pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trúc Anh tăng 8kg, khó đi lại vì 2 căn bệnh giới trẻ dễ mắc
Trúc Anh sinh năm 1998, kể từ sau khi tham gia vai diễn Hà Lan trong bộ phim Mắt biếc. Trúc Anh ngay lập tức ghi điểm trong mắt công chúng vì lối diễn xuất tự nhiên, cùng gương mặt vô cùng trong sáng, thân hình mảnh mai.
Tuy nhiên gần đây, người hâm mộ bất ngờ khi liên tục trông thấy hình ảnh Trúc Anh mũm mĩm rõ rệt so với trước đây. Chia sẻ với báo chí, Trúc Anh cho biết bản thân đã tăng 8kg, trong khi trước đó chỉ dừng ở mức 53-54kg. Nguyên nhân gây tăng cân của cô là do ăn uống thiếu kiểm soát. Đồng thời, cũng do cô đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như gai cột sống, thoái hóa khớp, điều này khiến việc đi lại của cô trở nên khó khăn.
Chia sẻ của Trúc Anh đã khiến nhiều người bất ngờ bởi gai cột sống và thoái hóa khớp đều là căn bệnh của người già. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về y tế chia sẻ rằng, ngoài yếu tố tuổi tác, di truyền, thì sai lầm trong chế độ sinh hoạt, làm việc cũng có thể gây ra các căn bệnh này ở người trẻ.
Do đó, dù bất kể bạn ở độ tuổi nào, bạn cũng nên quan tâm đến bệnh gai cột sống và thoái hóa khớp, cũng như các dấu hiệu bệnh để có phương án điều trị, tránh để quá lâu sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là mất khả năng vận động.
1. Gai cột sống
Theo Ts.Bs Tăng Hà Nam Anh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM): Gai cột sống còn được gọi là gai đốt sống. Thường diễn ra do quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cơ thể già đi, sự mất nước và độ ẩm khiến đĩa đệm bị hao mòn, dây chằng cố định xương cũng trở nên lỏng lẻo. Để chống lại quá trình lão hoá này, cơ thể đã tạo ra các mấu xương (gai xương), là các phần xương mọc thêm ra phía ngoài và hai bên của cột sống.
Gai cột sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống. Ngoài nguyên nhân tuổi tác, gai cột sống còn xuất hiện vì yếu tố gen di truyền, do viêm khớp cột sống mãn tính, do yếu tố di truyền, do chấn thương hoặc cũng có thể do chế độ sinh hoạt, làm việc kém khoa học.
Triệu chứng bệnh gai cột sống như sau:
- Đau ở vùng cổ, vai, thắt lưng. Cơn đau tăng lên khi di chuyển, vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
- Đau tê ở cổ lan qua hai tay hoặc đau ở lưng dọc xuống hai chân.
- Giảm khả năng vận động ở cổ, cánh tay, tay…
- Mất cân bằng cơ thể, cơ bắp hoặc tay chân yếu đi.
- Trường hợp nguy cấp, bệnh nhân sẽ tiểu tiện và đại tiện mất kiểm soát.
- Trường hợp rất nặng, bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn thần kinh thực vật (các phản xạ tự động rối loạn, tăng tiết mồ hôi, suy giảm hô hấp…).
Theo bác sĩ, gai cột sống là bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm hoặc cải thiện sai cách, bệnh có nguy cơ gây tàn phế, khiến người bệnh mất khả năng vận động. Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này, người trẻ cần giữ cho cột sống không mất đi đường cong sinh lý, bằng cách: Không ngồi quá lâu và sai tư thế, tránh đứng hoặc ngồi hàng giờ ở một tư thế xấu, không nằm quá lâu ở tư thế không thoải mái.
Đồng thời cần tăng cường tập thể dục, ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều canxi, hạn chế chất béo và chất đường nhằm kiểm soát cân nặng.
2. Bệnh thoái hóa khớp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn từ năm 2011 đến 2020 được xem là “Thập niên xương khớp”. Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp gây đau đớn, biến dạng chi khiến người bệnh cử động rất khó khăn, thậm chí gây tàn phế.
Ngày nay, người trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp do làm việc với máy tính nhiều. Thường là viêm quanh khớp vai, đau vai gáy dẫn tới đau nửa đầu, đau cột sống thắt lưng, đau nhức khớp cổ tay…
Tiến sĩ Đoàn Văn Đệ (Phó chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam) cho biết: Khác với người già, bệnh nhân bị thoái hóa khớp khi còn trẻ vẫn có cơ hội để phục hồi, do xương khớp chưa bị tổn thương nhiều. Nên hoạt động thể lực nhẹ và nâng dần mức độ, kết hợp chế độ ăn uống cân bằng, cung cấp các thành phần dinh dưỡng cho sụn và tránh các thói quen ngồi xổm, leo cầu thang, khiêng vác nặng… thì các tổn thương khớp có thể phục hồi.
Để phòng ngừa thoái hóa khớp, tốt nhất khi gặp các triệu chứng đau nhức khớp, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ tư vấn, tránh tự ý mua thuốc giảm đau cấp tốc, bởi trong nhiều trường hợp, các bệnh về khớp có biểu hiện giống nhau nên dễ bị kết luận nhầm.
Hơn nữa, cần xây dựng một chế độ sinh hoạt điều độ, thường xuyên tập thể thao, chế độ ăn cân bằng đầy đủ các chất… ngay từ khi chưa xuất hiện các dấu hiệu đau khớp để tránh bệnh phát triển.
Đối với người phải ngồi nhiều như giới văn phòng, cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế thường xuyên sau 1-2 giờ, nên tạo cho mình quỹ thời gian hợp lý như dậy sớm tập thể dục từ 15- 30 phút mỗi sáng, buổi trưa cũng nên vận động sau khi tan ca bằng một vài tư thế thể dục đơn giản từ 5- 10 phút.
(Tổng hợp)