pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xua bớt giá lạnh mùa đông cho trẻ em ở Hồ Thầu
Chị Nguyễn Thị Minh Phương - giảng viên ĐH Đông Đô - trao quà động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường tiểu học Hồ Thầu
Các con được ăn suất cơm nóng trong ngày giá lạnh
Thầy Dương Văn Thưởng cho biết, ngoài số áo khoác ấm đã mặc cho các em, trường cũng đã vệ sinh và lắp bình lọc nước, sau đó giao cho nhà bếp đun nóng lên để học sinh uống, đảm bảo sức khỏe. Trước đây, các em phải uống nước từ khe dẫn trên núi về thì nay nhà trường và phụ huynh đã hoàn toàn yên tâm. Cũng trong thời điểm nhiệt độ xuống thấp thế này, các em đã có giấc ngủ trưa ấm áp trên những chiếc đệm cá nhân do đoàn vừa tặng.
Cách trường THCS Hồ Thầu không xa, cô Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồ Thầu - vui vẻ khoe: "Đúng hôm trời rét đậm, cây cối xung quanh đều phủ băng giá hết thì các em nhỏ ở trường lại có thêm áo len, tất ấm, khăn và găng tay len mà đoàn trao tặng. 238 học sinh của trường giờ đã ấm áp, trong lớp học không còn tiếng xuýt xoa vì lạnh".
Cô Nguyễn Thị Liên cho biết, trước đây, trường cũng được huyện cho một bình lọc nước nhưng dùng nhiều năm đã hỏng. Đợt này các con được đoàn thiện nguyện hỗ trợ 2 bình lọc nước mới. Đặc biệt nhất là từ trưa nay, các con sẽ được ăn suất cơm nóng hổi trong ngày giá lạnh nhờ tủ cơm tự động do đoàn vừa tặng.
Hôm Đoàn thiện nguyện chùa Hoàng Bảo (Thanh Hà, Hải Dương) của Sư thầy Hạnh Nguyên và nhóm thiện nguyện tại Hà Nội đến thăm trường Tiểu học Hồ Thầu, cô bé Phượng Mùi Pú (lớp 1) gầy nhỏ thó, được cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Liên bế lên nhận những quyển sách vở và áo ấm mới. Gương mặt buồn rầu, chị Triệu Mùi Nái (dân tộc Dao, mẹ bé Pú) ở thôn Tân Thành, xã Hồ Thầu, tâm sự: "Con bé Pú lúc sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng lên 4 tuổi vẫn không đi được, không biết nói. Bố mẹ hỏi, nó biết gật đầu, lắc đầu nhưng lại không thể nói gì. Pú là con gái đầu lòng, vợ chồng tôi thương con, vẫn cho con đi học đúng tuổi xem nó có học được gì không? Vợ chồng tôi muốn cho con đi khám xem bị bệnh gì nhưng chưa đi được vì không có tiền. Ước gì Pú được đi bệnh viện khám và chữa trị!".
Trong số những phụ huynh ngồi ở góc sân trường ngắm các con mình vui mừng nhận quà của đoàn thiện nguyện, chị Phượng Mùi Chiểu (SN 1990, ở thôn Tân Thành, xã Hồ Thầu) không giấu nổi niềm vui khi thấy 2 con là Phượng Nhật Minh (10 tuổi) và Phượng Khánh Ngọc (8 tuổi) cùng học ở trường Tiểu học Hồ Thầu được nhận áo ấm và sách vở mới. Chị Chiểu khoác tay ôm 2 con và kể: "Mấy hôm trước, vợ chồng tôi thấy 2 con đi học về bảo sắp có đoàn thiện nguyện tới, các con háo hức chờ ngóng để nhận quà. Sáng nay, trời lạnh nhưng các con vẫn dậy sớm để mẹ đưa đến trường, tôi bỏ ngày lên nương để đi cùng các con".
Chị Chiểu chia sẻ thêm: "Vợ chồng tôi cũng cố gắng làm lụng, trồng chè, làm ruộng để có gạo ăn, các con không bị đói. Chúng tôi mong được Nhà nước và các nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa đến Hồ Thầu để các con yên tâm học tập, có cái chữ, mai sau cuộc sống mới tốt hơn bố mẹ!".
Mong ước đau đáu
Hồ Thầu là xã thuộc vùng cao của huyện Hoàng Su Phì - đây cũng là 1 trong 6 huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang. Trước đây, tỉ lệ hộ nghèo của xã đều ở mức rất cao 30% - 40%. Những năm gần đây, Hồ Thầu đang nỗ lực về đích nông thôn mới nên tỉ lệ hộ nghèo đã giảm. Dù vậy, con đường từ huyện Bắc Quang đến xã Hồ Thầu chỉ 70km lởm chởm đất đá và khúc cua liên tục, nhiều đoạn đường đang làm dở khiến chiếc xe 16 chỗ chở đầy đồ thiện nguyện của đoàn chúng tôi phải "vừa đi vừa bò" hơn 4 giờ đồng hồ mới tới nơi.
Những khó khăn, vất vả trên hành trình đến với trẻ em vùng cao giữa ngày đông giá rét chợt tan biến, khi chúng tôi góp công mang tình thương của rất nhiều cá nhân, tập thể đến với trẻ em nghèo ở Hồ Thầu, để được hòa chung niềm vui trong những nụ cười tươi tắn, hồn nhiên mà hạnh phúc của trẻ em vùng cao. Khi đã về lại Hà Nội, đâu đó trong tâm sự của các thầy cô ở Hồ Thầu vẫn khiến chúng tôi thấy lòng lắng lại: "Những năm trước, thầy cô ở đây đều phải chia nhau đến nhà học sinh để vận động cha mẹ và các em tới trường học. Nhưng vài ba năm trở lại đây, các em đã chuyên cần hơn, chịu khó đến lớp. Cái khó là mỗi khi mùa đông đến, học sinh nghèo không đủ quần áo ấm thì ngại đi học hơn. Không ít thầy cô phải chắt chiu đồng lương của mình mua áo ấm, mua sách vở động viên các em yên tâm đến lớp", cô Nguyễn Thị Liên kể.
Thế nhưng vẫn còn đó những khắc khoải chưa thể khoả lấp, như lời cô Liên: "Hiện nay trường vẫn còn thiếu thốn nhiều, chưa thể trang bị cho các con đầy đủ hơn. Như thư viện chúng tôi mới hàn bằng sắt và sơn xong nhưng vẫn là thư viện rỗng, chưa có sách hay truyện tranh cho các con tham khảo, đọc giải trí như học trò miền xuôi".
"Trường cũng mong ước làm được cái nhà sàn gần trường để các em có chỗ ăn, nghỉ bán trú ổn định hơn. Bởi hiện nay, vào buổi trưa, các con không có chỗ nghỉ ngơi. Lớp học rất nhỏ nên các em nhà xa cứ chơi đùa ở lớp hoặc ngoài sân, rồi chờ đến giờ học buổi chiều. Trưa nào nhà trường cũng phải thuê 1 người trông coi các em vì sợ học sinh ra suối nghịch nước hoặc chơi các trò chơi nguy hiểm", đó là những mong ước đau đáu của cô Liên - giáo viên hơn 20 năm lên vùng cao "cắm bản", gieo chữ cho trẻ em nơi địa đầu Tổ quốc.