pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vietnam Airlines tiếp tục "bay cao" trước tín hiệu "thoát nạn" hủy niêm yết
Vietnam Airlines tiếp tục "bay cao" trước tín hiệu "thoát nạn" hủy niêm yết. Ảnh minh họa
Theo thông báo mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), UBCKNN sẽ lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Nội dung của dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán được công bố, tại điều 120 của Nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".
Thời gian đăng tải ý kiến đến hết ngày 5/1/2024.
Theo khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Sau khi công bố báo cáo tài chính năm 2022 của Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN, HOSE) được kiểm toán và tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên, cổ phiếu HVN được đưa ra khỏi diện cảnh báo.
Nhưng do vi phạm các điều kiện: thua lỗ 3 năm liên tiếp, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sổ hữu âm, HVN đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Trước dịch Covid-19, Vietnam Airlines là một trong các doanh nghiệp đứng đầu top doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và minh bạch tài chính trên sàn HOSE.
Do vậy, quy định mới đang được dự thảo bổ sung, được coi là “một tia hy vọng” cho Vietnam Airlines được tiếp tục duy trì tại sàn.
Ngay sau khi đón nhận thông tin này, cổ phiếu HVN nhanh chóng tăng trần trong phiên thứ 2 đầu năm mới, tăng gần 7%, đạt mức giá 13.100 đồng/cp. Trước đó khoảng một tuần, HVN từng tăng trần khi được đưa ra khỏi diện cảnh báo.
Được biết, cơ cấu cổ đông của HVN có tới 55,2% là cổ đông nhà nước đến từ vốn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Ngoài ra, vốn từ Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước chiếm tỷ lể 31,14%. Như vậy, Vietnam Airlines có tới 86,34% đến từ vốn Nhà nước.
Kết quả kinh doanh quý 3/2023, HVN tiếp tục tăng trưởng lùi khi lỗ 2,2 nghìn tỷ đồng mặc cho doanh thu có tăng 11,7% so với cùng kỳ, cán mốc 23,8 nghìn tỷ đồng.
Tổng 9 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia thu về 68,1 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 32,5% so với cùng kỳ, nhưng HVN vẫn lỗ với lợi nhuận là âm 3,5 nghìn tỷ đồng. Điều này làm tăng nguy cơ HVN sẽ tiếp tục lỗ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu tính đến hết tháng 9/2023 đang âm gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4 tỷ so với thời điểm đầu năm.
Trước khả năng cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines, cho rằng, tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa lớn trên sàn HOSE, có tài chính lành mạnh trước khi Covid-19 xảy ra. Yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch ập đến khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới lao đao, không chỉ riêng Vietnam Airlines.
Ông Hiền cũng khẳng định hãng hàng không quốc gia đang có nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả của Covid-19. Từ năm 2024 trở đi công ty có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng hủy niêm yết của HVN.