Tuyên Quang: Phát huy thế mạnh du lịch kích thích tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

PV
02/12/2022 - 22:30
Tuyên Quang: Phát huy thế mạnh du lịch kích thích tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

Lễ hội Thành Tuyên trở thành thương hiệu du lịch đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang

Tại Toạ đàm "Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch", ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, cho biết việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi thông qua hoạt động du lịch đã đạt được nhiều kết quả tại vùng "quê hương Cách mạng".

- Là địa phương có thế mạnh phát triển du lịch, xin ông cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã phát huy lợi thế này ra sao để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đồng bào dân tộc thiểu số?

Hằng năm, tỉnh Tuyên Quang thu hút đông đảo du khách đến thăm quan các di tích cách mạng, tham dự các lễ hội, như Lễ Hội thành Tuyên, các phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thúc đẩy hoạt động du lịch, văn hóa, cũng đồng thời tăng cường việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa. Bởi du khách đến du lịch thường muốn có những trải nghiệm, muốn mua sản phẩm của bà con nhân dân ở khu vực này trực tiếp sản xuất, trực tiếp chế biến để mang về làm quà cũng như tiêu dùng.

Vì vậy, phương thức tiêu thụ thông qua hoạt động văn hóa - du lịch là một kênh hữu ích và giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Tuyên Quang có thể bán, cũng như giới thiệu được sản phẩm của mình đến với thị trường. Đặc biệt là các sản phẩm hiện nay đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè shan tuyết tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.

Tuyên Quang: Phát huy thế mạnh du lịch kích thích tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang

- Việc thúc đẩy phát triển thương mại, tiêu thụ sản phẩm của Tuyên Quang thông qua hoạt động du lịch – văn hóa hiện nay có khó khăn, rào cản gì, thưa ông?

Qua thực tế, có thể khẳng định các hoạt động văn hóa - du lịch tại Tuyên Quang hỗ trợ rất tốt cho hoạt động tiêu thụ nông sản cho bà con. Đơn cử như Lễ hội thành Tuyên được tổ chức rất quy mô, bà con mang đến sản vật địa phương để cung cấp cho du khách đều được tiêu thụ rất nhanh, như các sản phẩm như thịt lợn đen hay lợn rừng; các sản phẩm có thương hiệu, có chứng nhận OCOP từ 3 sao… Thậm chí, nhiều sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian lễ hội diễn ra.

Qua đây, có thể thấy khó khăn nhất định của địa phương là tập quán của bà con nông dân vẫn sản xuất theo tự phát, chưa có những sản phẩm thực sự tuân theo quy trình sản xuất. Đồng thời, số lượng có hạn, nên những sản phẩm có sức tiêu thụ tốt nhưng cung ứng lại hạn chế.

Cùng với đó, cần xây dựng nhãn mác bao bì, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cụ thể để giữ được niềm tin của khách du lịch và người tiêu dùng.

Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu, xây dựng chương trình thương mại với quy mô phù hợp với sức mua tại các hoạt động văn hóa - du lịch, đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Tuyên Quang: Phát huy thế mạnh du lịch kích thích tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những định hướng của Tuyên Quang trong việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động văn hóa - du lịch trong thời gian tới?

Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã định hướng một số nội dung để giúp bà con bán hàng tốt hơn; gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động thương mại với du lịch. Tỉnh cũng xác định, phát triển du lịch là khâu đột phá, lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm. Theo đó, Tuyên Quang chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, như du lịch lịch sử, homestay, du lịch rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng…

Cùng với đó Sở Công thương định hướng: "Phát triển du lịch tới đâu, thì hoạt động thương mại tiến theo tới đó"; phải xây dựng những điểm bán hàng tại vùng phát triển du lịch tốt, xây dựng điểm bán hàng OCOP… Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng "phát triển kinh tế đêm", đặc biệt là tại các huyện có không gian sinh hoạt văn hóa, tổ chức biểu diễn văn nghệ, hoạt động trò chơi tại các chợ đêm. Trong đó gắn với hoạt động ẩm thực, bán sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu của du khách vừa đến chơi, vừa có thể thưởng thức ẩm thực, mua bán sản phẩm dịch vụ, quà lưu niệm.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng định hướng tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại. Đặc biệt là xây dựng những chính sách hỗ trợ bà con đưa sản phẩm tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, để sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang được nhiều người biết đến hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm