Vướng mắc trong đảm bảo quyền lợi BHXH cho lao động do chủ bỏ trốn

24/04/2018 - 23:15
Tổng số nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của người lao động lên tới 12 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn vướng về hướng xử lý và nguồn tài chính để đảm bảo quyền lợi BHXH cho người lao động có chủ sử dụng bỏ trốn.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát vấn đề thực thi chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2017 với Bộ LĐ-TB&XH, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới vấn đề nợ đọng BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, phá sản, giải thể.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt câu hỏi: Tại sao đến nay chưa ban hành văn bản hướng dẫn về xử lý nợ đọng BHXH của người lao động do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể, phá sản, theo quy định tại khoản 7 điều 10 Luật BHXH năm 2014? Và khi nào thì có hướng dẫn?

Tình trạng nợ BHXH do chủ sử dụng bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, giải thể gây rất nhiều thiệt thòi cho người lao động. Ảnh minh họa

 

Đặc biệt, vụ việc gần đây nhất, chủ sử dụng người Hàn Quốc của Công ty TNHH KL Texwell Vina (Đồng Nai) bỏ trốn, nợ BHXH hơn 17,5 tỷ đồng của người lao động. Vụ việc khiến 1.900 công nhân công ty này gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, không được đảm bảo quyền lợi.

Về vấn đề xử lý nợ đọng BHXH do chủ sử dụng bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, giải thể, theo quy định tại Khoản 7, Điều 10, Luật BHXH 2014, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động.

Về vấn đề hướng dẫn xử lý nợ đọng BHXH, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết trên thực tế nảy sinh 2 vấn đề: Thứ nhất là chưa thống nhất được về nguồn tài chính để xử lý; cụ thể là nguồn tài chính lấy từ lãi của Quỹ BHXH để giải quyết cho người lao động bị rủi ro, bị nợ BHXH, hay là lấy nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước. “Nếu theo nguyên tắc đóng - hưởng thì không thể lấy nguồn tài chính từ Ngân sách”, ông Dung nêu quan điểm.

Thứ 2, là thẩm quyền quyết định lấy nguồn ngân sách nói trên thuộc về ai? Theo ông Đào Ngọc Dung, trong văn bản pháp luật không quy định cụ thể thẩm quyền quyết định lấy nguồn tài chính nào để giải quyết cho người lao động bị rủi ro. “Vấn đề này vượt thẩm quyền của Chính phủ; mà phải báo cáo Thường vụ Quốc hội cho ý kiến”.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu

 

Ông Đào Ngọc Dung lấy ví dụ thực tế từ vụ việc chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc ở Đồng Nai vừa qua “xử lý rất khó vì chưa có quy định”. Qua đó, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề xuất phương án lấy nguồn tiền từ lãi của Quỹ BHXH và nguồn tiền phạt chậm nộp BHXH của doanh nghiệp để chi cho công nhân gặp rủi ro vì chủ doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, phá sản.

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH vẫn gia tăng về số tuyệt đối. Đến nay tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 12.960 tỷ đồng. Trong tổng số nợ này, thì nợ BHXH khoảng 10.000 tỷ đồng, nợ BHYT khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Chỉ tính riêng doanh nghiệp, cả nước hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp "mất tích", với nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đánh giá số nợ này rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi. Trong đó, đến hết năm 2017 cả nước đã ghi nhận hơn 100 đoanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ DN đã bỏ trốn hoặc trong tình trạng “mất tích”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm