Vô cớ bị bà nội tát bôm bốp khi đang ngủ, con gái gọi điện cho mẹ cầu cứu

Gia Linh
14/12/2020 - 21:50
Vô cớ bị bà nội tát bôm bốp khi đang ngủ, con gái gọi điện cho mẹ cầu cứu

Ảnh minh hoạ

Đang ở cơ quan, con gái lớp 7 gọi điện cho tôi khóc thút thít cầu cứu: Mẹ ơi, con đang ngủ thì bị bà tát bốp vào mặt rất đau. Bà tưởng con bị đồng tính nên bà cứ thế lao vào đánh con mà không hỏi con xem có chuyện gì xảy ra.

Con gái tôi vừa khóc vừa chia sẻ, bà vào messenger của con và thấy con xưng hô vợ - chồng với bạn gái cùng lớp nên nghĩ ngay đến chuyện cháu gái bị đồng tính. Sau khi bị tát, con đã giải thích với bà là chuyện đó không phải như bà nghĩ, việc xưng hô vợ - chồng, bố mẹ - con cái... với các bạn cùng lớp là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, bà vẫn không tin, bà vẫn nằng nặc cho rằng cháu gái đang có vấn đề về giới tính. Và bà phải trừng phạt, phải đánh cháu để cháu sợ mà không "hư hỏng". Trong mắt của bà, những người có vấn đề về giới tính là hư hỏng, là đua đòi...

Đây không phải là lần đầu tiên bà trừng phạt, đánh chửi cháu khiến cháu phải gọi điện cho mẹ cầu cứu. Bà luôn mang cách dạy ngày trước của mình để dạy cháu. Bà cho rằng, nếu cứ nuông chiều bọn trẻ thì sẽ không bao giờ dạy dỗ được chúng nên người. Phải nghiêm khắc thì trẻ mới sợ. Ngay từ đầu, không cần biết chuyện gì xảy ra, chỉ cần người lớn có "cái oai" của mình bằng việc trừng phạt, la mắng trẻ thì trẻ sẽ không bao giờ dám phạm lỗi.

Với quan điểm dạy trẻ như vậy nên chồng tôi cũng bị ảnh hưởng việc dạy con từ bà. Chỉ cần phát hiện con nói dối, chỉ cần con vi phạm nội quy của nhà trường như đi học muộn, không mặc đồng phục thì không cần tìm hiểu nguyên nhân, anh cũng đánh đập, chửi mắng con. Nhìn thấy cô con gái lúc nào cũng căng thẳng, sợ hãi vì sợ bà và ba đánh, tôi xót xa vô cùng. Họ đánh con, cháu để xả cơn tức giận của mình mà không biết con sẽ phải chịu những hậu quả ra sao.

* TS Cherry Vũ (New Zealand): Chúng ta đều muốn nuôi dạy một đứa trẻ có đạo đức, muốn chúng làm những điều đúng đắn nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng hình phạt là thứ giúp con người quyết định làm điều đúng. Vì vậy, nếu chúng ta không trừng phạt con mình, chúng sẽ làm điều sai trái. Đó là sự nhầm lẫn về bản chất của con người.

TS Laura Markham Ph.D (Mỹ) đã tổng kết những điều sau dựa vào nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ bị trừng phạt ít có khả năng đưa ra những lựa chọn đạo đức tích cực hơn. Sự trừng phạt khiến đứa trẻ cảm thấy mình là người xấu, điều này luôn là một lời tiên tri tự ứng nghiệm, vì vậy, trẻ có nhiều khả năng lặp lại hành vi xấu.

Sự trừng phạt làm xói mòn mối quan hệ của cha mẹ với với con, khiến chúng không quan tâm tới việc làm hài lòng cha mẹ. Càng cảm thấy mất kết nối với cha mẹ, thì hành vi của chúng càng tệ hơn. Hình phạt khiến trẻ ức chế, những cảm xúc đó chỉ bị dồn nén xuống và nó muốn lặp lại hành vi sai trái. Sự trừng phạt khiến trẻ chỉ coi thường bản thân và đổ lỗi cho người khác, thay vì quan tâm đến hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

TS Laura Markham cũng nêu một nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh lớp 7 bị cha mẹ nuôi dạy bằng hình phạt, kém phát triển về mặt đạo đức hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Sau khi học cách làm đúng những gì cha mẹ bảo để tránh mất đi tình yêu thương của họ, trẻ có xu hướng chỉ áp dụng các quy tắc theo kiểu cứng nhắc.

Theo TS Cherry Vũ, để có thể hướng con tới những hành vi tốt mà không cần trừng phạt, việc đầu tiên là bố mẹ phải điều tiết được cảm xúc bản thân, hãy giúp con tự giúp mình, đặt giới hạn với sự cảm thông, hướng dẫn bằng yêu thương để con sửa những vấn đề mình gây ra, dùng ngôn ngữ tích cực, kết nối với con mỗi ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm