/2023 - 22:40
Trồng nấm mối đen để mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng

Chị Châu Thị Nương khởi nghiệp với nghề trồng nấm mối đen

Với mô hình trồng nấm mối đen tận dụng nguồn phụ phẩm rơm từ sản xuất lúa nông nghiệp, chị Châu Thị Nương (46 tuổi, ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) không chỉ cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng, phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nữ ở địa phương.

Chị Châu Thị Nương cho biết rất vui mừng khi những sản phẩm mình làm ra được người tiêu dùng đón nhận. Bên cạnh đó còn giúp cho nhiều người dân trên địa bàn có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Chính những phản hồi tốt về sản phẩm từ người tiêu dùng đã giúp chị có thêm động lực trên hành trình khởi nghiệp.

+ Cơ duyên nào khiến chị quyết định khởi nghiệp với nghề trồng nấm mối đen?

Chị Châu Thị Nương: Trước đây, tôi làm ruộng, buôn bán vật tư nông nghiệp. Đến năm 2020, tôi nhận thấy rằng trong cuộc sống, xung quanh mình đang ngày càng có nhiều người bị bệnh. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân, nhiều người lo lắng vì thực phẩm bẩn.

Từ thực tế này, tôi nghĩ đến việc sẽ làm nông sản sạch, có giá trị về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Trước hết là sử dụng cho gia đình, rồi sẽ lan tỏa đến mọi người.

Tôi có ăn thử nấm mối thì thấy có đây là sản phẩm có nhiều dinh dưỡng. Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về trồng lúa nên lượng rơm thải ra sau thu hoạch rất lớn, khí hậu vùng Bảy Núi cũng rất thích hợp cho việc trồng nấm.

Khởi nghiệp từ ước muốn mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng   - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến (trái) thăm trang trại sản xuất nấm của chị Châu Thị Nương

Từ đó tôi bắt tay vào mày mò nghiên cứu, học tập từ giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang để nắm rõ đặc tính sinh trưởng của nấm mối đen và đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen hoàn chỉnh, từ sản xuất meo, có hệ thống lò hấp, chạy tơ trong phòng lạnh… Những sản phẩm nấm mối đen đảm bảo giá trị dinh dưỡng, chất lượng ra đời từ đó.

+ Trong quá trình khởi nghiệp, chị có gặp khó khăn không và vượt qua nó như thế nào?

Tất nhiên là không thể nào tránh khỏi những khó khăn. Trong thời gian đầu cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo, máy móc thiết bị thiếu…

Tuy nhiên, cũng rất may mắn là tôi được sự hỗ trợ, ủng hộ từ chính quyền địa phương, Hội LHPN các cấp và người thân, gia đình. Trong đó, Hội LHPN đã hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm nấm mối đen tham gia các cuộc thi trưng bày, quảng bá sản phẩm; giúp kết nối để tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị.

Năm 2022, tôi cũng đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tà Đảnh tham gia cuộc thi sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp do Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn tổ chức và đạt giải nhất với mô hình "Tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen".

Các sản phẩm nấm của chị Châu Thị Nương được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Đến nay, tôi đã xây dựng thương hiệu mang tên"Nấm mối nàng Nương". Quy trình sản xuất nấm được áp dụng theo hướng hữu cơ, ngoài rơm rạ được làm nhuyễn còn sử dụng cám gạo, cám bắp được kiểm tra đầu vào kĩ càng nên tạo ra được sản phẩm sạch. Hiện nay, ngoài cung cấp nấm mối tươi ra thị trường thì tôi còn cung cấp phôi nấm kết hợp chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân.

+ Vậy định hướng trong thời gian tới của chị ra sao?

Hiện nay cơ sở sản xuất nấm của tôi cũng đã góp phần tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 70%. Ngoài nấm mối đen thì cơ sở cũng trồng thêm các loại nấm khác nhằm đa dạng sản phẩm.

Khởi nghiệp từ ước muốn mang thực phẩm sạch đến người tiêu dùng   - Ảnh 3.

Mô hình "Tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen" đạt giải nhất cuộc thi sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp

Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để tăng sản lượng bởi hiện có nhiều chuỗi nhà hàng ở TPHCM, Hà Nội… đặt hàng với số lượng nhiều, thường xuyên.

Tôi mong muốn được tiếp tục hỗ trợ về máy móc, thiết bị. Nấm mối đòi hỏi khâu bảo quản rất kỹ càng, nếu có máy móc giúp bảo quản lâu hơn thì sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Nếu làm được điều này thì cơ sở sẽ tạo được thêm công ăn việc làm cho bà con cũng như giúp tăng doanh thu, tiếp tục phát triển.

Cảm ơn chị đã chia sẻ !

Liên hệ: Chị Châu Thị Nương

Hợp tác xã nông nghiệp Tà Đảnh

Địa chỉ: xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Điện thoại: 0985 799 777

Giá sản phẩm: từ 200.000-250.000 đồng/kg

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm