Vun đắp giá trị gia đình - nhận diện và giải pháp

PV
28/06/2021 - 06:00
Vun đắp giá trị gia đình - nhận diện và giải pháp

Gia đình diễn viên Văn Anh - Tú Vi

Giữ gìn, phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một trong những nội dung của văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là định hướng quan trọng việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam.
Gia đình Việt Nam đang có sự biến đổi sâu sắc

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng không chỉ đặt ra vấn đề đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam mà còn nhấn mạnh và làm rõ hơn yêu cầu về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam là nhận thức mới. Ở đây, hệ giá trị gia đình được đặt vào vị thế quan trọng như vốn có: Gia đình là nơi lưu giữ các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, là môi trường giáo dục đầu tiên định hướng tính cách con người.

Để góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về gia đình Việt Nam. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các giá trị gia đình Việt Nam; nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm của Hội LHPN Việt Nam; đồng thời, đề xuất, gợi ý các phong trào, cuộc vận động về gia đình với những tiêu chí cụ thể phù hợp để triển khai thời gian tới.

Theo Ban tổ chức, hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, quản lý, xây dựng chính sách, hoạt động thực tiễn, quy tụ được sự thảo luận từ cả góc độ khoa học và thực tiễn. 52 bài viết của các tác giả đã đề cập đến các chiều cạnh khác nhau của giá trị gia đình cả về mặt khái niệm, lí luận, phương pháp và những giá trị thực tiễn thông qua các khuyến nghị chính sách dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học tin cậy. Nội dung đề cập đến các giá trị gia đình Việt Nam, từ các giá trị gia đình truyền thống đến hiện đại, từ các giá trị gia đình chung, đến các giá trị của nhóm gia đình cụ thể, từ bàn luận các vấn đề lí luận đến thực tiễn của các lĩnh vực giá trị gia đình, như giá trị hôn nhân, con cái, quan hệ gia đình, giáo dục gia đình, kinh tế hộ, các vấn đề tâm lý, tình cảm của gia đình.

Vun đắp giá trị gia đình - nhận diện và giải pháp - Ảnh 1.

Gia đình ca sĩ Thu Thủy - Kin Nguyễn

Nhiều tác giả khẳng định, gia đình Việt Nam đang có sự biến đổi sâu sắc về cấu trúc và quy mô, chức năng, thang giá trị gia đình, mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và các thiết chế xã hội khác. Điều này đặt ra những yêu cầu đối với việc nghiên cứu, xác định và triển khai gắn với giữ gìn, phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, như định hướng của Đảng tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

4 nhóm giá trị gia đình cần quan tâm

Các biểu hiện của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống luật pháp, chính sách đến việc hình thành các giá trị và quan niệm mới của gia đình. Bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị... Theo đó, thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước. Bởi vậy, 4 giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới là: An toàn, Thịnh vượng, Bình đẳng, Trách nhiệm.

Đối với Hội LHPN Việt Nam, việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội là đặc biệt quan trọng. Bởi vì từ đó, Hội mới xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây chính là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Hôm nay, 28/6, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia "Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị Gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của gần 300 đại biểu bao gồm đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực gia đình và giới; Hội LHPN 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm