Từ 'Thành phố vì hòa bình' đến Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

07/03/2019 - 17:16
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc Kamal Malhotra và các Đại diện thường trú của các cơ quan LHQ tại Việt Nam gồm Elisa Fernandez (UN Women), Astrid Bant (UNFPA), Michael Croft (UNESCO) và Caitlin Wiesen (UNDP) đã có bài viết sâu sắc về Hà Nội - Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Dưới đây là nội dung bài viết.
 
20 năm trước đây, Hà Nội được Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 là thời điểm tốt để chúng ta cùng nhìn lại xem thành phố vì hòa bình có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, chúng ta hãy cùng rà soát các sáng kiến đang diễn ra nhằm đảm bảo sự an toàn, hòa nhập và khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người.
 
Tuần trước, khi Hà Nội tổ chức Hội nghị thượng đỉnh được mong đợi giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, giới truyền thông thế giới, người dân cũng như hàng ngàn khách du lịch được nhắc lại về danh hiệu của Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.
 
Để trao tặng danh hiệu này năm 1999, UNESCO đã ghi nhận các nỗ lực mà thủ đô Hà Nội của Việt Nam nỗ lực thực hiện để bảo tồn di sản văn hóa và không gian xanh, cũng như hỗ trợ giáo dục và các chính sách phát triển của thành phố. Tất cả các nỗ lực này đều đóng góp cho mục đích “kiến tạo văn hóa vì hòa bình”.
 
Tuy nhiên, nhân dịp chúng ta chào mừng Ngày quốc tế Phụ Nữ và trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết trong Chương trình nghị sự toàn cầu 2030 về Phát triển Bền Vững, chúng ta cũng cần đánh giá xem “hòa bình” có ý nghĩa như thế nào đối với một thành phố, trong việc tạo dựng một xã hội an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em gái, cũng như thúc đẩy tiếp cận và hòa nhập của một số nhóm dân số thường ít được quan tâm hơn như người khuyết tật để Không ai bị bỏ lại phía sau - một cam kết trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030.
 
cac-lanh-dao-lien-hop-quoc-o-viet-nam.jpg
Từ phải sang: Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc Kamal Malhotra và các Đại diện thường trú của các cơ quan LHQ tại Việt Nam gồm Caitlin Wiesen (UNDP), Astrid Bant (UNFPA) và Elisa Fernandez (UN Women)

  

Sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái đồng nghĩa với một cuộc sống giữa tất cả mọi người mà không có bạo lực. Tại nhiều nơi ở Việt Nam, ở nhà, tại nơi làm việc và trong các khu vực công cộng và thậm chí tại trường học, phụ nữ và trẻ em gái vẫn chiếm đa số trong nhóm nạn nhân của bạo lực gia đình, quấy rối tình dục và bạo lực tình dục.
 
Có rất nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức này. Chương trình Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và các cơ quan ban ngành của thành phố triển khai là một ví dụ. Chương trình này đã và đẳng được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến xe buýt công cộng của thành phố. UN Women và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hợp tác với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân đang hỗ trợ các can thiệp nhằm khuyến khích nam giới trẻ tuổi và trẻ em trai trong các nỗ lực phòng ngừa bạo lực giới.
 
Việc có được các số liệu đáng tin cậy để hiểu được mức độ phổ biến của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vô cùng cần thiết. Nhờ có sự hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, và UNFPA cũng như sự giúp đỡ của Chính phủ Úc, kết quả của Khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái lần thứ hai sẽ được công bố vào cuối năm nay. Khảo sát này sẽ giúp chúng ta hiểu được các thay đổi trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, bao gồm hiệu quả của các chính sách và chương trình can thiệp.
 
Thành phố vì hòa bình cũng là thành phố đảm bảo khả năng tiếp cận và hòa nhập xã hội cho tất cả mọi công dân, trong đó có cả người khuyết tật. Cho đến nay, hầu hết các nơi công cộng, tòa nhà và phương tiện giao thông đều không có các dịch vụ cho người sử dụng xe lăn hoặc người khiếm thị có thể dễ dàng tiếp cận. Về điểm này thì các sáng kiến có mục tiêu rõ ràng cũng đang tạo ra sự khác biệt, chẳng hạn như ứng dụng đang được hoàn thiện bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực của Người khuyết tật nhằm lập bản đồ các nơi công cộng và các tòa nhà có thể tiếp cận được và tạo điều kiện để người khuyết tật có thể di chuyển dễ dàng hơn.
 
Không thể không nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng di chuyển cho tất cả mọi người. Nếu phụ nữ và trẻ em gái được an toàn khi tham gia giao thông công cộng thì họ cũng được cải thiện về khả năng tiếp cận đến các cơ hội về giáo dục và kinh tế. Đối với người khuyết tật, việc có thể dễ dàng tiếp cận giao thông sẽ là điều kiện thiết yếu để kiếm được việc làm và chi trả các chi phí sinh hoạt cho bản thân. Các cải thiện đối với điều kiện tiếp cận có thể cũng mang lại lợi ích cho người dân thành thị khác, đặc biệt là người cao tuổi.
 
Xuất phát từ tất cả những suy nghĩ này, chúng tôi cam kết hỗ trợ các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương xây dựng các thành phố hòa bình, an toàn, dễ dàng tiếp cận và toàn diện trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện nhiều lĩnh vực hoạt động trọng tâm khác nhau. Trước tiên, chúng ta cần tăng cường sự tham gia và lãnh đạo đầy đủ của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác trong các vấn đề có tác động tới cuộc sống của họ. Thứ hai, chỉ có số liệu đáng tin cậy, có phân tách theo giới tính, tình trạng khuyết tật và các đặc điểm chính khác mới có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho các chính sách và chương trình, cũng như giúp đánh giá hiệu quả thực hiện. Thứ ba, các cơ quan ban ngành cần cải thiện công tác điều phối và chuyển tuyến giữa các dịch vụ của các ngành khác nhau (ví dụ: y tế, giáo dục hoặc hệ thống tư pháp), đặc biệt dành sự quan tâm đối với những người đã từng trải qua bạo lực giới. Thứ tư, tất cả chúng ta, ai cũng có trách nhiệm giải quyết căn nguyên gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực thông qua việc khuyến khích văn hóa tôn trọng và bình đẳng giữa tất cả mọi người trong mọi tình huống dù là ở nhà, ở trường học, tại nơi làm việc hay trong các không gian công cộng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm