Vấn vương cảnh sắc Châu Trang

08/04/2017 - 09:00
"Thượng giới có thiên đàng, hạ giới có Tô Châu, giữa có Châu Trang", người Trung Hoa vẫn luôn tự hào như thế.
Từ Thượng Hải, tôi bắt chuyến xe sớm nhất đến Châu Trang (một thị trấn thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) vào buổi sáng sớm để tránh sự đông đúc của khách du lịch. Với tấm bản đồ trên tay, tôi bắt đầu len lỏi vào thị trấn. Ở đây có bản chỉ dẫn những địa điểm thăm quan bằng tiếng Anh và tiếng Trung nên tôi không gặp trở ngại gì.
Châu Trang được xây dựng từ năm 1086
Tôi gọi nơi đây là “cổ trấn” vì tuổi đời của Châu Trang đã gần 1.000 năm và nó là một thị trấn nhỏ nằm trong thành phố Châu Trang. Nơi này có tất cả những gì tiêu biểu cho một thị trấn thời xa xưa: Những cây cầu đá vắt ngang dòng kênh, những ngôi nhà cổ rêu phong tường trắng mái đen soi bóng xuống dòng kênh, những “chiếc đèn lồng đỏ treo cao” trước cửa mọi căn nhà. Thú vị nhất là những con thuyền gỗ nhẹ trôi trên làn nước trong xanh. Nhịp chèo khoan thai hòa cùng tiếng hát trong trẻo của các cô gái chèo thuyền mặc áo bông xanh, đội nón cối đã tạo nên sức quyến rõ khó cưỡng của nơi này.
Hình ảnh cây cầu đá cong cong là nét nổi bật của cổ trấn
1.000 năm trôi qua, vẻ đẹp cổ xưa của Châu Trang vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn và hoàn hảo với những cây cầu đá cong cong, những ngôi nhà gỗ lợp ngói, những con đường đá sạch bóng, những dãy nhà hàng có dây leo hồng lắt lẻo hoa, những dãy đèn lồng đỏ treo cao, những dãy hàng lưu niệm cùng các quán cà phê đậm phong cách đồng quê.

Bất chợt thấy một ông lão mặc bộ đồ từ thời xưa, tôi bèn sà vào chụp hình, ông vui vẻ để tôi chụp cùng. Thế đấy, người dân ở đây thân thiện và dễ mến. Phải chăng vì họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi nhịp sống vồn vã nơi đô thị, phải chăng việc sống trong một môi trường quá đỗi yên bình, thơ mộng cũng ảnh hưởng phần nào đến tính cách của họ?
Nơi thời gian như ngừng lại
Tôi dừng lại trước bến thuyền cho khách. Đi thuyền là một cách khác để thưởng ngoạn cổ trấn. Những người chèo thuyền luôn chào đón du khách với nụ cười thật tươi. Chỉ cần bỏ ra 50 nhân dân tệ (khoảng 150.000đ), bạn sẽ sở hữu cả một không gian trên thuyền. Còn gì thú vị hơn trong tiết trời thu mát mẻ, thưởng thức cảnh đẹp yên bình của những hàng liễu rủ xuống dòng sông, ngắm các quán trà nhộn nhịp du khách, những chiếc đèn lồng đỏ điểm xuyết trên bức tường vôi trắng.
Tác giả với ông lão mặc đồ từ thời xưa
Điều đặc biệt ở nơi đây là tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ vẫn giữ nguyên thói quen giặt giũ trên dòng sông. Tiếng đập quần áo mỗi sáng giống như tiếng gà gáy gọi mặt trời, đánh thức cả cổ trấn tỉnh dậy, đón chào một ngày mới.

Trong con phố cổ kính uốn lượn dọc theo dòng sông, mọi việc diễn ra đều tăm tắp và theo một trật tự bất thành văn và ngày nào cũng như ngày nào. Đứng giữa những con phố cổ kính ấy, tôi có cảm giác như mình đang trở lại với cổ trấn của vài trăm năm trước, đơn giản, u tịch và không vội vã.
Những người phụ nữ lớn tuổi ngồi khâu giày để bán
Những cây cầu được xây nối 2 bờ của dòng sông là nét đặc biệt của cổ trấn. Nổi bật nhất là cây cầu đá có tuổi đời bằng với khu thành cổ. Lang thang cả ngày trong cổ trấn, nhiều khi tôi cứ ngỡ như không gian này là của riêng mình. Mọi sinh hoạt trong cổ trấn đều bình lặng như thế. Không có tiếng huyên náo, không tiếng cãi cọ.

Những tác động của kinh doanh du lịch không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của những người dân nơi đây. Cửa hàng tàu hũ vẫn nghi ngút khói, của hàng gỗ với tiếng cưa cọt kẹt để cho ra những chiếc thùng gỗ xinh xinh, cửa hàng thư pháp với cô gái mặc sườn xám ngồi nắn nót nét chữ. Thi thoảng ở cuối những ngã 3, một vài bà, vài chị đang ngồi thêu những đôi giày đỏ bằng vải, vui vẻ mời chào du khách mua hàng.

Khu phố chỉ dành cho người đi xe đạp và đi bộ, không ồn ã, không cò cưa níu kéo khách. Bạn có thể tạt ngang tạt ngửa bất cứ cửa hàng nào để chọn mua những món quà lưu niệm.

Tôi ghé vào một tiệm ăn nhỏ gọi món mỳ hoành thánh và tào phớ. Mùi thơm lừng của món ăn cộng thêm cảnh sắc tuyệt đẹp như mời gọi tôi hãy quay lại đây lần nữa. Một Châu Trang cổ kính và nhiều điều lý thú để lại trong tôi bao vấn vương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm