TỪ CÔ GIAO LIÊN NHỎ TUỔI ĐẾN "NGƯỜI MẸ" CỦA TRẺ EM THIỆT THÒI
Sau ngày 30/4/1975, khi tiếng súng im, những người nữ chiến sĩ liền bước vào mặt trận mới, mặt trận xây dựng kinh tế, tái thiết đất nước. Kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào, sự thấu hiểu và tấm lòng nhân ái là những yếu tố quan trọng để họ phát huy vai trò của mình trên tuyến đầu đổi mới. Câu chuyện của bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban Liên lạc Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, là một minh chứng.
Những ngày hoạt động cách mạng đầy gian nan
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, mới 12 tuổi, cô bé Lê Thị Thu đã là giao liên của má, cũng là một chiến sĩ cách mạng. Năm 1963, nữ sinh Lê Thị Thu bắt đầu tham gia phong trào học sinh Phật tử đấu tranh chống chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1964, Lê Thị Thu tiếp tục tham gia phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh xé hiến chương của chính quyền Nguyễn Khánh và bị bắt. Người cha đến bảo lãnh với điều kiện viết cam kết "không cho con tham gia biểu tình nữa".
Sợ con tham gia tích cực quá và sẽ bị bắt, không giữ được khí tiết, sẽ lộ đường dây và cơ sở của má, nên đầu năm 1965, gia đình quyết định giao "bé Thu" cho người cậu là cán bộ tập kết từ miền Bắc về, ông Nguyễn Văn Tỷ (bí danh Hà Minh Nam), khu ủy viên – trưởng Ban Dân vận khu Sài Gòn – Gia Định, đóng tại Củ Chi. Tại đây, Lê Thị Thu được gặp bà Lê Thị Riêng, Trưởng Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định lúc bấy giờ. Thấy cô bé Thu nhỏ nhắn, lanh lẹ nên bà Lê Thị Riêng xin về làm việc tại Ban từ tháng 4/1966.
Bà Lê Thị Thu trong lần đi họp ở Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, năm 1966. Ảnh: NVCC
Khi về Ban Phụ vận được 2 tháng, Lê Thị Thu được điều ra hoạt động tại nội thành, với vai trò thư ký của bà Lê Thị Riêng, kiêm thư ký Liên đoàn nữ Phật tử - một tổ chức công khai thuộc Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định thành lập, văn phòng đặt tại chùa Ấn Quang. Tại Sài Gòn, để có vỏ bọc dễ hoạt động công khai, Lê Thị Thu cải trang thành người giúp việc của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh, phóng viên của báo Sài Gòn Daily News - báo của Mỹ (gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh cũng là 1 cơ sở cách mạng).
Trong đợt 1 của chiến dịch Mậu Thân 1968, Lê Thị Thu là tổ trưởng tổ võ trang tuyên truyền. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, số cơ sở xây dựng từ trước đến nay được bộc lộ hết để tham gia vào chiến dịch. Nhiều cơ sở của ta bị lộ, bị bắt, địch lùng sục khắp nơi để bắt cán bộ nằm vùng và cơ sở cách mạng ở nội thành. Vì vậy, những người hoạt động như bà khó tìm được nơi ẩn thân.
"Đó là những ngày đầy cam go. Ban ngày tôi cứ đi lang thang, lúc thì vô rạp hát, lúc thì ra chợ. Ban đêm thì không biết nghỉ ở đâu. Có lần tôi tìm đến nhà 1 người quen xin tá túc nhưng chủ nhà từ chối vì sợ lính kiểm tra, bắt bớ. Có lúc tôi vô Bệnh viện Nhi Đồng ngủ qua đêm… Có lần mệt quá, tôi ngủ trên 1 cái sạp ngoài chợ. Mặc dù từ chỗ chợ chỉ mất hơn 10 phút đi xe đạp là tôi có thể về nhà má nhưng tôi không dám về… Tôi vẫn nhớ lời dặn của má trước khi thoát ly làm cách mạng: Đã đi làm cách mạng thì đi đến nơi, về đến chốn, đi nửa chừng mà về má từ, má đuổi ra khỏi nhà", bà Thu nghẹn ngào kể lại.
Tháng 10/1973 khi mang thai con đầu lòng được 3 tháng thì được tổ chức phân công về công tác ở nội thành. Tại đây, bà được cơ sở thuê nhà trong một hẻm sâu trên đường Nguyễn Huệ (nay là đường Thích Quảng Đức), sát vách với nhà vợ chồng anh chị Tư. Anh Tư là trưởng nhân dân tự vệ và là công nhân cơ điện lạnh, cũng có 4 con nhỏ.
