U80 vẫn tràn đầy năng lượng sống

U80 VẪN TRÀN ĐẦY NĂNG LƯỢNG SỐNG

Tôi trêu bà Liên, U80 mà dồi dào năng lượng như thanh niên tuổi yêu. Bà Liên cười sang sảng: "Ai cấm bà già 80 yêu! Chúng tôi càng già, ham sống vui khoẻ sẽ càng nhiều năng lượng".

Về hưu để sống cho mình

Đã hai chục năm nay, kể từ ngày về hưu, ngôi nhà nhỏ của bà Lê Thị Liên (ở khu tâp thể Liên cơ Đông Anh, ngoại thành Hà Nội - nguyên cán bộ Đoàn, giáo viên Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện) lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười, người ra người vào tấp nập. Ai lạ, tưởng nhà bà là "trụ sở" của một tổ chức, hội nhóm nào đó. Nhưng những người thân quen, bạn bè, hàng xóm thì gọi đó là "điểm văn hoá cộng đồng". Ở một mình mà bếp nhà bà Liên chẳng lúc nào nguội lửa, chén chẳng mấy khi khô. Bạn bè bà trêu, nhà bà Liên là "trại dưỡng lão" của họ.

Hôm qua, bà Xuân (bạn bà Liên) ở Liên Hà, cách nhà bà Liên gần 10 cây số, ra chơi rồi ngủ lại. Hai bà xem liền mấy tập phim "Bên nhau trọn đời" xong còn tíu tít nói chuyện đến hơn 2 giờ khuya mới chợp mắt. Ấy thế mà vừa mới sáng ngày ra, tiếng bà Bồi (nhà ở Kim Chung, cũng cách nhà bà Liên cả chục cây số) đã rổn rảng ngoài sân. Lát sau, có thêm bà Ngọc, bà Mi. 5 bà được thể "nổ" tung trời như ngô rang.

U80 vẫn tràn năng lượng sống - Ảnh 1.

U80 nhưng lúc nào bà Liên cũng lạc quan, yêu đời, tràn năng lượng sống

Trong lúc bà Liên, bà Xuân tranh thủ ăn sáng thì bà Bồi bổ táo, bà Ngọc tráng chén, súc ấm pha trà… Câu chuyện các bà đang hồi rôm rả thì các bệnh nhân kéo đến. Họ là những người được bà Liên chữa bệnh bằng phương pháp diện chẩn, bấm huyệt, tác động cột sống. Quay ra, quay vào, mới hơn 9 giờ sáng mà cái phòng khách nhà bà Liên rộng hơn 20 mét vuông đã chứa cả chục người vừa bạn, vừa hàng xóm, bệnh nhân, học viên học nghề ngồi kín.

Nhìn bề ngoài, chẳng ai đoán bà Liên đã 76 tuổi. Với làn da mặt còn căng, khoẻ khoắn, mái tóc vẫn hơn nửa là sợi đen, giọng nói thanh thoát, lúc nào cũng tếu táo cười đùa khiến ai mới gặp cũng nghĩ bà mới chỉ già sáu chục. "Đã có thời kỳ tôi bị tiểu đường độ 3, xương khớp thoái hoá, thiểu năng tuần hoàn não…. Khi sức khoẻ đi xuống, tâm lý dễ chán chường, bi quan, rệu rã", bà Liên bộc bạch. Ý thức rất rõ điều này nên ngay khi về nghỉ hưu, bà Liên tập trung dành nhiều thời gian để chăm sóc bản thân, luyện tập thể dục tăng cường sức khoẻ. Bà tâm niệm: Cả tuổi trẻ phấn đấu cho sự nghiệp, gia đình, cống hiến cho xã hội nên khi về hưu là phải sống cho mình, sống thật khoẻ mạnh, ý nghĩa.

U80 vẫn tràn năng lượng sống - Ảnh 2.

Bệnh nhân đến với bà Liên ở đủ mọi lứa tuổi

Hồi ông nhà còn sống, chiều chiều hai ông bà thường cùng nhau đi bộ thể dục thể thao. Rồi ông chẳng may bị ngã, do tuổi cao, bệnh nặng, ông đi trước bà. Khi ấy, cô con gái lớn đang học bên Trung Quốc, con trai út cũng đang học đại học, không muốn làm ảnh hưởng đến tâm lý và việc học hành của các con, bà Liên gượng dậy, làm chỗ dựa cho gia đình. Bà tự nhủ, phải sống thật khoẻ mạnh, vui vẻ thì ông mới an lòng nơi chín suối.

Thầy giáo bén duyên nghề thầy thuốc

Năm 58 tuổi, bà Liên có cơ duyên gặp lương y Nguyễn Minh Tuấn - người chuyên chữa bệnh bằng phương pháp diện chẩn. Với mong muốn tự tác động nâng cao sức khoẻ cho mình, cho người thân và có thể cứu giúp mọi người, sẵn có quỹ thời gian hưu, bà Liên xin vào học khoá chữa bệnh bằng phương pháp diện chẩn của thầy Tuấn. Sau khi học và thực hành thuần thục, bà kết hợp học thêm phương pháp tác động cột sống của lương y Trần Dũng Thắng và học nâng cao thêm một số danh y có tiếng trong ngành. 

Càng đi sâu nghiên cứu, thực hành, bà Liên càng thấy say mê, yêu thích phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc này. Ban đầu, bà chỉ hỗ trợ sức khoẻ cho mình, cho bạn bè, họ hàng, người thân quen. Dần dà, tiếng lành đồn xa, người bên phố (nội thành - PV), người ở tận các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương gặp các vấn đề về cột sống, dây thần kinh, đau đầu... cũng tìm đến bà Liên. Vốn dĩ, bà Liên không chủ động theo nghề y nhưng nghề đã chọn bà. Có thời kỳ cao điểm, nhà bà Liên ngày nào cũng có mười mấy bệnh nhân "ăn trực nằm chờ". Nhiều hôm bà làm việc thông trưa, tối mịt vẫn còn người đợi…

U80 vẫn tràn năng lượng sống - Ảnh 3.

Hàn huyên bên ấm trà cùng các "bạn già"

Bà Liên suốt ngày bị bà Ngọc (trước là y tá bệnh viện đa khoa huyện) "mắng xơi xơi" vì cái tội "thương người hơn thương thân". Cũng vì thương quý mà mắng bà Liên thế thôi, chứ biết bà Liên đến ăn sáng còn chẳng có thời gian nên ngày nào bà Ngọc cũng rẽ qua, đi chợ mua thức ăn cả ngày, để sẵn trong tủ lạnh cho bà Liên. Hôm nào không vướng bận viêc nhà, mấy bà lại cùng thổi cơm ăn với nhau cho vui bát vui đũa.

"Người ta thì mong đông bệnh nhân để kiếm nhiều tiên, bà Liên càng đông bệnh nhân càng nghèo", bà Ngọc phàn nàn. Tôi lấy làm lạ thì được bà Ngọc giải thích: "Trong khi giá trung bình chữa một ca là 150 ngàn đến 250 ngàn đồng thì bà Liên chỉ "lấy gọi là" từ 50-100 ngàn đồng. Người ở xa về chữa bệnh, bà còn cho họ ăn ngủ miễn phí tại nhà luôn. Trần đời có thầy thuốc gì mà bệnh nhân về, còn dúi thêm cho tiền tàu xe. Thế nên, tiền chữa bệnh, cộng cả tiền lương hưu, bà Liên phục vụ lại bệnh nhân, khách khứa, bạn bè chả đủ".

Hơn 16 năm nghỉ hưu, gần14 năm làm nghề y, bà Liên không đếm được mình có bao nhiêu nghìn bệnh nhân, cũng không nhớ nổi có bao nhiêu người gần xa đến xin bà học nghề tạo phước. Nhiều người sau khi khỏi bệnh, tình nguyện được qua lại giúp việc cho bà Liên. Bà Liên bảo, ai muốn học nghề bà cũng sẵn sàng chỉ dạy đến nơi đến chốn nhưng với điều kiện, phải hứa với bà rằng: học nghề để cứu người chứ không phải để kiếm tiền; đặt cái tâm đức lên đầu; phải nghiêm túc và say mê.

U80 vẫn tràn đầy năng lượng sống - Ảnh 4.

Bà Liên và bà Ngọc (phải)

Tuổi già viên mãn

Giờ đây, con gái và con trai bà Liên đều đã phương trưởng, thành đạt, có địa vị trong xã hội. Các con đều công tác và sống trong nội thành. Nhà con trai - con dâu, con gái - con rể đều dành một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi để đón bà sang quây quần cùng con cháu nhưng bà nhất định chối từ. Bà bảo "Mẹ có cuộc sống sinh hoạt riêng của mẹ, các con có công việc và các mối quan hệ của các con. Thế nên, khi mẹ còn khoẻ mạnh, mẹ sẽ không phiền con cháu. Ở đây, mẹ có công việc mẹ yêu thích, lại có bạn bè, có bao kỉ niệm buồn vui mới đúng là nơi mẹ thuộc về". Chiều cuối tuần, lúc nào nhớ cháu, loáng cái chỉ 40 phút đi xe buýt là bà lại có mặt ở đường Phạm Văn Đồng (nhà con gái) hoặc khu đô thị Royal City (nhà con trai) để chơi cùng các cháu. Tuần nào bà bận không ra được thì các con cháu lại tranh thủ về với bà.

U80 vẫn tràn năng lượng sống - Ảnh 4.

Những giây phút bà Liên viên mãn, sum vầy bên con cháu và 4 chị em gái của mình

Nhìn vào nhà, chẳng lúc nào bà Liên ngơi khách, ngơi bệnh nhân. Nhiều người nghĩ, chắc bà Liên chẳng còn thời gian để "sống cho mình". Không đâu! Bận đến mấy thì mỗi ngày sáng thức giấc bà cũng dành ít nhất 1 tiếng để tập thể dục chăm sóc sức khoẻ. Chiều tối bà đi bộ, thực hành các động tác thư giãn xương khớp, tuần hoàn lưu thông máu… Ngoài thói quen theo dõi thời sự chính trị hàng ngày (của người nhiều năm làm công tác Đoàn và đứng trên bục giảng), bà Liên đặc biệt đam mê xem phim bộ, xem các loại hình nghệ thuật dân gian. Phim Tây phim Hàn, các diễn viên hot của màn ảnh Việt hay Hoa ngữ, bà thuộc làu làu.

Vốn xuất thân là dân ngành sư phạm nên nhất nhất mọi sinh hoạt, kế hoạch trong cuộc sống của bà Liên đều có "giáo án" rất rõ ràng. Năm nào bà cũng dành thời gian đi du lịch đôi ba chuyến (khi trong nước, lúc nước ngoài) cùng con cháu; đôi ba chuyến cùng bạn bè, chị em gái. Mỗi khi rảnh rỗi, bà lại ôm chồng album ra xem, đọc kỉ niệm qua từng bức ảnh.

Tôi rất thích không khí mỗi khi ghé nhà bà Liên: ngoài bàn trà mấy ông bà cao tuổi rôm rả hàn huyên, phòng phía trong bà Liên cùng mấy "học trò" say sưa chữa bệnh; tiếng đàm đạo, bàn luận sổi nổi về thế thái nhân tình khiến ngôi nhà nhỏ của bà Liên lúc nào cũng huyên náo, ấm cúng vô cùng…

Thảo Miên (thực hiện)