Túi nilon trong siêu thị có giảm nhưng… chậm

Phạm Thủy
15/09/2023 - 15:41
Túi nilon trong siêu thị có giảm nhưng… chậm

Ảnh minh họa

Ước tính mỗi năm Việt Nam vẫn sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Kế hoạch giảm thiểu 100% túi nilon sử dụng một lần trong siêu thị vốn được cho là bước ngoặt quan trọng để giảm thiểu "ô nhiễm trắng". Thế nhưng, có ý kiến cho rằng kế hoạch đầy kỳ vọng này khó khả thi


Bài 3 Túi nilon trong siêu thị, có giảm nhưng …chậm - Ảnh 1.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TPHCM

Liên quan đến hoạt động giảm thiểu những vật dụng sử dụng một lần như túi nilon trong siêu thị, PV Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TPHCM, về vấn đề này.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi. Túi nilon hiện vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu để đóng gói và vận chuyển hàng hóa ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống…

Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Sau 2030 sẽ cấm toàn bộ, kể cả chợ dân sinh, sẽ không tiêu thụ túi nilon.

PV: Xin chào ông, thưa ông, có ý kiến cho rằng Kế hoạch giảm thiểu 100% túi nilon sử dụng một lần trong siêu thị của chúng ta đã thất bại. Nhận định của ông về việc này?

Quá trình này vẫn đang diễn ra. Vận động giảm thiểu túi nilon sử dụng một lần cần có thời gian, lộ trình. Đã có nhiều hoạt động chuyển đổi túi nhựa sử dụng một lần sang túi làm từ vật liệu sinh học và các loại túi làm từ vật liệu thay thế khác để có thể tái sử dụng nhiều lần. Các siêu thị đã sử dụng bao bì đó.

PV: Nhưng theo một kết quả khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thì có tới 46/48 siêu thị vẫn phát túi nilon sử dụng một lần cho khách hàng. Và mỗi năm chúng ta vẫn có hàng chục tỷ túi nilon xả thải ra môi trường?

Như tôi đã nói, quá trình này vẫn đang tiến hành. Dù có chậm.

PV: Lộ trình đó diễn ra như thế nào, thưa ông?

"Về mức độ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, kết quả khảo sát cho thấy có đến 67% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sẵn sàng chi trả cho các giải pháp thân thiện môi trường thay thế cho túi nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, trong đó chỉ có 8% là đã thực hiện thay thế.

Còn lại 34% người tiêu dùng cảm thấy điều kiện kinh tế còn khó khăn nên sẽ không sẵn sàng chi trả được, bởi các giải pháp thay thế hiện nay giá thành vẫn còn cao hơn nhiều so với đồ nhựa dùng 1 lần giá rẻ, lại được phát miễn phí".

Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Lộ trình đi đến loại bỏ hoàn toàn túi nilon sử dụng một lần, ly nhựa, hộp đựng thức ăn cần thời gian và các thử nghiệm. Trong quá trình đó, rất nhiều cơ quan, tổ chức vẫn đang từng bước thực hiện phong trào tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thải rác thải nhựa, túi nilon, ly nhựa sử dụng một lần… 

Bước đầu tiên để hạn chế rác thải nhựa là từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa nếu không cần thiết. TP HCM có thể bắt đầu với khuyến nghị hạn chế những vật dụng nhựa sử dụng một lần trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm và sản phẩm vệ sinh khách sạn. 

Tiếp tục đề xuất áp đặt lệ phí cho túi nhựa không phân hủy và cốc cà phê mang đi. Tiếp tục duy trì chuỗi hoạt động tuyên truyền tại các cửa hàng kinh doanh ẩm thực, ăn uống, dịch vụ về việc thay đổi các bao bì nhựa bằng các bao bì thân thiện môi trường. Một số cơ quan còn tổ chức các hoạt động cuối tuần với nội dung: Thu phí xả thải chất thải nhựa vào các ngày thứ bảy tại khu vực như phố đi bộ. Triển khai thực hiện Chương trình giúp giảm chất thải nhựa cũng như giúp người dân hình thành thói quen "phải trả tiền xả thải". 

Thông qua hoạt động thí điểm để giúp đánh giá chính sách "thu phí xả thải", từ đó xây dựng lộ trình thu phí thích hợp. Lộ trình cũng dần dần hướng đến lệnh cấm thị trường đối với ống hút nhựa, túi nhựa không phân hủy và hộp đựng thức ăn. Việc giảm sử dụng nhựa là quá trình phải làm từng bước. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ rồi đi vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân thành thói quen. Đặc biệt là tất cả các hoạt động này góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng mỗi ngày ngay từ bây giờ, bên cạnh việc ban hành các chính sách, thiết chế luật.

PV: Nguyên nhân chậm do đâu?

Tôi cho rằng việc giải quyết rác thải nhựa cần bắt đầu bằng ý thức tiêu dùng "xanh". Giải pháp là sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng để cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Đặc biệt, vì giá rẻ và tính tiện lợi, túi nilon, bao bì nhựa vẫn tồn tại trong các siêu thị, ngoài chợ. Vậy nên, cần phải luật hoá việc không phát miễn phí, giảm sử dụng túi nilon. Đồng thời khách hàng tại siêu thị cũng cần ý thức trong việc tránh phát thải rác thải nhựa ra môi trường.

PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM

Nguyên nhân lớn nhất là chi phí cho việc sử dụng bao bì bằng chất liệu khác còn cao cho nên các doanh nghiệp, siêu thị, nhà bán lẻ phải có kế hoạch chuyển đổi. Thêm vào đó, việc ban hành các thiết chế luật pháp cần phải tính toán đến vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh buôn bán để làm sao khi luật, quy định ban ra thì tất cả phải đảm bảo được thực thi đồng bộ. Từ đó đem lại sự cạnh tranh công bằng trong môi trường kinh doanh. Ví dụ, chỗ này bị buộc sử dụng túi đựng sinh học giá cao hơn thì người kinh doanh, người tiêu dùng sẽ chuyển sang nơi khác giá tốt hơn. Vậy nên yếu tố quan trọng là phải tổ chức đồng bộ. 

Thực tế thì cũng đã có nhiều siêu thị, nhà phân phối đã có bộ nhận diện bao bì giấy, ống hút giấy, vật liệu hữu cơ thay thế cho sản phẩm nilon sử dụng một lần.

PV: Chính sách nào hỗ trợ các nhà phân phối, nhà bán lẻ, siêu thị trong quá trình xây dựng lộ trình giảm thiểu túi nilon, đồ dùng nhựa sử dụng một lần?

Về phía các siêu thị, nhà phân phối cũng đã đưa ra yêu cầu được trợ giúp do sản xuất bao bì tái chế đắt tiền, tăng chi phí. Chính phủ không thể hỗ trợ giá từ ngân sách nhưng có thể có chính sách hỗ trợ từ thuế, mặt bằng… Đây là lộ trình bắt buộc, chúng ta không có lựa chọn khác ngoài chuyển đổi vật liệu bao bì đựng thân thiện với môi trường. Vì khi ý thức của người tiêu dùng được nâng cao mỗi ngày, ý thức tiêu dùng "xanh" sẽ là xu thế chung, xu thế tiến bộ của toàn thế giới thì họ sẽ đánh giá sản phẩm với tiêu chí "xanh", rồi sau đó mới đưa ra quyết định chọn lựa sản phẩm.

PV: Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề xuất một số gợi ý về công tác bảo vệ môi trường trong công tác phân loại rác thải cũng như điều chỉnh hành vi của người dân trong ứng xử với môi trường:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo hướng trợ giá cho các sản phẩm thân thiện với môi trường (ví dụ phân compost), đánh thuế hoặc thu phí thật nặng đối với các sản phẩm có hại cho môi trường (ví dụ, bao túi nilon - để tiến tới giảm thiểu và loại bỏ dần sản phẩm này trên thị trường).

Thứ hai, tiếp tục nhân rộng các mô hình thu gom, tái chế chất thải bao bì hiệu quả như Saigon Co.op và PRO Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua.

Thứ ba, chủ động triển khai thực hiện cơ chế "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thứ tư, thúc đẩy thị trường tiêu thụ các sản phẩm tái chế từ CTRSH thông qua các cơ chế như: Chương trình mua sắm xanh đối với các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước; Chương trình mua sắm xanh, tiêu dùng xanh đối với công chúng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của sản phẩm tái chế, thay đổi thói quen của người tiêu dùng về sản phẩm tái chế, tái sử dụng...

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, dây chuyền hiện đại thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu tái chế trong CTRSH. Thành lập các đơn vị đầu mối có chức năng quản lý nhà nước, thực hiện liên kết, cung cấp thông tin về thị trường sản phẩm tái chế, nguyên liệu tái chế từ CTRSH, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp tham gia thị trường này".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm