pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xiếc Hà Nội: "Đi trên dây" giữa cơm áo và đam mê
Nhà hát không có sân khấu
Ngay giữa Thủ đô, những nghệ sĩ xiếc của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội lại đang làm việc trong một điều kiện "đặc thù" theo cách không ai ngờ tới. Nhà hát nhưng không có sân khấu, không có ánh đèn, cũng chẳng có khán đài và càng không có những tiếng vỗ tay rộn ràng của khán giả. Để có những phút thăng hoa trên các sâu khấu đi thuê mượn, các nghệ sĩ thuộc nhà hát phải tập luyện tại một nhà tập tồi tàn đến khó tin, thậm chí không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tối thiểu cho những tiết mục trên cao đòi hỏi độ khó.
Cơ sở vật chất của Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội xuống cấp một cách trầm trọng, không đáp ứng an toàn luyện tập các tiết mục đòi hỏi độ khó trên không
Được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, diện tích nhỏ hẹp, phòng tập luyện của các diễn viên ngổn ngang những đạo cụ. Các thiết bị luyện tập đều được gia công từ cách đây cả chục năm, hệ thống cột xà nương tựa vào nhưng bức tường loang lổ bong tróc vữa. Với điều kiện luyện tập như vậy, các nghệ sĩ phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến sự an toàn của bản thân. Các tiết mục xiếc khó có thể thể nâng cao hơn về mặt chuyên môn mà chủ yếu rèn luyện các màn biểu diễn dưới mặt đất.
Ông Bùi Thế Anh - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội - cho biết, với những điều kiện như hiện tại, lãnh đạo Nhà hát rất trăn trở về việc khó thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ để tiếp tục kế cận lớp nghệ sĩ lớn tuổi, phát triển nhà hát.
Có một tình yêu vượt lên tất cả
Thời kỳ đỉnh cao, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội từng đạt được nhiều thành tích trong các Liên hoan xiếc và được đánh giá cao về chuyên môn
Trước khi mang một diện mạo xuống cấp như hiện tại, đoàn xiếc Hà Nội đã từng chinh chiến khắp các sân khấu lớn nhỏ trong nước và quốc tế, nhiều nghệ sĩ thành danh đã trưởng thành từ đây và cống hiến cho nền nghệ thuật chung của đất nước.
Tuy nhiên, khi cơ chế thị trường thay đổi, ngày càng nhiều loại hình nghệ thuật có tính cạnh tranh cao với sân khấu truyền thống, còn nhà hát không được đầu tư, nâng cấp nên từ những nốt “thăng”, hiện nay xiếc Hà Nội đang phải đối mặt với những nốt “trầm” trong sự tiếc nuối của biết bao thế hệ nghệ sĩ đã và đang kiên trì gắn bó với nhà hát.
Bằng lòng yêu nghề, các nhà nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát vẫn miệt mài luyện tập. Diễn viên trẻ Nguyễn Hồng Anh cho biết, bản thân cô quan niệm chỉ cần mình “cháy với nghề thì chắc chắn nghề sẽ không phụ mình”. Hay diễn viên Dương Thị Hiên cho biết, nhiều khi nghĩ đến cơm, áo, gạo, tiền, chị cũng có lúc chạnh lòng. Nhưng chỉ cần được lên sân khấu, được sự cổ vũ của khán giả, mọi lo toan bỗng chốc tan biến.
Còn với các nghệ sĩ đã lớn tuổi, dù không còn khả năng biểu diễn trên sân khấu, họ cống hiến âm thầm bằng cách dành tất cả tâm huyết và kinh nghiệm nghề nghiệp truyền lại cho thế hệ trẻ.
NSƯT Phạm Hữu Thắng - Trưởng Đoàn 2, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội - chia sẻ: "Lúc còn là thanh niên thì làm “trụ đỡ” trong các tiết mục tập thể, đến nay gần 60 tuổi, mình lại làm “trụ cột tinh thần” cho thế hệ các cháu, truyền dạy tất cả những gì mình có để giữ lửa đam mê cho các cháu còn có động lực phát triển nhà hát này".
Hay NSƯT Nguyễn Thanh Thuỷ - nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội - cho biết, trăn trở lớn nhất của bà là làm sao giữ chân được các diễn viên trẻ tiếp tục gắn bó với nhà hát, phát triển nâng cao chuyên môn để phát triển bản thân và mang lại nhiều thành tích cho đơn vị
Dẫu cho bao thăng trầm của nghề nghiệp, mặc cho những khó khăn, rủi ro luôn rình rập phía trước, nhưng chỉ cần còn những tràng vỗ tay của khán giả, còn những người quan tâm đến xiếc, những người ở lại vẫn uốn mình, vẫn đu dây, vẫn nhào lộn mỗi khi đỏ đen sân khấu. Có lẽ, cái nghiệp gắn với đam mê và lòng yêu nghề là lời giải đáp duy nhất cho câu hỏi vì sao nghệ sĩ xiếc vẫn miệt mài cống hiến.
Thăng trầm xiếc Hà Nội