Sau khi sinh con đầu lòng, tháng 10/1974, lúc đó con gái vừa được 2,5 tháng tuổi, bà Lê Thị Thu nhận được lệnh về căn cứ để nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa mùa xuân năm 1975, cùng với 2 đồng chí trong chi bộ phụ trách khởi nghĩa từ ngã 6 Sài Gòn đến chợ Bến Thành và vùng phụ cận.
"Ngày 25/4/1975, khi thông tin thắng lợi từ các mặt trận đưa về, do công việc, tôi phải để con ngủ qua đêm với anh chị Tư. Ngày 28/4/1975, khi máy bay của đồng chí Nguyễn Thành Trung thả bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, thì Nguyễn Văn Thiệu giới nghiêm 24/24, lúc đó tôi vô cùng lo lắng vì không biết con mình đang ở đâu", bà Lê Thị Thu nhớ lại.
Bà Lê Thị Thu vào tháng 10/1974 tại quận Phú Nhuận, cùng con gái đầu lòng - Thuỳ Trang khi mới được 2,5 tháng tuổi. Ảnh: NVCC
11h30 ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, bà Lê Thị Thu nhận được thông tin cánh quân ở Đồng Ông Cộ của Ban Phụ vận đã chiếm toà hành chính tỉnh Gia Định (nay là trụ sở UBND quận Bình Thạnh), đề nghị lãnh đạo đến tiếp quản.
Khi cùng với lãnh đạo Ban phụ vận là bà Đỗ Duy Liên và bộ đội tiếp quản Tòa hành chánh Tỉnh Gia Định, bà Lê Thị Thu mới có cơ hội về tìm con mình. Bà kể: "Lúc đó người dân quanh xóm mới biết tôi là cán bộ cách mạng. Suýt chút nữa tôi đã mất con. Trước đó, em trai của anh Tư là lái tàu hải quân, đến đề nghị đưa cả nhà xuống tàu để đi Mỹ. Nhưng nghĩ đến tôi, sợ tôi không được gặp lại con nên chị Tư bảo anh Tư cùng các con đi trước, còn chị sẽ đi sau. Cuối cùng anh chị quyết định ở lại Sài Gòn".
Đau đáu với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em
Sau khi đất nước thống nhất, bà Lê Thị Thu được phân công về công tác tại Quận 3 với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia thành lập Ban Chấp hành lâm thời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 3. Ngoài việc tham gia xây dựng chính quyền, các cán bộ Hội còn tham gia tuyên truyền chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, vận động, tập hợp lực lượng có cảm tình cách mạng để phát triển tổ chức Hội. "Công tác phụ nữ giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Chị em là vợ, người thân của lực lượng chế độ cũ, chồng con đi học tập cải tạo, mất nguồn thu nhập chính, chị em hoang mang lo sợ, vừa mất thu nhập, kinh tế gặp khó khăn. Vì vậy, mình vừa làm công tác tư tưởng, tổ chức dạy nghề, vừa tạo công ăn việc làm cho họ. Khi thành phố có chủ trương không để một người dân nào chết vì đói, chúng tôi đã phân công nhau tham gia phân phối lương thực thực phẩm, thành lập các tổ bán rau, tổ bán cá để đảm bảo đời sống cho người dân trong bối cảnh những ngày đầu sau chiến tranh còn thiếu thốn", bà Lê Thị Thu nhớ lại.
Trưởng thành từ phong trào phụ nữ, bà Lê Thị Thu đã đảm nhiệm nhiều vị trí như: Chủ tịch Hội LHPN quận 3, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam (1997 – 2002). Khi được giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (2002-2007), với góc nhìn của một người phụ nữ, tấm lòng của một người mẹ, Bộ trưởng Lê Thị Thu đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác quản lý dân số, bảo vệ chăm sóc trẻ em. "Về công tác dân số, với những chính sách quyết liệt, nước ta đề ra mục tiêu mỗi gia đình có 2 con để đạt được mức sinh thay thế và đến năm 2005 đã hoàn thành. Về chất lượng dân số, giai đoạn đó, chúng ta đã xây dựng được chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh. Đến nay, chương trình này vẫn được triển khai. Về vấn đề trẻ em, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ban hành chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. 100% thành viên Chính phủ đã biểu quyết đồng ý trình chính sách này ra Quốc hội trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Lúc đó, tôi mừng đến phát khóc", bà Thu nhớ lại.
Bà Lê Thị Thu (áo tím) trao học bổng và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Một dấu ấn khác là khi Chính phủ giao cho Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em làm thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Lê Quang Bắc – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin của Bộ Quốc Phòng đã xây dựng chương trình ứng công nghệ vào thẻ khám bệnh cho trẻ em.
Bộ trưởng Lê Thị Thu cũng là người có đóng góp lớn trong việc giải quyết tình trạng trẻ em lang thang. Theo bà Lê Thị Thu, thời điểm ấy, trẻ lang thang khá nhiều. Nhìn thấy những đứa trẻ đang tuổi đến trường phải lang thang ngoài đường bán báo, đánh giầy, bán vé số, chèo kéo khách du lịch, không được đi học, bà Thu vô cùng xót xa. "Năm 2004, có lần tôi đi ra hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Gặp đứa trẻ khoảng 12 tuổi, tôi hỏi: Cháu ra đây được bao lâu rồi, cháu đi một mình không sợ sao? Cháu bé hất hàm nhìn tôi trả lời: "Cháu ra đây được hơn 1 năm. Cháu chả sợ ai!" Vậy đấy, đứa trẻ mới 12 tuổi, từ luỹ tre làng ra Thủ đô được hơn 1 năm và chẳng sợ ai! Nhưng nói rồi, cháu bé cúi gầm mặt, nói như muốn khóc: Có vài lần cháu ốm, cháu rất mong có mẹ bên cạnh và nấu cho bát cháo. Tôi nghe mà thấy tim mình thắt lại. Những đứa trẻ 12-13 tuổi sẽ nhanh chóng trưởng thành, nếu lực lượng thanh niên này không có trình độ văn hoá, không nghề nghiệp thì nguy cơ vướng vào tệ nạn xã hội rất cao. Vì vậy, tôi tự nhủ mình phải cố gắng giải quyết vấn đề tuy khó nhưng cấp thiết này", bà Lê Thị Thu chia sẻ.
Luôn đau đáu với công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, bằng sự thấu hiểu, sâu sát với thực tiễn, trên cương vị của mình, bà Lê Thị Thu đã có những đề xuất chính sách chăm lo thiết thực đến những đối tượng dễ bị tổn thương. "Dịp lễ Giáng sinh năm 2003, tôi đến thăm Trường giáo dưỡng số 2 ở Ninh Bình. Thời điểm đó rất lạnh vậy mà 1.200 cháu dự chương trình ngoài trời không có áo ấm, không có găng tay, tất…, Tôi hỏi đồng chí Hiệu trưởng thì được biết do các cháu không có tiêu chuẩn. Hỏi chuyện với các cháu, tôi mới biết thêm là các cháu phải nằm ngủ dưới nền xi măng. Khi về Hà Nội, tôi đã báo cáo ngay với Thủ tướng và đề xuất ban hành chính sách để trẻ ở các trường giáo dưỡng hoặc phụ nữ có con nhỏ khi ở tù phải có sạp nằm. Sau đó, đề xuất này đã được thông qua, trẻ tại các trường giáo dưỡng có áo ấm, tất để mặc và được nằm ngủ trên sạp", bà Lê Thị Thu nói.
Với trái tim của một người mẹ và tầm nhìn của một nhà quản lý cấp cao, bà Lê Thị Thu đã dành trọn tâm huyết để bảo vệ, chăm sóc và mở ra tương lai cho hàng ngàn trẻ em thiệt thòi.
Năm 2005, trong 1 lần đến thăm và làm việc tại trường giáo dưỡng số 5, tỉnh Long An, nhìn thấy các cháu phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu nguồn nước sạch trầm trọng, dẫn đến các cháu bị ghẻ lở. Ngay sau đó, bà Lê Thị Thu vận động và sử dụng 1 phần kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em để xây dựng 2 cây nước sạch cho nơi này. "Do điều kiện tự nhiên, Long An là tỉnh thường thiếu nước sạch trong 6 tháng mùa nắng", bà Lê Thị Thu giải thích thêm.
Trước khi nghỉ hưu theo chế độ, năm 2007, bà Lê Thị Thu ra quyết định thành lập Ban vận động Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Đến nay, Hội đã phát triển tại 27 tỉnh, thành, với hơn 25.000 hội viên.
Kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào, sự thấu hiểu và tấm lòng nhân ái là những yếu tố quan trọng giúp bà Lê Thị Thu và rất nhiều nữ chiến sĩ bước ra từ chiến tranh vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở tuyến đầu đổi mới, góp sức "xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phước Long (thực hiện)