pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ nhỏ câu tôi hay nghe nhất là: "Con làm chị, phải hiểu chuyện!"
Từ một cô con gái nhỏ của gia đình, tôi trở thành chị của hai đứa em. Con gái có thể có nhiều tính cách, cô con gái ngoan, cô con gái hay nhõng nhẽo, cô con gái nghịch ngợm. Nhưng làm chị thì chỉ có một kiểu mà thôi.
Là chị cả trong gia đình, từ nhỏ tới lớn, câu nói mà tôi được nghe nhiều nhất là: “Cô chị này ngoan ngoãn hiểu chuyện quá!”
Nhà tôi nhiều người thân họ hàng, mỗi người một ý, một câu, nhưng chuyện duy nhất họ có đồng quan điểm với nhau chính là, trong một gia đình có 3 đứa con như ở nhà tôi, chỉ cả luôn là đứa ngoan nhất, phải hiểu chuyện nhất.
Tôi có 2 đứa em, em gái nhỏ hơn 8 tuổi, em trai nhỏ hơn 9 tuổi. Ở nhà, chúng thường gọi tôi là bà chị già, chê tôi gần 30 tuổi đầu rồi mà con chưa có người yêu. Ban đầu tôi còn lành hanh cãi lại, lớn rồi, chán chả buồn nói lại chúng nó nữa.
Sau khi 2 đứa em của tôi chào đời, gia đình tôi chuyển lên thành phố ở. Căn nhà nhỏ cũ kỹ thiếu ánh sáng mặt trời, chỉ có một cái tủ quần áo bằng vải bạt, cái gọi là phòng khách cũng là dùng chung với người khác, không thể có không gian riêng, cả ngày chỉ quanh với hai em, mẹ nấu cơm thì trông hai em, mẹ đi chợ cũng ở nhà bế hai em. Đi học về cũng chăm em, cuối tuần cũng vẫn phải trông em.
Hai đứa em này chiếm tất cả không gian và thời gian của tôi, đôi khi, tôi muốn thoát ra khỏi chúng thực sự. Hôm đó là 6h chiều, phim hoạt hình yêu thích của tôi, “Cardcaptor Sakura” sẽ được chiếu trên TV. Nhưng, đó cũng lại là lúc mẹ đi nấu cơm, vì vậy tôi trông phải em. Em trai không chịu ngồi trong xe đẩy, bắt phải có người bế. Bế chưa được bao lâu, tôi đặt thằng bé ra chiếu, và nó lại khóc, vấn đề là bình thường cứ xem “Sói xám và cừu vui vẻ” là thằng bé nín khóc, nên mẹ nói tôi phải để kênh đó cho em xem.
Tôi không vui vì cũng không có hứng thú với bộ phim hoạt hình đó, nhưng chỉ đành ngoan ngõan nghe lời.
Dần dần, việc nhường nhịn em trở thành thói quen…
Từng chút một, mọi thứ đều trở thành hiển nhiên. Khi em gái tôi học mẫu giáo, tôi học trung học cơ sở, ngày nào tôi cũng đạp xe nửa tiếng để đến trường, vì mẹ chỉ đưa mình em gái đi học. Vào mùa đông, bảy giờ mẹ mới dậy để cắm điện máy làm sữa đậu nành. Nửa tiếng sau, tôi rót sữa đậu nành nóng vào cốc, chỉ có 15 phút để uống hết, lúc nào cũng phải uống khi còn nóng hổi, tôi không bao giờ có thể đợi nó nguội rồi mới uống được, bởi muộn một chút thôi là cũng sẽ muộn học.
Có lần tôi nói muốn mẹ đèo cả em và tôi đi học, nhưng bố lại nói tôi phải ngoan, phải hiểu chuyện: sớm quá, cho mẹ ngủ thêm một lúc; em đi học sớm như thế làm sao được hả con; trời lạnh đi sớm quá nhỡ em ốm thì làm sao…
Lên cấp 3, tôi học nội trú, thứ sáu về nhà phải rửa xoong nồi, quần áo của cả nhà trong cả tuần. Khoảng thời gian đó, các bác hàng xóm lúc nào cũng nói: "Hà lớn rồi có khác, ngoan ngoãn, hiểu chuyện quá cháu ạ!". Chỉ mình tôi mới biết rằng tôi muốn có một ngày cuối tuần yên tĩnh hơn.
Ngày tháng trôi qua, tôi đỗ vào một trường đại học ở tỉnh khác, bố mẹ tôi cho rằng đó là kết quả của việc tôi trượt nguyện vọng một, mà không biết rằng, trong 6 nguyện vọng, tôi xếp trường ở gần nhà ở nguyện vọng cuối cùng.
Đại học giống như một kiểu trốn chạy, ở thành phố khác, tôi như được là chính mình, nhưng vai trò người chị lại quay lại. Năm cuối, tôi đi đỗ đầu vào thạc sĩ của một trường đại học, vì chỉ nhận được học bổng 50% nên số còn lại, tôi muốn xin bố mẹ trước rồi sẽ trả họ sau. Tôi nói với bố, nhưng bố lại nói tôi đi vay. Cứ như vậy, tôi đăng ký một khoản vay sinh viên. Vài ngày sau, bố tôi mua một khóa học trực tuyến cho em trai tôi với giá bằng với số tiền mà tôi từng xin để đi học cao học…
“Thôi vậy!”, tôi nghĩ, không nói một lời nào.
Chỉ có tôi mới biết tôi nhớ khoảng thời gian tôi là con một trong gia đình và cả nhà đều yêu thương tôi như thế nào. Mỗi khi ông nội ra chợ, ông đều mua cho tôi một gói xôi dù lúc đó nó là thứ rất đắt đỏ; mỗi khi tôi đi học về, bà lại thắt bím tóc thật đẹp và cài lên tóc chiếc cặp hoa màu đỏ tôi yêu thích; mỗi khi dì về nhà chơi sẽ lại mua cho tôi rất nhiều chiếc váy xinh xắn và nói tôi giống như một cô công chúa nhỏ; còn mẹ, cái ngày tiễn tôi đi học đại học, mẹ đã khóc nức nở ra sao…
Tôi sẽ luôn nhớ về cái đêm đó: giữa trời đông lạnh giá, nửa đêm tôi tỉnh dậy vì thấy đói và muốn ăn cơm rang trứng. Bố không nói một lời, mặc áo khoác, chạy vào căn bếp nhỏ và tối, làm một bát cơm rang trứng cho tôi trên bếp củi. Hiện tại tôi đã không còn nhớ hương vị của món cơm chiên trứng đó, nhưng nhiều năm như vậy, mỗi khi không vui, tôi luôn ăn một bát cơm trứng.
Nửa đêm, đòi bố dậy làm món cơm rang trứng, có lẽ chỉ những đứa bé không ngoan mới nhõng nhẽo bố mẹ như vậy!
Còn tôi lại ước gì mình, có thể mãi là một đứa nhõng nhẽo, không hiểu chuyện như vậy!
Trong nhiều gia đình, con lớn thường được mặc định là người sẽ đảm nhận nhiều trách nhiệm nhất, chăm sóc em nhỏ hơn, đảm đương nhiều công việc hơn và có nhiều kỳ vọng được đặt vào hành vi của chúng hơn. Có nhiều lý do khác nhau cho điều này, nhưng liệu con cả có thực sự cần phải là người luôn nhường nhịn và gánh vác tất cả hay không?