pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vấn nạn đổi tình dục để phẫu thuật thẩm mỹ ở thủ đô ma tuý của Mexico
Các tay buôn ma túy ở Sinaloa bị hấp dẫn bởi các "buchona" nên thường ép bạn gái tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Getty Images
Mọi giao dịch đều bắt nguồn từ buôn bán ma túy
Trên bàn làm việc tại phòng khám của mình ở thành phố Culiacan, bang Sinaloa (Mexico), bác sĩ Rafaela Martinez Terrazas có một đống hồ sơ từ các khách hàng tiềm năng. Hầu hết trong số này muốn tiến hành dạng phẫu thuật "thẩm mỹ - ma túy" (narco-aesthetic). "Narco" là từ Tây Ban Nha chỉ các tay buôn chất cấm.
"Một vòng eo nhỏ, cắt nét hơn, hông rộng, vòng ba lớn và ngực lớn là những thứ mà nhiều phụ nữ này trông đợi từ quá trình phẫu thuật", bà Terrazas tiết lộ.
"Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân mà tôi tiếp nhận thường dao động trong khoảng 30-40. Nhưng phụ nữ trẻ cũng rất hay đến, thậm chí cả trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi", bác sĩ Terrazas nói. "Họ ganh đua với nhau xem ai có thân hình đẹp nhất hoặc vòng eo nhỏ nhất".
"Thông thường, các cô gái đi cùng bạn trai - người chi trả tiền phẫu thuật", bác sĩ Terrazas cho biết. "Nhiều quý ông thường gọi cho tôi và thông báo rằng, họ sắp gửi một cô gái đến chỗ tôi để phẫu thuật".
"Một người đàn ông gọi cho tôi và nói: 'Một trong số các cô gái của tôi đang đến chỗ bà. Bác sĩ biết tôi thích gì mà, cứ mặc kệ những gì cô ấy nói, vì tôi mới là người trả tiền cho bà", bác sĩ Terrazas kể lại. "Tôi bảo ông ấy thảo luận lại với người yêu, bởi khách hàng đến phòng khám của tôi mới là người đưa ra quyết định".
Người đàn ông này đã gửi khoảng 30 phụ nữ đến phòng khám của bác sĩ Terrazas để phẫu thuật. Mức giá cho mỗi một ca phẫu thuật không hề rẻ, vào khoảng 6.500 USD (4.700 bảng Anh). Thường thì quá trình thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt.
Bác sĩ Terrazas khẳng định: "Rõ ràng, trong những trường hợp này, tiền đến từ buôn bán ma túy. "Tuy nhiên, tôi không còn nghĩ nhiều về vấn đề này nữa, bởi nền kinh tế bang Sinaloa - xoay quanh nhà hàng, quán bar và bệnh viện - phụ thuộc vào việc buôn bán ma túy".
"Tôi thường hỏi các cô gái xem họ có đồng ý với những chi tiết phẫu thuật mà bạn trai muốn họ thực hiện hay không", bác sĩ Terrazas nói. "Đôi khi họ bảo: 'Ổn thôi, anh ấy muốn sao cũng được'. Tôi giải thích rằng sau một thời gian, người đàn ông ấy không còn là bạn trai của họ song cơ thể đã phẫu thuật thì sẽ theo họ suốt phần đời còn lại. Do đó, họ phải chọn phẫu thuật theo ý muốn của mình, thay vì sở thích của người đàn ông kia".
Khi phụ nữ bị coi là chiến lợi phẩm
Pedro (không phải tên thật của nhân vật), một huấn luyện viên thể hình 30 tuổi và hoạt động trong giới buôn ma túy ở bang Sinaloa, tiết lộ: "Ở đây, ông trùm buôn ma túy nào cũng phải có người đẹp ở bên cạnh. Đó đã là hình mẫu ở Sinaloa".
"Đàn ông sinh sống tại bang miền Tây Bắc Mexico này luôn tranh giành phụ nữ với nhau. Họ có vợ, nhưng đó là người được giữ ở nhà để chăm sóc con cái. Những người phụ nữ khác mà họ cặp kè thường được xem như chiến lợi phẩm", Pedro bổ sung.
Pedro cho biết bản thân đã chi trả tiền phẫu thuật thẩm mỹ cho hai phụ nữ. "Có thể một người quen sẽ nói với bạn: 'Tôi biết người này đang muốn sửa ngực, nâng mông hay sửa mũi. Cô ấy đang tìm kiếm một nhà tài trợ'. Nếu hứng thú, một người đàn ông sẽ chi tiền cho cô này", Pedro nói.
Khi đó, một thỏa thuận đã được giao kết giữa hai người. "Sau đó, người phụ nữ được tài trợ có thể nói: 'Được rồi, bây giờ cơ thể của tôi thuộc về anh trong 6 tháng nếu anh trả tiền cho cuộc phẫu thuật'", Pedro giải thích.
Những dạng giao ước tương tự không chỉ áp dụng cho chi phí phẫu thuật thẩm mỹ mà còn dành cho những tài sản giá trị khác như xe hơi, nhà đất, tiền mặt hoặc các món đồ xa xỉ. Ở bang Sinaloa, nơi sự nghèo đói hoành hành và cuộc sống bấp bênh với sự giao tranh của nhiều nhóm vũ trang, một "ông trùm" có thể cung cấp cho phụ nữ không chỉ cảm giác thoải mái về vật chất mà còn cả sự bảo vệ.
Sự an toàn là mục tiêu mà Carmen (không phải tên thật của nhân vật), một cô gái sinh sống ở thành phố Culiacan, tìm kiếm và cô đã thực hiện thỏa thuận với một tay buôn ma túy.
Carmen vốn có xuất thân từ một vùng nông thôn nghèo. Thuở bé, Carmen thường chật vật với sự đói nghèo và thiếu thốn. "Tôi muốn có một cuộc sống mà gia đình không thể cung cấp cho tôi sự vì nghèo đói. Vì vậy, lúc lên 16 tuổi, tôi bảo mẹ rằng tôi sẽ sống một mình. Tôi nhớ bà tôi đã nói: 'Nhưng con chỉ là một đứa trẻ, con sẽ làm gì?' và tôi đáp: "Con có tay có chân và con thông minh. Con có thể làm việc".
Carmen chuyển đến thành phố Culiacan và sống với một gia đình có liên quan đến hoạt động của các băng đảng. Tại đây, cô bị tấn công tình dục. Carmen sau đó gặp một người đàn ông mà cô nghĩ bản thân có thể trông cậy được.
"Anh ấy thấy tôi có vẻ rất sợ hãi nên đã cho tôi số điện thoại. Tôi thu hết can đảm để rời khỏi căn nhà đó và tìm cách liên lạc với anh ấy", Carmen kể lại. Mối quan hệ giữa hai người nhanh chóng chuyển hướng thành mối quan hệ tình dục.
Carmen chia sẻ: "Khi thấy tôi chỉ có một thân một mình ở Culiacan, anh ấy đã nhận làm người đỡ đầu cho tôi. Sau đó, tôi có thể đến bất kỳ đâu trong phạm vi Culiacan và vẫn cảm thấy an toàn tuyệt đối". Carmen không rõ người đàn ông này có mối quan hệ tương tự với bao nhiêu cô gái khác. Carmen đang phải chịu áp lực từ người đỡ đầu buộc cô phải phẫu thuật thẩm mỹ để biến đổi vóc dáng nhỏ nhắn của mình. Gần đây, Carmen đã cố gắng để tránh bị đưa đến phòng tư vấn phẫu thuật.
Nỗi ám ảnh về phẫu thuật thẩm mỹ của văn hóa băng đảng "narco" đã trở nên phổ biến ở bang Sinaloa. Các biển quảng cáo về bác sĩ phẫu thuật và dịch vụ của họ xuất hiện khắp thành phố Culiacan, đảm bảo với các khách hàng tiềm năng rằng họ có thể thanh toán bằng tín dụng nếu không có sẵn tiền mặt.
Janette Quintero, người điều hành một spa nhỏ và đã trải qua hơn 20 ca phẫu thuật, nói: "Tôi yêu việc phẫu thuật thẩm mỹ. Đối với phụ nữ, phẫu thuật là điều tuyệt vời nhất thế giới vì nó giúp bạn thay đổi những điểm không ưng ý trên cơ thể".
Maria Teresa Guerra, một luật sư đã dành nhiều thập kỷ đấu tranh cho phụ nữ ở Sinaloa, cho rằng, văn hóa "narco" đã truyền bá quan niệm sai trái và độc hại rằng phụ nữ là tài sản thuộc sở hữu của đàn ông. Bà Guerra tin rằng quan điểm này làm tăng nguy cơ phụ nữ bị bạo hành, từ cả người yêu của họ lẫn những băng đảng đối nghịch.
"Tôi từng biết nhiều phụ nữ muốn tách mình khỏi những gã buôn ma túy, nhưng vấn đề này rất phức tạp", luật sư Guerra nói. "Các nhà chức trách vẫn không muốn xử lý những bất cập trong nền văn hóa narco này. Họ thông đồng với các băng đảng tội phạm chứ không nghiêm túc triệt phá, họ che chở cho bọn "narco" chứ không bảo vệ phụ nữ".
Và một trong những hệ lụy khủng khiếp là, cho đến nay, số phụ nữ bị giết bởi súng đạn ở Sinaloa cao gấp đôi các bang khác ở Mexico, theo thống kê của BBC.