Vĩnh Phúc: Nguyên nhân nhiều hộ dân ở Vĩnh Thịnh phải ngậm ngùi dùng nước giếng khoan

Nguyễn Long
04/06/2024 - 18:04
Vĩnh Phúc: Nguyên nhân nhiều hộ dân ở Vĩnh Thịnh phải ngậm ngùi dùng nước giếng khoan

Cho rằng mức tiền cọc cao nên bà Hoàng Thị Tỉnh đã quay lại sử dụng nước giếng khoan

Đã nhiều tháng nay, câu chuyện nước sạch tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn là chủ đề “nóng” khi nhiều hộ dân trong xã chưa tìm được tiếng nói chung với phía đơn vị cung cấp nước về khoản tiền cọc để được sử dụng nước.
Đi vay để đặt cọc tiền nước

Bà Đào Thị Lành (70 tuổi, hiện sống tại thôn Liễu, xã Vĩnh Thịnh), cho biết, khi biết địa phương có nước sạch, bà rất phấn khởi và đăng ký sử dụng. Khi lắp đặt đồng hồ nước và đường ống, phía Công ty cổ phần Xây dựng Procons - Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng (Dự án cấp nước sạch cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc), sau đây gọi tắt là Công ty Procons, thu của mỗi hộ gia đình 800 nghìn đồng. 

Số tiền này phía Công ty cho biết là tiền đặt cọc và sẽ trừ 50% vào tiền nước hàng tháng. Tức là nếu sử dụng hết 100 nghìn đồng/tháng thì khách hàng chỉ phải nộp 50 nghìn, 50 nghìn đồng còn lại được trừ vào số tiền đặt cọc. "Tuy nhiên, mới đây, họ thông báo sẽ thu thêm của mỗi hộ 2,2 triệu đồng tiền cọc (tổng là 3 triệu đồng-PV). Nếu hộ nào không đóng thì họ sẽ cắt nước", bà Lành nói.

Người phụ nữ 70 tuổi này cho biết, hoàn cảnh của bà rất khó khăn. Bà sống một mình nên sử dụng nước rất ít. Theo bà Lành, việc đóng 3 triệu đồng tiền cọc để trừ dần là không hợp lý. Bà đã đề nghị phía công ty cho bà dùng tháng nào đóng tiền tháng đó nhưng họ không đồng ý.

Sau đó, bà Lành vay được 1 triệu đồng và muốn đặt cọc để sử dụng nước. Mặc dù phía Công ty Procons chưa cắt nước của hộ bà Lành nhưng người phụ nữ này vẫn không khỏi lo lắng bởi thái độ cứng rắn từ phía Công ty Procons. Nếu bà không xoay đủ 2,2 triệu đồng để cọc thêm thì sớm muộn cũng sẽ bị công ty cắt nước.

Cần sớm tháo gỡ “nút thắt” trong câu chuyện 
nước sạch tại Vĩnh Thịnh- Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Vượng, Trưởng thôn Liễu và bà Đào Thị Lành

Tính đến nay, bà Lành đã sử dụng nước sạch được tròn 10 tháng nhưng mới dùng hết 27m3, tính ra mỗi tháng bà Lành tiêu thụ chưa đến 3m3. Nếu nhân với giá 8.500 đồng/m3 thì bà Lành phải dùng nước đến năm 90 tuổi mới hết 3 triệu đồng tiền cọc. Bài toán này cũng là một phần lý do khiến bà Lành không đồng ý nộp thêm 2,2 triệu tiền cọc.

Ngậm ngùi dùng nước giếng khoan

Bà Hoàng Thị Tỉnh (70 tuổi), cùng trú ở thôn Liễu, cho biết, từ khi phía Công ty Procons thông báo sẽ thu thêm 2,2 triệu đồng tiền cọc, bà đã không sử dụng nước máy nữa mà quay về sử dụng nước mưa, nước giếng khoan. 

"Tôi không đồng ý đóng thêm 2,2 triệu đồng tiền cọc. Chẳng biết họ đã cắt nước của nhà tôi chưa nhưng tôi chủ động không dùng nước máy nữa để phản đối. Tôi vừa đi mua than hoạt tính để về lọc nước giếng khoan", vừa nói bà Tỉnh vừa chỉ tay vào túi than hoạt tính đang nằm trong giỏ xe đạp. 

Bà Tỉnh cho rằng, việc Công ty Procons thu 800 nghìn đồng tiền cọc vào đợt 1 để lắp đặt đồng hồ và đường ống dẫn nước, người dân nơi đây thấy hợp lý. Tuy nhiên, khi họ thông báo thu thêm 2,2 triệu đồng thì rất nhiều người phản đối vì cho rằng mức cọc như vậy là quá cao. 

"Ở thôn này, nhiều gia đình đã không sử dụng nước máy mà họ quay lại sử dụng nước mưa và nước giếng khoan. Đồng hồ nước đã lắp vẫn còn, phía công ty muốn đến tháo đi lúc nào cũng được, chúng tôi không tiếc. Chúng tôi rất cần nước sạch sinh hoạt nhưng với mức tiền như vậy, chúng tôi không chấp nhận", bà Tỉnh cho hay.

Cần sớm tháo gỡ “nút thắt” trong câu chuyện 
nước sạch tại Vĩnh Thịnh- Ảnh 2.

Bà Đào Thị Lành sử dụng nước từ tháng 8/2023 đến tháng 5/2024 mới hết 27m3

Ông Vũ Văn Vượng, Trưởng thôn Liễu, cho biết, thôn Liễu có 140 hộ, trong đó có 128 hộ đã đăng ký sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, từ khi phía công ty thông báo thu thêm 2,2 triệu đồng tiền cọc thì chỉ có 90 hộ đồng ý nộp, còn 38 hộ không đồng ý. 

Ông Vượng cho biết: "Những hộ gia đình không đồng ý nộp thêm 2,2 triệu chủ yếu là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà có điều kiện về kinh tế nhưng họ không đồng ý nộp thêm tiền cọc".

Chỉ nộp cọc khi chính quyền đứng ra bảo lãnh

Chị Nguyễn Thị Linh (ở thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh) cho biết, tất cả người dân thôn An Lão đều có nhu cầu sử dụng nước sạch và họ đã đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, khi phía công ty thông báo sẽ thu thêm 2,2 triệu tiền cọc thì có 90/200 hộ không đồng ý nộp. 

"Chúng tôi chỉ đồng ý nộp tiền khi chính quyền xã đứng ra bảo lãnh, ký và đóng dấu vào biên bản thỏa thuận 3 bên. Bởi lẽ, Công ty Procons mới hoạt động trong lĩnh vực nước sạch, chúng tôi không biết tiềm lực, uy tín của họ ra sao. Nếu người dân đóng 3 triệu tiền cọc xong, vài tháng sau, công ty gặp vấn đề gì không thể cung cấp nước sạch nữa thì ai là người chịu trách nhiệm với số tiền chúng tôi đã cọc?", chị Linh bày tỏ.

Chị Linh được người dân trong thôn An Lão cử làm đại diện dự cuộc đối thoại với Công ty Procons về vấn đề tiền cọc do UBND xã Vĩnh Thịnh tổ chức vào chiều ngày 14/5 vừa qua. Cuộc đối thoại này do ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Vĩnh Thịnh, điều hành. 

Trao đổi với PV Báo PNVN ngay sau khi kết thúc buổi đối thoại, ông Khánh cho biết, nhiều người dân thôn Liễu cho rằng, mức cọc 3 triệu đồng là quá cao. Những hộ chưa đóng thêm khoản 2,2 triệu đồng đã đề nghị phía công ty hạ mức cọc xuống. Trong khi đó, người dân thôn An Lão bày tỏ sẵn sàng đóng thêm 2,2 triệu đồng tiền cọc với điều kiện UBND xã phải đứng ra bảo lãnh. 

"Sở dĩ người dân thôn An Lão muốn UBND xã phải đứng ra bảo lãnh là do họ lo sợ nhỡ phía công ty cung cấp nước sạch gặp vấn đề gì, không cung cấp được cho họ nữa thì người dân sẽ mất cọc và không biết kêu ai. Họ nói họ không tin doanh nghiệp mà chỉ tin vào chính quyền. Về đề nghị này của người dân, chúng tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp trên", ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho biết, mấy tháng qua, nhiều hộ dân trong xã và phía Công ty Procons vẫn chưa đạt được thỏa thuận về mức tiền cọc. 

"Có hộ dân không đồng ý nộp thêm 2,2 triệu đồng tiền cọc, phía công ty đến tháo dỡ đồng hồ thì gặp phải phản ứng gay gắt từ phía người dân. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết sớm vấn đề này, tránh mâu thuẫn bị đẩy lên cao, gây mất an ninh trật tự địa phương", ông Xuân cho hay.

Theo ông Xuân, việc Công ty Procons thu 3 triệu đồng tiền cọc (bao gồm 800 nghìn đồng vào đợt 1 để lắp đặt đồng hồ và 2,2 triệu tiền cọc vào đợt 2) là do phía công ty tự thỏa thuận với người dân. Chính quyền xã không nhất trí với cách làm này. 

Ngay từ đầu, chính quyền xã đã đề xuất đối với những hộ có 1 người, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… thì doanh nghiệp linh hoạt xử lý, không nhất thiết phải thu 3 triệu đồng như những hộ bình thường khác. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp chưa áp dụng việc này.

Phía doanh nghiệp nói gì?

Ông Nguyễn Hải Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Procons - Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng, cho biết, theo biên bản thỏa thuận giữa nhà máy và người dân, nhà máy thu 800 nghìn tiền đặt cọc và lắp đặt đồng hồ. Sau khi người dân dùng nước sẽ thu tiếp 2,2 triệu đồng. 

Tuy nhiên, khi phía công ty đến thu 2,2 triệu thì nhiều hộ dân không nộp. "Do họ không thực hiện theo thỏa thuận, nhà máy đã đề nghị trả lại 800 nghìn cọc lúc đầu, miễn phí tiền nước sử dụng từ tháng 8/2023 đến tháng 5/2024 để thu hồi lại đồng hồ. Nhưng khi nhân viên của Công ty xuống khóa nước để thu hồi đồng hồ thì họ ngăn cản", ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, tại cuộc đối thoại với người dân vào chiều 14/5/2024, một số hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người neo đơn… đã đề nghị được dùng tháng nào đóng tiền tháng đó, phía doanh nghiệp đồng ý với đề nghị này với điều kiện danh sách này phải do UBND xã xác nhận và gửi tới Công ty.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm