Vụ pate nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum: Người mua không thể nhận biết và phát hiện được

Linh Trần
01/09/2020 - 22:27
Vụ pate nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum: Người mua không thể nhận biết và phát hiện được

Bệnh nhân nhiễm độc do ăn Pate Minh Chay đang đang được điều trị tại BV Bạch Mai (ảnh: Linh Trần)

"Nếu mua bán online, không ai biết được sản phẩm có nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum hay không. Thậm chí, là mua bán trực tiếp thì cả người mua và người bán cũng không thể phát hiện được sản phẩm nhiễm khuẩn  bởi vì thực phẩm đóng trong hộp kín" - PGS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Liên quan đến vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay, trao đổi với PNVN, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn kỵ khí. Tức vi khuẩn này sống trong môi trường không khí thì không phát triển. Ngược lại, trong môi trường không có không khí thì vi khuẩn phát triển mạnh và sinh ra độc tố. 

Vì thế, dù thực phẩm nhiễm vi khuẩn nhưng túi hở hoặc không đóng gói thì vi khuẩn không phát triển, không sinh ra độc tố. Nếu thực phẩm nhiễm khuẩn và được đóng túi hút chân không thì vi khuẩn càng phát triển. Khi đó, nếu ăn phải thực phẩm nhiễm Clostridium Botulinum, người tiêu dùng vừa ăn phải vi sinh vật vừa ăn phải vỉ độc tố do nó sinh ra.

Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, thông thường vi khuẩn Clostridium Botulinum sống trong môi trường đất, nước. Nếu môi trường, điều kiện sản xuất của cơ sở pate kém, vi khuẩn sẽ nhiễm vào sản phẩm thông qua quần áo, giày dép công nhân. Ngay cả nguyên liệu không làm sạch thì cũng có thể nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Tuy nhiên, dù nhiễm Clostridium Botulinum, nhưng khi đó thực phẩm đang hở, tức có không khí thì vi khuẩn không phát triển, không sinh ra độc tố. Lúc này, nếu cơ sở sản xuất hấp chín pate trong trong gian vừa đủ thì vi khuẩn sẽ chết. Thông thương, bất kỳ sản phẩm pate chay bao giờ cũng phải hấp chín rồi mới đóng hộp. 

Tuy nhiên, có thể cơ sở này hấp nhưng ở nhiệt độ thấp,  trong thời gian ngắn rồi vội làm nguội, đóng hộp sản phẩm. Lúc này, vi khuẩn Clostridium Botulinum chưa chết, vào trong môi trường chân không sẽ có điều kiện phát triển. Hơn nữa, sản phẩm bán đi khắp nơi, phải lưu thông trong thời gian dài nên vi khuẩn có thể sinh ra độc.

Cũng theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, độc tố của Clostridium Botulinum tác động gây tê liệt dây thần kinh vận động, làm bệnh nhân sụp mí, méo mồm, không thể cử động được. Thậm chí, những trường hợp nặng sẽ không thở được dẫn tới tử vong.

GS. Thịnh khẳng định, nếu mua bán online, không ai biết được sản phẩm có nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum hay không. Thậm chí, là mua bán trực tiếp thì cả người mua và người bán cũng không thể phát hiện được sản phẩm nhiễm khuẩn bởi thực phẩm đóng trong hộp kín.

Thông thường, con người muốn nhận biết sản phẩm có vấn đề hay không phải thông qua các giác quan. Ví như, thịt lợn nhợt, có mùi hôi thì người mua cảm nhận bằng mắt, mũi. Tuy nhiên, với thực phẩm đóng hộp thì con người không nhìn nhận bằng giác quan được.

Trong một số trường hợp, một số đồ đóng hộp bị phồng lên thì con người có thể nhận biết được, từ đó đưa ra nhận định sản phẩm có an toàn hay không. Tuy nhiên, vi khuẩn này sinh sôi và phát triển trong điều kiện không có không khí, hộp không bị căng phồng nên khó nhận biết được. Đặc biệt, mua bán online càng không thể nhận biết được, cả người mua và bán như "mua mèo trong bị", PGS. Thịnh nói.

PGS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên mua sản phẩm trực tiếp, khi đó mới nhận biết được một phần sản phẩm. Tốt nhất, người tiêu dùng nên mua những sản phẩm có thương hiệu, đã được kiểm tra, kiểm định của cơ quan chức năng. Với những sản phẩm mới mà mình chưa từng sử dụng cần phải tham khảo ý kiến người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm