Tự nhận diện và chẩn trị loãng xương sau tuổi 35

18/09/2015 - 17:06
Loãng xương là rối loạn chuyển hóa bộ xương. Đây là bệnh do quá trình chuyển hóa gây ra, thường gặp ở những người độ tuổi trung niên trở lên.

Thông thường sau tuổi 35 trở đi, xương bắt đầu có một số thay đổi như mất dần canxi, sợi xương giảm, vỏ ngoài của xương cũng mỏng đi. Tuổi càng cao thì mức độ loãng xương càng nặng và nữ giới bị loãng xương nhiều hơn nam giới, thời gian phát sinh loãng xương ở nữ giới cũng ở độ tuổi sớm hơn. Loãng xương sẽ làm tăng tính giòn của xương, khi bị chấn thương nhẹ cũng có thể gãy xương, gây đau đớn.

Để phòng loãng xương, cơ thể phải hấp thu đủ canxi, vitamin D và phốt pho trong các thực phẩm hàng ngày như lòng đỏ trứng, đậu tương, thịt, cá và các sản phẩm của sữa. Ảnh minh họa: shutterstock

Vậy nguyên nhân loãng xương do đâu? Thông thường, loãng xương có liên quan tới hiện tượng thiếu hormone sinh dục, hoặc cơ thể thiếu vận động, thiếu dinh dưỡng, thiếu ánh sáng… Bệnh loãng xương sẽ trở nên nặng nề hơn, gây ra nhiều biến chứng hơn nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ như: Kém phát triển thể chất, hoặc bị còi xương từ nhỏ; người bệnh bị suy dinh dưỡng; chế độ ăn không hợp lý như thiếu protein, thiếu canxi; ít hoạt động thể lực, nhất là các hoạt động ngoài trời; người mắc các bệnh mãn tính đường tiêu hóa làm hạn chế hấp thu canxi, vitamin D, protein; những người phải nằm bất động lâu ngày do các chấn thương, người mắc một số bệnh nội tiết hoặc mắc các bệnh xương khớp khác, đặc biệt là bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hoá khớp…

Loãng xương làm suy yếu sức mạnh của toàn khung xương, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống nặng nề, đặc biệt là phụ nữ. Khi bị loãng xương, người bệnh có những biểu hiện lâm sàng như sau: Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài, đặc biệt ở xương cẳng chân hay bị chuột rút các cơ. Mức độ nặng hơn có thể đau cột sống, đau lan theo liên sườn, đau khi ngồi lâu, đau khi thay đổi tư thế và kèm theo chứng đầy bụng, nặng ngực, khó thở hoặc bị gù vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực, gãy cổ tay, gãy lún đốt sống…

Loãng xương thường kéo theo gãy xương khi bị vấp ngã hoặc chấn thương nhẹ. Việc nằm tại chỗ dài ngày khi bị gãy xương không những khiến cho tình trạng loãng xương càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ bất lợi cho sức khỏe như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, phù nề, loét ở các điểm bị tì đè... Đây cũng là một nguyên nhân chính gây tàn phế và giảm tuổi thọ cho người bệnh. Theo thống kê, tại một số nước phát triển, có đến 10% người bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 1 năm đầu vì các biến chứng do nằm lâu một chỗ, không vận động cơ thể.

Phòng loãng xương bằng cách nào? Trước tiên là cơ thể phải hấp thu đủ canxi, vitamin D và phốt pho trong các thực phẩm hàng ngày. Những thực phẩm giàu canxi, phốt pho, vitamin D bao gồm lòng đỏ trứng, đậu tương, thịt, cá, khoai lang, sữa bò và các sản phẩm của sữa.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, chất ethenol trong bia và rượu rất có hại đối với cơ thể, nó làm ức chế hấp thu canxi, vitamin và ức chế sự hoạt hoá vitamin D trong cơ thể. Ngoài ra, ethanol còn kháng tế bào tạo xương, từ đó làm tăng nguy cơ loãng xương. Ở nam giới, những người bị loãng xương thường có liên quan đến việc nghiện bia, rượu nặng.

Điều quan trọng không thể bỏ qua trong việc phòng loãng xương là kiên trì rèn luyện cơ thể để kéo dài tốc độ giảm chất lượng của xương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm