U30 đã có... cháu ngoại

31/05/2019 - 08:05
Hờ Y Xùa tâm sự: “Em cũng muốn đi học để biết con chữ nhưng không ai giữ con cho cả. Bây giờ đã làm bà ngoại rồi mà em vẫn chưa biết đến con chữ như thế nào, nghe người ta nói cũng không hiểu, nếu có lớp dạy xóa mù chữ em cũng muốn được đi học”.

Khảo sát tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An) cho thấy, tình trạng tảo hôn ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây số trường hợp tảo hôn chủ yếu là trong độ tuổi 16-17 thì nay có những cặp tảo hôn mới 12-13 tuổi.

Có những em gái sau khi về nhà chồng được một thời gian ngắn, khoảng 1-2 năm, thậm chí có em mới có 10 ngày, đã xảy ra mâu thuẫn, quay về nhà mẹ đẻ sống.

 

Có cháu ngoại... ở tuổi 26

Vượt qua những con đèo quanh co, đường đến xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mỗi lúc như dài thêm bởi những vách đá, vực sâu hun hút. Chúng tôi đến thăm gia đình Hờ Y Xùa (SN 1988) ở bản Phà Bún, xã Huồi Tụ, khi Xùa đang gùi vật dụng, lương thực vào rẫy.

 

bai-nghe-an-1.JPG
Một bà mẹ trẻ ở vùng cao xứ Nghệ

 

Qua vài câu hỏi làm quen, Xùa cùng chúng tôi về nhà mẹ đẻ gần đó. Căn nhà lụp xụp nằm ven đường, đứa con gầy gò xanh xao của Xùa thấy mẹ về liền chạy ra đòi bế. Mới hơn 30 tuổi nhưng khuôn mặt nám đen của Xùa đã xuất hiện lên những nếp nhăn vì sương gió. Xùa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình.

 

Năm Xùa 13 tuổi, trong một lần đi chợ biên ở xã Nậm Cắn, Xùa gặp Lầu Tông Chùa (trú tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) và hai người đem lòng thương nhau. Sau đó, Chùa sang “bắt” Xùa về làm vợ. Sau đó, đám cưới của 2 người được diễn ra. Cuối năm 2001, Xùa sinh được một cô con gái. Rồi ít năm sau, đứa thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời. Sự vất vả bởi gánh nặng cơm áo cho nhiều miệng ăn bắt đầu đè lên đôi vai của Xùa và Chùa.

 

Cuộc sống mưu sinh cứ thế trôi qua, 13 năm sau, con gái đầu lòng của Xùa tròn 13 tuổi. Cũng giống mẹ, con gái Xùa đi chợ biên Nậm Cắn rồi thương một chàng trai bên đó. Vợ chồng Xùa gật đầu đồng ý cho con lấy chồng, rất nhanh Xùa có cháu ngoại ở tuổi 26. Hờ Y Xùa cho biết: “Em cũng muốn đi học để biết con chữ nhưng không ai giữ con cho cả. Bây giờ đã làm bà ngoại rồi mà em vẫn chưa biết đến con chữ như thế nào, nghe người ta nói cũng không hiểu, nếu có lớp dạy xóa mù chữ em cũng muốn được đi học”.

 

nhng-a-con-ca-b-ngoi-h-y-xa.jpg
Những đứa con của Hờ Y Xùa

 

Theo Trưởng bản Và Xí Mùa, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở người Mông mà có ở các đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Đan Lai và kể cả dân tộc Kinh, dù không có phong tục này.

 

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An không giấu được nỗi niềm khi chia sẻ về tình trạng tảo hôn tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông qua chuyến khảo sát vừa qua. Điều đáng buồn là tảo hôn ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây số trường hợp tảo hôn chủ yếu là trong độ tuổi 16-17 thì nay có những cặp tảo hôn mới 12-13 tuổi. Có những em gái sau khi về nhà chồng được một thời gian ngắn, khoảng 1-2 năm, thậm chí có em mới có 10 ngày, đã xảy ra mâu thuẫn, quay về nhà mẹ đẻ sống.

 

Thiếu giải pháp cụ thể

Triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2025” , thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 599/KH-UBND ngày 1/2/2015, gắn với thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

 

nhng-em-b-vng-cao-x-ngh.jpg
Những em bé vùng cao xứ Nghệ

 

Theo đó, tỉnh đã xác định 9 điểm tại 9 xã của 4 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong) và Trường THPT Kỳ Sơn để tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn ở một số xã chỉ đạo điểm còn cao. Đơn cử, tính trong 3 năm gần đây, xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) có 87 cặp tảo hôn, trong đó dưới 16 tuổi là 34 trường hợp; xã Mường Lống (Kỳ Sơn) là 80 trường hợp; xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) 44 trường hợp; xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) 40 trường hợp...

 

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc Tỉnh Nghệ An, cho rằng, để tạo chuyển biến trong vấn đề này không thể chỉ có trách nhiệm của các cá nhân trong Ban chỉ đạo tỉnh mà là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là cơ sở phải vào cuộc thực sự để tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành động trong đồng bào các dân tộc thiểu số; gắn với xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân vi phạm.

 

Nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã triển khai và xây dựng các mô hình điểm đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Đến nay, toàn tỉnh đã duy trì và nhân rộng được 1.430 mô hình về xây dựng gia đình hạnh phúc với 24.714 thành viên tham gia. Trong đó có mô hình Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tại các mô hình đã lồng ghép tổ chức các hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi... giúp cán bộ Hội có kỹ năng tư vấn, trang bị kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho hội viên phụ nữ.

Theo số liệu khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An, từ năm 2015 đến 2018, tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông có 713 cặp tảo hôn. Trong đó có 192 cháu gái tảo hôn dưới 16 tuổi. Tại một số trường học như: Trường THPT Kỳ Sơn năm học 2018-2019 có 11 em gái bỏ học lấy chồng; Trường THCS Mường Lống (Kỳ Sơn) và Trường THCS Tam Hợp (Tương Dương), mỗi trường đều có 3 em bỏ học lấy chồng; Trường THPT Tương Dương có 10 em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm