pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tỷ lệ cán bộ nữ trong 3 cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Báo Lào Cai
Ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chỉ thị nêu rõ: "Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ".
Đến nay, đại hội đảng bộ các cấp đã thành công tốt đẹp. Qua báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ 63 tỉnh, thành phố, tình hình cấp ủy viên nữ, cán bộ nữ trong ban thường vụ và cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt ở cả ba cấp cụ thể như sau:
Nữ ủy viên cấp cơ sở tăng 4,2%
Tỷ lệ ủy viên ban chấp hành đảng bộ là nữ ở cấp cơ sở (chỉ bao gồm các xã, phường, thị trấn) thuộc 63 tỉnh ủy, thành ủy là 25,6% (cao hơn 4,2% so với cuối nhiệm kỳ trước), trong đó có 10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 30% trở lên, cao nhất toàn quốc là thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ là 40,8%; không có tỉnh, thành phố nào dưới 15%.
Có 81,5% cơ sở trên toàn quốc đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên. Bình Dương là tỉnh duy nhất trên toàn quốc có 100% cơ sở đều đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên.
Cấp ủy viên nữ người dân tộc thiểu số chiếm 23,8% trên tổng số cấp ủy viên người dân tộc thiểu số; chiếm 18,4% trong tổng số cấp ủy viên nữ. Ủy viên nữ người dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có những tỉnh tỷ lệ này rất cao như Cao Bằng: 94,6%, Bắc Kạn: 88,9%...
Cấp ủy viên nữ dưới 40 tuổi chiếm 36,6% trong tổng số cấp ủy viên dưới 40 và chiếm 57,7% trong tổng số cấp ủy viên nữ. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cấp ủy viên nữ dưới 40 cao nhất toàn quốc (70,2%).
Cấp ủy viên nữ có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 85,8% (nhiệm kỳ trước 61,43%), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên là 91% (nhiệm kỳ trước 76,8%).
Tỷ lệ nữ ủy viên tham gia ban thường vụ đảng ủy ở cấp cơ sở là 14,6% (cao hơn 3,9% so với nhiệm kỳ trước) và có 10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 20% trở lên.
Số cơ sở có cán bộ nữ trong ban thường vụ là 48,5%, cao hơn 2,7% so với nhiệm kỳ trước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Bạc Liêu là 2 đơn vị có tỷ lệ cao nhất, đạt 80% trở lên.
Toàn quốc có 1.163 bí thư nữ, chiếm tỷ lệ 11,4% (nhiệm kỳ trước là 8%) và 2.800 phó bí thư nữ, chiếm tỷ lệ 14,8% (nhiệm kỳ trước là 11,5%).
Cấp huyện: Cán bộ nữ trong ban chấp hành, ban thường vụ đều tăng
Tỷ lệ cấp ủy viên nữ cấp huyện (bao gồm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) của 63/63 tỉnh, thành phố là 20,1% (cao hơn 1,9% so với cuối nhiệm kỳ trước). Có 60/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 15%, trong đó có 5 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 25% trở lên, cao nhất toàn quốc là thành phố Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ là 33,2%. Có 79,2% đơn vị huyện trên toàn quốc đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, cao hơn so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 12 tỉnh, thành phố có 100% đơn vị đạt tỷ lệ này.
Cấp ủy viên nữ người dân tộc thiểu số chiếm 27,9% trên tổng số cấp ủy viên người dân tộc thiểu số, chiếm 18,3% trong tổng số cấp ủy viên nữ và tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc (Cao Bằng 91,3%, Bắc Kạn 79%, Lạng Sơn 73,2%...).
Cấp ủy viên nữ dưới 40 tuổi chiếm 34,2% trong tổng số cấp ủy viên dưới 40 và chiếm 27,7% trong tổng số cấp ủy viên nữ. Khu vực có tỷ lệ cấp ủy viên nữ dưới 40 cao nhất toàn quốc là Tây Nguyên, chiếm 32,1%.
Cấp ủy viên nữ có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 99,7% (nhiệm kỳ trước 97,8%), trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân là 90,2% (nhiệm kỳ trước 76,5%).
Cán bộ Hội tham gia cấp ủy: Trong 696 huyện trên toàn quốc báo cáo hiện có 650 cán bộ Hội tham gia cấp ủy, chiếm 93,4%.
Tỷ lệ nữ ủy viên ban thường vụ là 15,3% (cao hơn 3,4% so với nhiệm kỳ trước); Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có tỷ lệ cao nhất cả nước (32%); tỷ lệ huyện có cán bộ nữ trong ban thường vụ là 92,8% (cao hơn 8,5% so với nhiệm kỳ trước); có 29 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% đơn vị có cán bộ nữ trong ban thường vụ.
Toàn quốc có 67 bí thư nữ, chiếm 9,7% (nhiệm kỳ trước là 7,39%) và 124 phó bí thư nữ, chiếm tỷ lệ 9,4% (nhiệm kỳ trước là 5,85%). Tỷ lệ nữ bí thư cấp huyện cao nhất là Quảng Ngãi, đạt 33,3% và Cao Bằng 30%; tỷ lệ nữ phó bí thư cấp huyện cao nhất là Đồng Nai đạt 27,8%.
Cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh
Tỷ lệ cấp ủy viên nữ bình quân của 63 tỉnh, thành ủy đạt 16% (tăng 2% so với cuối nhiệm kỳ trước). Có 35 tỉnh có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên (tăng 5 tỉnh so với nhiệm kỳ trước), cao nhất là Tuyên Quang với tỷ lệ 29,2%; còn 28 tỉnh dưới 15%, trong đó có 4 tỉnh dưới 10% (Quảng Bình, Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng ).
61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; 02/63 tỉnh, thành phố không có cán bộ nữ trong ban thường vụ là Long An và Khánh Hòa.
Cả nước có 9 Bí thư nữ, 14 Phó Bí thư nữ, trong đó tỉnh Bình Phước có 02 đồng chí Phó Bí thư là nữ.
Có 59/63 tỉnh có Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp tỉnh trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó có 03 chị tham gia Ban Thường vụ (Hà Nam, Gia Lai, Hưng Yên).
Theo báo cáo của 51 tỉnh, thành phố có 3442/17945 (19,2%) đại biểu nữ tham dự Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh.
Đánh giá chung
Từ kết quả cán bộ nữ tham gia cấp ủy, ban thường vụ, giữ các chức danh chủ chốt ở cả 3 cấp như trên cho thấy, nhiệm kỳ này, đội ngũ cán bộ nữ cơ bản đều có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng so với nhiệm kỳ trước. Cán bộ nữ được trẻ hóa, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị được nâng lên, đặc biệt ở cấp cơ sở; ở các khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cấp ủy viên nữ là người dân tộc thiểu số tăng cao. Về chỉ tiêu 15% cấp ủy viên nữ được đặt ra trong Chỉ thị 35-CT/TW, nhìn chung trên địa bàn toàn quốc đều đạt yêu cầu ở cả 3 cấp. Đây là một minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác cán bộ nữ, đồng thời tiếp tục khẳng định sự nỗ lực không ngừng vươn lên của đội ngũ cán bộ nữ.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 1.957 cơ sở (chiếm 18,5%), 145 huyện (chiếm 20,8%) và 28 tỉnh (chiếm 44,5%) chưa đạt tỷ lệ 15% trở lên, cá biệt còn 84 cơ sở và 1 đơn vị cấp huyện chưa có nữ tham gia cấp ủy. Còn 51,5% cơ sở, 7,2% huyện và 3,2% tỉnh trên toàn quốc không có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Có nơi gần 80% cơ sở không có cán bộ nữ trong ban thường vụ (Bắc Ninh, Lai Châu). Như vậy, về chỉ tiêu có cán bộ nữ trong ban thường vụ trong Chỉ thị 35-CT/TW, đối với cấp huyện và cấp tỉnh cơ bản là đạt, còn cấp sơ sở không đạt. Bên cạnh đó, tỷ lệ đại biểu nữ tham dự đại hội thấp (cấp tỉnh chưa đạt 20%).
Hiện còn 46 huyện và 4 tỉnh không có cán bộ Hội tham gia cấp ủy. Một số nguyên nhân chủ yếu là do có nơi Chủ tịch Hội LHPN không đủ tuổi tái cử, nên cấp ủy để khuyết cơ cấu, bổ sung sau; cá biệt, vẫn còn có nơi cán bộ Hội có trong danh sách bầu cử, song không trúng cử.