Việt Nam nằm trong chu kỳ có nguy cơ bùng phát dịch sởi

Anh Đào
19/03/2024 - 18:46
Việt Nam nằm trong chu kỳ có nguy cơ bùng phát dịch sởi

Tiêm phòng vaccine sởi cho học sinh. Ảnh: Trung tâm KSBT Bến Tre

Tại Việt Nam, năm 2024 là năm nằm trong chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới trong bối cảnh số ca mắc gia tăng ở nhiều khu vực. 

Theo đó, số ca mắc bệnh năm 2023 ghi nhận tại châu Âu là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Còn tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm sởi. 

Đợt dịch sởi bùng phát gần đây nhất tại Việt Nam là vào năm 2014 có tới hơn 7.000 trẻ mắc bệnh trong trận dịch trên với hơn 100 ca tử vong. Nguyên nhân tái phát dịch là việc tiêm vaccine chưa được thực hiện đầy đủ.

Thống kê của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay, ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, ngày 19/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vaccine để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Cảnh giác với biến chứng do sởi

Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản - phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi bị sởi. Biến chứng nguy hiểm nhất do sởi là viêm não - màng não. Lúc này, bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, co giật, thậm chí gây liệt, rối loạn cơ vòng (đại, tiểu tiện không tự chủ) do tổn thương tủy sống. Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt. Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng với mục đích vừa phòng bệnh cho trẻ vừa tạo miễn dịch bền vững để khi thế hệ này trưởng thành, đến tuổi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con (nữ giới). Vì vậy, khi trẻ đến độ tuổi tiêm phòng sởi (sẽ được phòng y tế, trạm y tế phường, quận phổ biến), cần cho trẻ đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Những trẻ nào đã bỏ sót hoặc quên tiêm phòng sởi, phụ huynh cần cho đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm