pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy bình đẳng giới toàn cầu
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ
Bên lề Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị Phụ nữ (CSW) của Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (LHQ) mà Việt Nam đang tham dự, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam tại LHQ trong thúc đẩy bình đẳng giới toàn cầu.
Gần 400 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống trong tình trạng nghèo
Từ 10 đến 14/3/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự CSW 68 của Hội đồng kinh tế - xã hội LHQ.
Chia sẻ về Khóa họp CSW 68, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ cho rằng Khóa họp CSW 68 có ý nghĩa đặc biệt khi chuẩn bị đánh dấu 30 năm thực hiện Chương trình hành động Bắc Kinh 1995, thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), nhất là SDG 5 về đạt bình đẳng giới vào năm 2030.
Chủ đề của CSW 68 là "Thúc đẩy đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái thông qua giải quyết tình trạng nghèo đói, củng cố các thể chế và tài chính trên nhận thức về giới".
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, chủ đề năm nay rất thiết thực và có ý nghĩa trong bối cảnh quốc tế hiện nay với nhiều vấn đề, thách thức đặt ra cần được giải quyết để bảo đảm các quyền của phụ nữ và bình đẳng giới.
Phụ nữ phải đối mặt với tỷ lệ nghèo đói cao, thiếu tiếp cận đối với giáo dục, dịch vụ y tế, việc làm bền vững. Khoảng 388 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống trong tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2022. Việc giải quyết các rào cản cơ cấu và sự phân biệt đối xử làm kéo dài nghèo đói đối với phụ nữ là rất cấp bách.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và đẩy nhiều phụ nữ vào cảnh nghèo đói do tác động kinh tế. Trong khi đó, nguồn lực tài chính chưa được huy động đầy đủ để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trên toàn cầu.
Do đó, bằng cách giải quyết tình trạng nghèo đói thông qua lăng kính giới và củng cố các thể chế để đáp ứng nhu cầu về giới đồng thời tăng cường tài chính, CSW 68 năm nay dự kiến đề ra các biện pháp cụ thể, thiết thực để đẩy nhanh tiến bộ trong thực hiện nghị sự toàn cầu quan trọng này. Kết quả và khuyến nghị của các phiên họp CSW sẽ góp phần định hình các chính sách và chương trình ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, tham dự CSW 68, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có phát biểu chuyển tải thông điệp về đất nước Việt Nam hòa bình, chủ động hội nhập, coi trọng và thúc đẩy hợp tác đa phương; thể hiện cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của Việt Nam đối với việc bảo đảm bình đẳng giới và các quyền của phụ nữ, đề cao sự tham gia và đóng góp nhiều mặt của ta đối với lĩnh vực ưu tiên này.
Việt Nam là 1 trong số 10 quốc gia thực hiện tốt nhất SDG 5 về thúc đẩy bình đẳng giới
Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam tại LHQ trong thúc đẩy bình đẳng giới toàn cầu thời gian qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) vào 29/7/1980 và phê chuẩn vào 27/11/1981; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo thường xuyên cho Ủy ban Công ước.
Tại các diễn đàn của LHQ, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng các nước đóng góp xây dựng các khuôn khổ hợp tác, chuẩn mực chung toàn cầu về thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm bạn bè về cân bằng giới nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí công việc ở LHQ, nhất là các vị trí lãnh đạo.
Trong suốt quá trình đó, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực và có ý nghĩa trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp độ toàn cầu.
Như đối với Nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh của LHQ, trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Bảo an LHQ 2008-2009, Việt Nam đã chủ trì cuộc Thảo luận mở về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh, giới thiệu và vận động thông qua Nghị quyết số 1889 (tháng 10/2009) - nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an tập trung vào đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột. Kết nối với kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Bảo an LHQ lần 2 (2020-2021), Việt Nam và LHQ đã tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu thúc đẩy hành động đối với các cam kết toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh (tháng 12/2020) khi đảm nhiệm lần thứ hai thành viên Hội đồng Bảo an 2020-2021, qua đó thông qua Tuyên bố Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các nước thành viên LHQ.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn chủ động tăng cường tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, triển khai nhiều nữ quân nhân và cảnh sát làm việc tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ. Hiện Việt Nam là một trong những nước đi đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%); đồng thời phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ này lên 20%.
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cũng vừa thông qua Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 – 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể thể như tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hoà bình, an ninh quốc tế.
Những nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động. Cụ thể, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,3%; tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 59%; tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp đạt 28,2%; tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt 28%. Đặc biệt, Việt Nam có Chỉ số phát triển con người của nam và nữ gần như ngang nhau; phụ nữ có thu nhập bằng 81,4% thu nhập ước tính của nam giới.