Tưng bừng Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông vùng biên giới

Hoàng Sa
13/02/2024 - 15:49
Sáng mùng 4 Tết Nguyên đán, đồng bào người Mông ở xã Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) đã tưng bừng khai mạc Lễ hội Gầu Tào truyền thống.

Đây được coi là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mông, với những nghi thức, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, mang đậm truyền thống bản sắc văn hoá tộc người Mông.

Hàng năm người Mông ở xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thường tổ chức Lễ hội Gầu Tào vào tháng giêng âm lịch hàng năm. Ngay từ cuối tháng Chạp trong năm, các cụ cao niên đã thực hiện hai nghi lễ quan trọng là chặt tre và dựng cây nêu. Trước Tết khoảng 1 tuần, chủ lễ và những người giúp việc tiến hành chặt tre để dựng cây nêu. Cây tre được chọn phải là cây thẳng, đều dóng, không sâu bệnh, không bị cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây phải hướng về phía mặt trời mọc.

Trước khi dựng cây nêu, ông chủ lễ phải bày biện lễ vật khấn cúng các vị thần linh để xin phép tổ chức Lễ hội Gầu Tào.

Tưng bừng Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông vùng biên giới- Ảnh 1.

Địa điểm tổ chức Lễ Gầu Tào ở xã Pha Long, huyện Mường Khương

Địa điểm tổ chức lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, dốc thoải, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những quả đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời.

Khi thấy cây nêu được dựng, mọi người trong vùng biết năm ấy có hội Gầu Tào. Không khí lễ hội từ đó bắt đầu nhộn nhịp, mọi người thông tin cho nhau ở chợ, ở trên đường, trong thôn, bản… về lễ Gầu Tào và tập luyện các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian để biểu diễn trong hội Gầu Tào.

Trong phần Hội, ngoài các tiết mục văn nghệ hát, múa thì không thể thiếu tiếng khèn mông. Để chuẩn bị cho ngày hội, những người múa khèn sẽ luyện tập các bài khèn, từ giọng khèn, giai điệu cho đến các động tác khi biểu diễn. Những người đã thạo thì có thể luyện lại nhưng chủ yếu dành thời gian chỉ bảo cho anh em, con cháu những người mới biết đôi chút nhưng yêu thích môn nghệ thuật này.

Múa khèn có thể múa một mình hoặc nhiều người, dù là múa đơn hay múa đôi thì địa điểm múa cũng thường quanh cây nêu. Các điệu khèn thường có vũ đạo đẹp mắt với những bước nhún, bước đảo, bước quay, đá chân, lộn vòng… thể hiện sức sống mãnh liệt và tinh thần thượng võ của người Mông.

Trong lễ hội, múa gậy Sênh tiền cũng thu hút được nhiều nam thanh nữ tú đồng bào dân tộc Mông tham gia. Gậy Sênh tiền là loại nhạc cụ được làm bằng đoạn trúc hoặc tre, trong đó có ba khấu được đục lỗ ở giữa để xâu đồng xu vào. Khi múa người chơi cầm cây sinh tiền vừa múa vừa di chuyển với các động tác khéo léo để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể như tay, chân, vai, bàn chân để cho các đồng xu tạo ra âm thanh vui nhộn.

Ngoài múa ô, múa khèn, gậy Sênh tiền thì trong phần hội với nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa như hát giao duyên và chơi các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co; tung còn; đánh quay nam thu hút được rất đông mọi người tham gia.

Tưng bừng Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông vùng biên giới- Ảnh 5.
Tưng bừng Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông vùng biên giới- Ảnh 6.

Đoàn văn nghệ của xã Kiều Đầu (huyện Hà Khẩu, châu tự trị Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tham gia biểu diễn những tiết mục độc đáo

Ngày hội này cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, vui chơi cùng bạn bè, gặp gỡ người yêu… để bộc bạch tình cảm qua những bài hát mà thường ngày họ không thể thổ lộ. 

Lễ hội Gầu Tào ở xã Pha Long năm nay còn có sự tham dự của đoàn văn nghệ từ xã Kiều Đầu (huyện Hà Khẩu, châu tự trị Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) về tham dự, với nhiều tiết mục truyền thống độc đáo, thể hiện mối giao hảo hữu nghị giữa các dân tộc vùng giáp biên giữa 2 quốc gia Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, chuyên viên Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, chia sẻ: "Lễ hội Gầu Tào của người Mông còn thể hiện sự bình đẳng giới. Trong lễ hội này cả nam và nữ đều có vai trò như nhau. Bởi nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào của người Mông lúc đầu chỉ đơn thuần là gắn liền với việc “cầu con”, nên phụ nữ người Mông luôn quan tâm đến lễ hội này.

Tuy nhiên, xưa kia chỉ những gia đình có kinh tế khá giả mới tổ chức được. Đến nay, lễ hội này được phát triển, nâng tầm thành lễ hội của bản với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vào dịp Tết đến xuân về, trong không khí ấm áp, đồng bào Mông bao gồm cả nam lẫn nữ đều nô nức đi trẩy hội Gầu tào, khắp không gian rực rỡ sắc màu thổ cẩm, tiếng nói cười, tiếng hát, tiếng khèn".

Lễ hội Gầu Tào gắn với quan niệm nhân sinh của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Đó là mong ước được khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này cần được gìn giữ bản sắc và phát huy những giá trị nhân văn trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm