pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ “nghỉ việc trong im lặng” đến “sa thải trong im lặng”: Điều gì đang xảy ra ở nơi làm việc?
Ảnh minh họa
Hiện tượng "nghỉ việc trong im lặng" (quiet quitting) - xu hướng nhân viên chọn không làm nhiều hơn công việc của mình như từ chối trả lời email vào buổi tối hoặc cuối tuần, không nhận việc nằm ngoài nhiệm vụ chính, đang gia tăng đặc biệt là ở gen Z (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012).
Zaid Khan, một kỹ sư 24 tuổi đến từ New York, là người lan truyền xu hướng này thông qua một video trên Tiktok vào tháng Bảy. Khan nói trong video: "Bạn vẫn đang làm việc, nhưng không còn chấp nhận văn hóa hối hả cho rằng công việc là cuộc sống của mình nữa. Và sự thật chính là như vậy, giá trị con người của bạn không được xác định bởi sức lao động của bạn".
Hashtag #QuietQuitting hiện đã thu về hơn 17 triệu lượt xem trên TikTok, đồng thời lan sang Twitter, LinkedIn và các trang mạng xã hội khác. Nhiều trang tin lớn như CNN, Guardian, New York Times, Fortune, CNBC, Forbes, Bloomberg... cũng đưa tin về xu hướng này.
Từ văn hóa làm việc hối hả…
Nghỉ việc trong im lặng có thể là một phản ứng dữ dội đối với "văn hóa hối hả" ở Mỹ, CNBC nhận định. Nó hoàn toàn trái ngược với quan niệm cố gắng làm việc để thành công, xông xáo và năng nổ, luôn thúc đẩy hoạt động hiệu quả và vượt quá mong đợi.
Trong một cuộc phỏng vấn được Bloomberg đưa tin, Zaid Khan chia sẻ: "Làm việc quá sức khiến bạn không thể phát triển hết khả năng ở công ty. Giống như nhiều người chúng ta đã trải qua trong vài năm qua, sức khỏe tinh thần và thể chất thực sự đóng vai trò quan trọng đối với năng suất trong rất nhiều môi trường công ty có cấu trúc như vậy".
Chiến lược gia Stacie Haller cho biết: "Một số nhân viên không còn cảm thấy kết nối với công việc hoặc nơi làm việc và có mong muốn tập trung nhiều hơn vào gia đình và cuộc sống cá nhân của họ. Với sự thay đổi ưu tiên này, nhân viên thấy ít sẵn sàng tham gia vào nền văn hóa hối hả".
Nghiên cứu cho thấy, kiệt sức là một rủi ro lớn ở nơi làm việc, đặc biệt là đối với gen Z ở độ tuổi 20. Một cuộc khảo sát với 30.000 nhân viên của Microsoft cho thấy 54% gen Z đang cân nhắc bỏ việc. Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng "vỡ mộng ở giới trẻ" là 8 trong số 10 rủi ro trước mắt. Các phát hiện, bao gồm sức khỏe tâm thần giảm sút kể từ đại dịch Covid-19, khiến 80% thanh niên trên toàn thế giới dễ bị trầm cảm, lo lắng và thất vọng.
… đến vấn đề thăng tiến trong công việc
Cùng với nghỉ việc trong im lặng thì xu hướng ngược lại - "sa thải trong im lặng" (quiet firing) cũng được đề cập đến. Một tweet hồi tháng Tám thu hút 18.000 lượt thích và nhiều phản hồi đồng tình từ người theo dõi, viết: "Rất nhiều người nói về nghỉ việc trong im lặng nhưng lại rất ít nói về sa thải trong im lặng - đó là khi một người không được tăng lương trong 5 năm mặc dù vẫn tiếp tục làm mọi điều được yêu cầu".
Theo New York Post, trong khi nghỉ việc trong im lặng bác bỏ ý tưởng rằng nhân viên nên làm nhiều hơn, thì sa thải trong im lặng về cơ bản là ngược lại. Bài đăng trên Linkedln của Giám đốc tuyển dụng Bonnie Dilber ở Seattle cho biết điều này có nghĩa là khi người sử dụng lao động âm thầm giảm bớt lượng công việc giao cho nhân viên hoặc không đề cập vấn đề thăng tiến cho đến khi nhân viên thất vọng và bỏ việc.
Sa thải trong im lặng xảy ra mọi lúc và tràn lan, đó là lý do tại sao nó nên là trọng tâm của cuộc thảo luận thay vì nghỉ việc trong im lặng, Dilber lưu ý.
Ở bài đăng trên LinkedIn, Dilber liệt kê những dấu hiệu cho thấy một nhân viên có thể đang bị sa thải trong im lặng, như không nhận được phản hồi hoặc khen ngợi, được tăng lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp, không được giao các dự án lớn hay không bao giờ được cấp trên thảo luận về việc phát triển nghề nghiệp.
Giống như nghỉ việc trong im lặng, sa thải một trong im lặng không liên quan nhiều đến quyết định rời bỏ công việc theo đúng nghĩa đen mà nghiêng về các hành động quanh nó.
Bài đăng của Dilber nhận được hơn 20.000 lượt react và hàng trăm bình luận, với nhiều người đồng tình hoặc nói rằng đã trải qua nó. "Điều này đã xảy ra với tôi. Tôi đã bị gạt ra ngoài lề, bị hắt hủi, bị cô lập, bị phớt lờ. Tôi đã trải qua cảm giác cánh cửa đóng sầm vào mặt mình trong các cuộc họp quan trọng mà lẽ ra tôi nên tham gia với tư cách là quản lý", một tài khoản bình luận.
Những người khác cho rằng cả hai xu hướng có thể chỉ là một dấu hiệu cho thấy cần có sự minh bạch hơn giữa người sử dụng lao động và người lao động. "Cả hai trường hợp cho thấy một mối quan hệ tồi tệ đã diễn ra quá lâu nhưng quán tính đang giữ nó tiếp tục".