Vợ chồng ở hai đầu chiến tuyến

22/08/2015 - 20:15
Mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con dễ khiến cho người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi, gia đình bất hòa, những đứa trẻ khó có thể phát triển một cách toàn diện.
                                  Vợ chồng không thống nhất được cách dạy con sẽ khiến gia đình luôn bất hòa (Ảnh minh họa)
Trong khi bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng kêu ca, than phiền về việc các ông chồng không quan tâm đến con, không có kiến thức gì về việc nuôi dạy con thì Vy chỉ im lặng. Cô không biết nói sao vì trong mắt mọi người, chồng Vy đúng là “ông bố pờ rồ”. Anh rất yêu con, quan tâm đến con và chủ động tích lũy được khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con. Tuy nhiên, cũng chính bởi điều đó mà đã không ít lần Vy và chồng cãi nhau, vì người nào cũng cho rằng cách dạy con của mình mới là đúng.
Vy thường quan tâm, chú ý nhiều đến đặc tính tâm lý, sở thích và sức khỏe của bé. Những ngày con bị ốm, mệt, cô có thể chiều theo những món ăn bé thích, dù nó ít chất dinh dưỡng. Chồng Vy thì ngược lại. Anh căn cứ vào những tiêu chí như “đảm bảo sức khỏe, đủ chất” để yêu cầu vợ phải cho con ăn cho đủ khẩu phần.
Khi con bị cảm cúm, sốt, ra nhiều mồ hôi, Vy sẽ chọn cách dùng khăn nhúng nước ấm để lau người cho con, còn chồng Vy thì không cho vợ làm điều đó. Theo anh, bé bị ốm như thế là chuyện đương nhiên, thường xảy ra với các đứa trẻ. Vì vậy, cứ nhúng toàn bộ người con vào nước, để cơ thể bé tập làm quen với “môi trường khắc nghiệt” và qua đó sẽ nâng cao được sức đề kháng?!
Lúc tính chuyện cho con đi học mẫu giáo, Vy giữ quan điểm bước đầu nên để bé học ở trường tư hiện đại, tiện nghi, lại gần nhà. Ở đấy, mỗi lớp học chỉ có chừng hơn 10 bé và các giáo viên có điều kiện quan tâm, chăm sóc, ưu ái con mình nhiều hơn, bé sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa, dễ hòa nhập với môi trường mới. Song, chồng Vy khăng khăng giữ quan điểm: “Phải dạy con tự lập”. Anh dứt khoát cho con học ở trường công, nơi mà một lớp học có tới 50- 60 bé và các giáo viên hầu như không có nhiều thời gian để chăm sóc riêng từng bé. Anh cho rằng việc để trẻ thích nghi với một môi trường đông đúc, có sự cạnh tranh như vậy sẽ giúp bé sớm được tôi luyện những kỹ năng hòa nhập, chấp nhận hoàn cảnh và học khả năng “tự thích nghi”.
Vào ngày nghỉ, bé luôn có nhu cầu ngủ dậy muộn, muốn được nghỉ ngơi, vui chơi. Vy nghĩ con đi học cả tuần rồi thì hôm ấy nên để bé được thư giãn. Thế nhưng chồng Vy thì lại duy trì thói quen gọi con dậy sớm, rồi đưa bé ra đường sớm để cha con đi bộ, đi tập thể dục cùng nhau. Theo anh, như vậy là để giúp bé được rèn luyện sức khỏe, khả năng chịu đựng…
Trong cách dạy con về lời ăn tiếng nói, Vy chú ý nhiều đến việc nhắc con cần phải nói năng ngoan ngoãn, lễ phép. Cô thường nhắc con cần phải “vâng, ạ, dạ, thưa”. Với chồng Vy, cách dạy con của vợ như vậy là chưa đúng. Theo anh, hãy cứ để trẻ được tự do thể hiện những gì trẻ nghĩ, trẻ muốn nói ra bằng thứ ngôn ngữ mà nó thích. Mặc dù có thể hơi khó nghe, có thể là “chưa ngoan” theo chuẩn chung nhưng ngược lại, sẽ luôn kích thích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ một cách sáng tạo, cá tính và đa dạng.
Khi bố mẹ có những quan điểm, cách dạy con mâu thuẫn như vậy, Vy nhận thấy bé con như bị mất phương hướng. Bé thường không biết nên nghe theo lời bố hay làm theo cách của mẹ. Vợ chồng Vy cũng hay bị rơi vào tình trạng chê bai, công kích cách dạy con của nhau, rồi tự ái, giận nhau cả tuần liền không trò chuyện. Một lần, chứng kiến cảnh vợ chồng Vy hục hoặc với nhau trong cách dạy con, mẹ Vy đã phải lên tiếng nhắc nhở: “Vợ chồng cứ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong cách dạy con thì sẽ chỉ khiến gia đình luôn bất hòa và đứa con khó có thể phát triển một cách toàn diện được”. Vy nghe xong, “giật mình” và tự nhủ sẽ sớm bàn với chồng để tìm tiếng nói chung trong cách chăm sóc và dạy con.

Thống nhất cách nuôi dạy con
- Vợ chồng không nên công kích, lên án nhau hoặc giữ thái độ cực đoan khi nuôi dạy con.
- Nếu người này thấy người kia có cách làm, cách dạy con chưa đúng thì có thể góp ý với tinh thần xây dựng.
- Tuyệt đối tránh mâu thuẫn, xung đột với nhau ngay trước mặt con.
- Cùng bàn bạc để tìm ra được những phương pháp dạy con cách thống nhất dựa trên tình yêu thương con và tôn trọng lẫn nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm