Xử trí thế nào khi trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết?

29/07/2017 - 07:34
Hiện tại, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành trong cả nước. Khi trẻ bị sốt xuất huyết sẽ rất mệt mỏi, đau nhức cơ thể nên phụ huynh cần phải chú ý đến việc chăm sóc, kẻo bệnh trở nặng hơn.
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh diễn biến nhanh và nặng, có thể thành dịch. Bệnh có thể lây từ người sang người qua muỗi vằn. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 60.000 người bị SXH, trong đó 17 trường hợp tử vong.

Theo điều dưỡng Trần Thị Ngọc, khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ) SXH khởi phát là sốt cao đột ngột, liên tục; kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, chán ăn buồn nôn, đầy bụng và khó tiêu. Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường hay bệnh sốt phát ban nên dễ bị bỏ qua. Vì vậy, khi gia đình phát hiện được bệnh đã ở ngày thứ 3, thứ 4 rất nguy hiểm.

Khi trẻ có các biện như sốt cao đột ngột, liên tục trên 38,5 độ C; toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau các khớp, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu; xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt; xuất huyết niêm mạc, Chảy máu cam, chảy máu chân răng hay hành kinh sớm hơn và kéo dài; đau bụng âm ỉ; buồn nôn, nôn hay nôn khan; xuất huyết tiêu hóa, Nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc ra máu đỏ tươi… thì chắc chắn bị SXH. Phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.  
Khi trẻ sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời

Khi trẻ bị SXH, một số sẽ được điều trị tại BV nếu bệnh nặng, những trường hợp nhẹ hoặc đã qua nguy hiểm thì sẽ điều trị ở nhà. Vậy, trẻ bị SXH thì phụ huynh cần chăm sóc như thế nào là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.

Theo điều dưỡng Ngọc, trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị SXH phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
 
Ngoài ra, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, như nước lọc, nước cam, nước dừa. Đến bữa, thì cho bé ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép; phụ huynh không nên cho bé uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu; tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

Theo Bộ Y tế, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh SXH cũng như thuốc đặc trị. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là phòng tránh muỗi đốt và diệt lăng quăng/bọ gậy.

 Để phòng muỗi đốt, người dân cần:

- Xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.

-  Mặc quần áo dài che kín tay, chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi.

-  Sử dụng thuốc diệt muỗi; dùng các dụng cụ bắt muỗi.

- Dùng màn để tránh muỗi đốt trẻ em, người già và những người khác khi ngủ ban ngày. Tác dụng của màn tốt hơn khi tẩm Permethrin (chất diệt côn trùng pyrethroid), rèm (bằng vải hoặc bằng tre) cũng có thể được tẩm chất diệt côn trùng và treo tại cửa sổ hoặc cửa ra vào để xua muỗi và diệt muỗi.

- Phá vỡ chu kỳ lây truyền muỗi. Muỗi nhiễm virus khi chúng hút máu người bị bệnh. Màn chống muỗi và dụng cụ diệt muỗi sẽ giúp ngăn ngừa có hiệu quả để tránh muỗi đốt người và giúp ngăn chặn lây lan của virus SXH.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm