Vai trò của phụ nữ các dân tộc đối với phát triển kinh tế ở Lào Cai

TS Nguyễn Thị Vân Hằng (Trường Chính trị tỉnh Lào Cai)
24/10/2024 - 07:46
Vai trò của phụ nữ các dân tộc đối với phát triển kinh tế ở Lào Cai

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Hoàng Giang thăm mô hình dịch vụ du lịch của HTX Mường Hoa do hội viên Sùng Thị Lan làm chủ tại thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tổ chức Hội LHPN, phụ nữ các dân tộc tỉnh Lào Cai ngày càng phát huy được vai trò của chủ thể trong phát triển kinh tế. Đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Lào Cai trong những năm qua có vai trò quan trọng của phụ nữ các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Lào Cai - một tỉnh miền núi, biên giới còn rất nhiều khó khăn và hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Diện tích tự nhiên 6.364,25 km2; dân số tính đến 12/2023 là 779,92 nghìn người, trong đó nữ là 382,07 nghìn người chiếm 48,99% tổng số; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 397,56 nghìn người, trong đó nữ chiếm 45,75%[1]. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,11%; GRDP bình quân đầu người đạt 94,37 triệu đồng, tương đương 3.965 USD[2]. Có thể thấy, trong kết quả đạt được về phát triển kinh tế Lào Cai thời gian qua nói chung, năm 2023 nói riêng có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng lao động nữ.

Trong những năm qua, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được quan tâm, tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các nguồn hỗ trợ từ chương trình, dự án, đề án để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ gắn với thực hiện khâu đột phá về "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường" là vấn đề xuyên suốt, nhiệm vụ trong tâm giúp phụ nữ phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Gắn với thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU về "Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Đề án 939 "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp" và Đề án 01 "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 3.000 hội viên, phụ nữ được tham gia 55 lớp tập huấn về các nội dung khởi nghiệp, phát triển kinh tế…; 525 phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh, tổ liên kết phụ nữ sản xuất kinh doanh đã được hỗ trợ nâng cao năng lực; phụ nữ được tham gia các diễn đàn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, tiếp cận kinh tế số; tham gia các hoạt động giao lưu kết nối giới thiệu tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh; tham gia cuộc thi Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh; . phối hợp, hỗ trợ triển khai ứng dụng KHCN 4.0 để thiết kế bao bì, nhãn mác, kiểm nghiệm sản phẩm, thiết kế mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc cho 21 mô hình/tổ liên kết trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ thành lập mới 05 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. Tính đến năm 2023, có 110 mô hình kinh doanh với 1719 thành viên được hỗ trợ trong quản lý[3]

Hoạt động hỗ trợ vay vốn để phụ nữ phát triển kinh tế cũng đã được quan tâm. Nguồn vốn uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tăng theo các năm, ví dụ năm 2023 tăng 38,3% so với năm 2021. Liên tục trong những năm qua Hội phụ nữ tỉnh Lào Cai luôn được đánh giá dẫn đầu với 6 điểm "nhất" trong hoạt động ủy thác với Ngân hàng: dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; tỷ lệ thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; tổ vay vốn và tiết kiệm có chất lượng tốt nhất. Tính đến tháng 7/2024, tổng dư nợ uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.262.044,79 triệu đồng trên 550 tổ TKVV cho 19.197 hộ vay

Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động tín dụng của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát để kịp thời hỗ trợ cho phụ nữ phát triên kinh tế, đên nay tông nguồn vốn đã giải ngân 27.436.680.600 đ cho 2.071 thành viên của 18 xã, phường, thị trấn của thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng. Tiền gửi tiết kiệm thông qua Ngân hàng CSXH đạt 37.841 triệu đồng với 20.510 tổ viên trên 549 tổ TKVV. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh đã làm tốt công tác vận động khai thác kết các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, tập thể, cá nhân để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của 03 dự án phi chính; Dự AEA của Pháp; dự án Bánh Mỳ cho thế giới, Dự án Great với tổng nguồn kinh phí khai thác 11 tỷ đồng[4] hỗ trợ cho phụ nữ thuộc 6/9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, khới nghiệp kinh doanh, phát triển du lịch. Nhờ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, cho đến nay đã có 875 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo

Thông qua hoạt động cụ thể như trên đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ đối với phát triển kinh tế gia đình, tạo môi trường cho hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn tham gia khởi nghiệp, lao động sản xuất vươn lên làm giàu, đóng góp cho địa phương và đất nước.

Vai trò của phụ nữ các dân tộc đối với phát triển kinh tế ở Lào Cai- Ảnh 1.

Phụ nữ người dân tộc thiểu số ở xã Lùng Phình (Bắc hà, Lào Cai) phát triển rau ôn đới. Ảnh: Trường Sa

Phụ nữ phát huy vai trò chủ thể trong kinh doanh

Năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ Lào Cai ngày càng được nâng lên. Hội LHPN tỉnh thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, trang bị kiến thức, nâng cao năng lực kinh doanh, khởi sự kinh doanh cho hội viên, phụ nữ thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo... Thời gian qua, đã phối hợp tổ chức 250 lớp tập huấn cho 12.500 người tham gia về nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp; hỗ trợ nâng cao kiến thức về khởi sự kinh doanh, đào tạo nghề, thành lập, phát triển doanh nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh cho các nữ là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh, hội viên phụ nữ có nhu cầu, ý tưởng khởi nghiệp; phụ nữ được tham gia tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp cho chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; được tham vấn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội cộng đồng vì sự phát triển nông thôn, sáng tạo bền vững; 300 nữ chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tham gia các diễn đàn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, tiếp cận kinh tế số, giao lưu kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh... 

Trong giai đoạn 2018 - 2024, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học công nghệ, Sở kế hoạch đầu tư, Liên minh Hợp tác xã... triển khai hoạt động hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp; đã có 90 ý tưởng đăng ký tham gia ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh, trong đó có 18 hồ sơ được vinh danh có ý tưởng suất xắc nhất qua các năm. Đề xuất 28 ý tưởng tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Có 03 kế hoạch kinh doanh của 02 nữ Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ; HTX rau quả Thắng Lợi, thị xã Sa Pa vinh dự nhận giải dự án xuất sắc tại vòng chung kết năm 2019, 2020[5], HTX Quang Tom vinh dự nhận giải khuyến khích cấp vùng khu vực phía Bắc Ngày Phụ nữ khời nghiệp năm 2023. Phối hợp với AEA tổ chức cuộc thi thách thức sáng kiến kinh doanh năm 2024 với 35 ý tưởng đăng ký, có 18 vào vòng chung kết với tổng số tiền hỗ trợ cho giải thưởng lên đến 1,5 tỷ đồng.

Phụ nữ có vai trò chủ thể trong khai thác có hiệu quả các nguồn lực, nhất là bảo tồn, khai thác, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để phát triển kinh tế - du lịch cộng đồng. Phụ nữ Lào Cai được hướng dẫn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, và ứng dụng công nghệ số, phần mềm quản lý thông minh bằng mã QR code từ khâu chế biến, sản xuất tới phân phối đưa sản phẩm ra thị trường thông qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppe, Vỏ sò, Postmark...để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết nối nhiều HTX, THT với thị trường khách hàng đa dạng, tiềm năng, hỗ trợ maketting quảng bá hình ảnh du lịch tới nhiều vùng miền khắp cả nước đối với các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Với gần 30 cơ sở lưu trú homestay do phụ nữ làm chủ tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; homestay Hà Nhì House của chị Sần Thó Mơ làm chủ tại xã Y Tý, huyện Bát Xát; tổ liên kết du lịch dịch vụ cho phụ nữ làm chủ tại thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà và dịch vụ du lịch của HTX Mường Hoa do chị Sùng Thị Lan làm chủ tại thị xã Sa Pa... là những minh chứng tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh,nhằm từng bước khắc phục hậu quả tác động sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid19.

Đánh giá vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế của địa phương, không thể không nhắc đến vai trò của phụ nữ trong triển khai các dự án thành phần của các Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, cơ bản các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông… Chỉ tính riêng năm 2023, số hộ nghèo tỷ lệ nghèo giảm 4,43 %, hộ cận nghèo là 16.062 hộ, chiếm tỷ lệ 8,96 % so với tổng số hộ trên địa bàn. Cùng với đó, phụ nữ cũng đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, 152 cơ sở Hội đã thực hiện được 348 công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Vai trò của phụ nữ các dân tộc đối với phát triển kinh tế ở Lào Cai- Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Ảnh: Hồng Hà

Duy trì, hỗ trợ thành lập mới các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Trong giai đoạn 2018-2024, các ngành có liên quan đã phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh duy trì sinh hoạt các mô hình hiệu quả đạt trên 110 mô hình phát triển kinh tế tập thể tại cấp cơ sở có 1.719 chị em hội viên; thành lập 12 hợp tác xã với 119 thành viên, 12 tổ hợp tác với 200 thành viên, 69 tổ liên kết sản xuất 1.100 thành viên, 12 nhóm phụ nữ cùng sở thích với 189 thành viên, 5 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp với 111 thành viên. Các mô hình cơ bản đều hoạt động có hiệu quả, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia làm chủ quản lý mô hình được hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. đã tạo việc làm cho gần 2.000 hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ cũng góp phần vào phát triển kinh tế của chị em và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Đã có125 lớp học đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và khả năng tiếp thu của học viên. Các ngành nghề đào tạo phổ biến bao gồm: may mặc, thêu thùa, dệt vải, làm bánh, nấu ăn, cắt tóc, nông nghiệp - dịch vụ như đan lát, trồng trọt, chăn nuôi,... Hội LHPN phối hợp với các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu việc làm cho phụ nữ qua các hội chợ việc làm, các trang web tuyển dụng…một cách chính thống đảm bảo an toàn, hiệu quả. Qua đó, 5.441 lao động nữ tham gia các lớp đào tạo nghề, 5.364 lao động nữ được giới thiệu việc làm thông qua các kênh chính thống. Hoạt động dạy nghề, tạo việc làm đã góp phần nâng cao kỹ năng và kiến thức cho phụ nữ, giúp họ có được việc làm phù hợp và thu nhập ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 2,0%, năm 2018 xuống 1,24% năm 2023 nghèo đói trong phụ nữ giảm dần, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ vào đời sống kinh tế - xã hội ngày càng tăng.

Vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển của đất nước được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta. Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, trước những đòi hỏi phát triển ngày càng cao của đất nước, của mỗi địa phương càng cần sự đóng góp của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, từ khi tái lập tỉnh Lào Cai đến nay, phụ nữ Lào Cai đã có những đóng góp trên mọi mặt, nhất là trong phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển có thu nhập cao của cả nước vào năm 2050.


[1] Niên giám thống kê tỉnh Lào Cai năm 2023

[2] Niên giám thống kê tỉnh Lào Cai năm 2023

[3] 12 hợp tác xã /119 thành viên, 12 tổ hợp tác/200 thành viên, 69 tổ liên kết sản xuất/1100 thành viên, 12 nhóm phụ nữ cùng sở thích/189 thành viên, 5 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp/111 thành viên

[4] Trong đó Dự án Bánh mỳ cho Thế giới: 5,2 tỷ đồng; Dự án AEA-Pháp: 2,8 tỷ đồng; Dự án Great 3 tỷ đồng

[5] Năm 2019, Ý tưởng kinh doanh "Phát triển giống cây chù dù, khoanh vùng hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo tồn, nhận diện, và phân biệt cây thuốc Dao đỏ, cung cấp cho thị trường du lịch Sa Pa" của HTX Cộng đồng Dao đỏ, thị xã Sa Pa được hỗ trợ 165 triệu từ nguồn dự án mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cho vay không tính lãi xuất để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Năm 2020, Dự án "Phát triển Trang trại trồng dâu tây ứng dụng nông nghiệp cao gắn với du lịch trải nghiệm tại phường Hàm Rồng thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai" của Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi thị xã Sa Pa được hỗ trợ 100 triệu đồng từ Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm