Xây dựng nếp nhà thời hiện đại

Song Nghi
19/01/2024 - 10:02
Xây dựng nếp nhà thời hiện đại

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam có bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại thể hiện trên nhiều phương diện, quan niệm và chuẩn mực.
Nhiều sự thay đổi tích cực

Trong gia đình hiện đại, hôn nhân được xây dựng trên nền tảng tự nguyện; vợ chồng lấy tình yêu, sự tôn trọng, bình đẳng làm cơ sở để bàn bạc, quyết sách các vấn đề; cha mẹ tôn trọng ý kiến của con cái thay vì áp đặt, ra lệnh. 

Nếu trước đây, ông bà, cha mẹ luôn đúng, người lớn nói gì con cháu phải nghe theo thì nay, các bậc ông bà, cha mẹ cũng thẳng thắn thừa nhận "có nhiều lúc mình chưa đúng, cần thay đổi". 

Hay như trước đây, việc cha mẹ xin lỗi con cái được xem là "ngược đời" thì nay, bố mẹ sai thì sẽ nhận lỗi với các con một cách công khai, bình đẳng... Những điều này cho thấy, quan điểm về giáo dục trong gia đình đã có nhiều thay đổi tích cực, tư tưởng mang tính áp đặt "người lớn luôn đúng" đã trở nên lỗi thời.

Trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự gắn kết của các thành viên trong gia đình truyền thống đã và đang có dấu hiệu lỏng lẻo, thiếu tính bền vững. Trên nền tảng gia đình truyền thống, các gia đình đang có nhiều thay đổi trong mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái. 

Sự thay đổi này được thể hiện từ cách ứng xử, sự phân công lao động, vai trò kinh tế cho đến cách giải quyết các công việc trong gia đình. Xu hướng của gia đình hiện đại là vươn tới cái mới, đề cao lợi ích, hạnh phúc, nguyện vọng cũng như tính độc lập của mỗi cá nhân.

Cần sự nêu gương của người lớn

Theo nhận định của các chuyên gia, cấu trúc gia đình hiện nay dễ bị đổ vỡ hơn bởi lối sống thực dụng, coi trọng làm ăn kinh tế hơn giáo dục con cái ở một bộ phận người dân. 

Bên cạnh đó, tư tưởng coi thường đạo lý và pháp lý, các tệ nạn xã hội, lừa đảo, lối sống ngoại lai, sự lơi lỏng thiếu kèm cặp của gia đình đối với các thành viên… cũng khiến cho tình cảm gia đình phai nhạt, con cái dần sống xa rời cha mẹ, bổn phận hiếu kính không trọn vẹn…

Trước tác động đa chiều của xã hội hiện đại, nhất là hội nhập quốc tế, thạc sĩ Phạm Thị Kiều Duyên, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục (trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), cho rằng, cần phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau nhằm lưu truyền và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời tạo nền tảng xây dựng gia đình hiện đại. 

"Hành trình giáo dục thường bắt đầu từ những năm tháng đầu đời của mỗi người đến khi trưởng thành và tự chịu trách nhiệm về bản thân. Thông qua giáo dục, gia đình tạo cho con cái cách ứng xử phù hợp như sự quan tâm, lễ phép, hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... 

Vì thế, trong giáo dục gia đình, rất cần người lớn nêu gương cho trẻ nhỏ học tập, làm theo những điều tốt đẹp, có giá trị văn hóa, đạo đức cao quý", thạc sĩ Kiều Duyên nhấn mạnh.

Việc duy trì nếp nhà không phải là những gì to tát mà nhiều khi đơn giản chỉ là một bữa cơm, một buổi họp mặt hay duy trì một thói quen sinh hoạt tập thể nào đó để kiến tạo sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Chắc chắn, khi chúng ta tạo ra được môi trường gia đình đoàn kết, dân chủ, bình đẳng sẽ góp phần giúp các thế hệ trong gia đình đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn.

Dù xã hội có phát triển và thay đổi đến đâu thì mỗi gia đình vẫn cần gìn giữ nếp nhà. Nếp nhà chính là sự tiếp nối, phát huy những giá trị trao truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình. Và trong dòng chảy trao truyền của mỗi gia đình, sự mẫu mực của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi sẽ mang lại cho con cháu những bài học quý giá, góp phần củng cố truyền thống gia đình. 

Để làm được điều này, mỗi thành viên trong gia đình cần "gạn đục khơi trong", chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, kết hợp với những giá trị truyền thống bên trong gia đình để tạo nên những chuẩn mực phù hợp với giai đoạn hội nhập và phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm