2 tình huống có thể xảy ra sau khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

24/10/2018 - 13:29
Với 48 chức danh Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này có thể xảy ra 2 tình huống, đó là người được lấy phiếu tín nhiệm có hơn 50% phiếu tín nhiệm thấp hoặc có 2/3 tổng số phiếu tín nhiệm thấp. Khi đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có thể xin từ chức hoặc phải trải qua việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Vào cuối giờ chiều nay 24/10, Quốc hội sẽ thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, trên cơ sở tờ trình dự kiến danh sách các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. 

Sáng mai, 25/10, Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm theo hình bỏ phiếu kín. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào buổi chiều cùng ngày.

So với lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất (năm 2014), tại kỳ họp này có 2 chức danh không lấy phiếu tín nhiệm gồm ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư, Chủ tịch nước); ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông). Hai người giữ các chức danh này đều mới nhậm chức, chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định để lấy phiếu tín nhiệm.

chua-lay-phieu-tin-nhiem-chu-tich-nuoc-va-bo-truong-tt-1.jpg
ĐBQH khóa 13 thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vào tháng 11/2014. Ảnh: VPQH

 

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội dung lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào đầu kỳ họp, trước khi có hoạt động chất vấn tại Quốc hội "để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm”.

“Lấy phiếu tín nhiệm sau chất vấn sẽ "không công bằng", bởi chỉ có một số bộ trưởng trả lời chất vấn trong khi lấy phiếu tín nhiệm thì với tất cả thành viên Chính phủ. Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu tín nhiệm thì ai có nội dung chưa hoàn thành, còn hạn chế có thể tác động trực tiếp đến việc lấy phiếu, đánh giá sẽ không khách quan" - ông Hạnh Phúc cho hay.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm sẽ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. 

Theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu khác với bỏ phiếu ở chỗ, lấy phiếu với 3 mức là để "đánh giá mức độ tín nhiệm", còn bỏ phiếu tín nhiệm thì Quốc hội sẽ thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người được bỏ phiếu. Kết quả của bỏ phiếu tín nhiệm là cơ sở cho việc xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người giữ chức vụ được bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước kỳ họp 30 ngày, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi hồ sơ đánh giá kết quả công tác đến từng đại biểu để nghiên cứu.

Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

1-Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

2-Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

                                                                                (Điều 10 Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm