5 hạn chế ‘trói chân’ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng hàng Việt

15/06/2019 - 11:44
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% nhưng lại đang phải đối diện với rất nhiều rào cản. Theo các chuyên gia xúc tiến thương mại, có 5 hạn chế chung rất cơ bản đang trói buộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển bền vững.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Morice Noodle Việt Nam, cho biết: Doanh nghiệp mới được thành lập, tập trung vào sản phẩm mới trên thị trường các loại bún, phở, miến, bánh tráng từ bột chùm ngây và kinh doanh hạt chùm ngây, củ chùm ngây - loại chùm ngây rất tốt cho sức khỏe con người mới biết tới ở dạng thực phẩm chức năng, song đến nay doanh nghiệp này đã đưa chùm ngây vào các loại thức ăn hằng ngày.

Ông Tuấn Anh cho biết, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ này là sản xuất sản phẩm mà chưa được nhiều người biết tới, nên khó khăn đầu ra cho sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Muốn đưa vào hệ thống siêu thị lớn nhưng tình trạng chung là các doanh nghiệp sản xuất thường bị ứ đọng vốn, bởi hệ thống siêu thị sẽ không thanh toán ngay, nên các doanh nghiệp thường xuyên phải “chờ” vốn quay đầu.

 

ket-noi-cung-cau-hang-viet-2.JPG
Gian hàng tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam. Ảnh H.Hòa

 

Không chỉ vậy, theo ông Tuấn Anh, muốn đưa hàng vào siêu thị phải cần có sự quen biết, thậm chí phải “bôi trơn” cho những người có quyền quyết định nhập hàng, khiến cho giá thành của các mặt hàng tăng hơn.

Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn về vốn sản xuất, kinh doanh là “căn bệnh trầm kha”, tình trạng chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Tuấn Anh cho rằng, tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng lại không hề dễ dàng. "Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi đều phải xoay sở với nguồn vốn tự có, quả thật không dễ dàng gì”, ông Tuấn Anh tâm sự.

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: "Chuyên hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, qua hoạt động kết nối với 63 tỉnh/thành, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất có rất nhiều những sản phẩm tốt, chất lượng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó tập trung vào 5 hạn chế đang trói chân các doanh nghiệp này phát triển".

Trong đó, trước tiên phải nói tới quy mô sản xuất chưa đủ lớn để liên kết, kết nối với các doanh nghiệp phân phối. Cùng với đó, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chưa nắm rõ các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng; chưa nắm bắt được sản xuất theo thị trường để phân phối hàng hóa qua từng kênh, để đáp ứng tốt hơn cho từng “phân khúc” khách hàng.

Đặc biệt, hạn chế lớn nhất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là trong vấn đề liên kết. Các đơn vị sản xuất nông nghiệp nhỏ, khả năng tiếp cận thương mại còn giới hạn nên rất khó trong việc kết nối. Cùng với đó, doanh nghiệp nhỏ vẫn vướng mắc trong câu chuyện vốn và công nghệ để chế biến sâu. Những khó khăn này đã tạo rào cản để các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kết nối để tạo thành các chuỗi cung ứng hàng hóa phát triển bền vững.

Theo ông Đỗ Hoàng Thạch, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục dần những hạn chế, thì “nhất định phải phát triển liên kết”: Liên kết ngang giữa các đơn vị sản xuất và liên kết dọc giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối và tiêu dùng; đồng thời rất cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách; có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ; hỗ trợ của nhà băng để có nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra quá trình sản xuất bền vững.

Mới đây, Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) hỗ trợ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Công ty CP Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Trong nước, cho rằng: Hoạt động kết nối này nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản. Qua đó, tạo cơ hội cho các bên là doanh nghiệp, đơn vị phân phối gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tạo thuận lợi cũng như cơ hội thúc đẩy hợp tác, tạo nguồn cung hàng Việt Nam tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; đưa sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ biền vững.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước là 505.000 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98,1%, trong đó, doanh nghiệp có quy mô vừa có gần 8,5 nghìn. Còn doanh nghiệp nhỏ là 114,1 nghìn; đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm số lượng lớn là 385,3 nghìn doanh nghiệp. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm