pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 nguyên nhân gây vàng lòng bàn chân, có nguyên nhân liên quan đến gan và máu
Nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau có thể khiến lòng bàn chân của bạn chuyển sang màu vàng. Dưới đây là 6 nguyên nhân gây vàng lòng bàn chân:
1. Vết chai
Lòng bàn chân màu vàng có thể do chai chân. Vết chai là là lớp da dày hình thành ở những vùng bị ma sát hoặc chịu áp lực. Cục chai thường hình thành ở lòng bàn chân hoặc bàn tay.
Vết chai trông giống như da bình thường nhưng thường dày hơn và có thể bị đổi màu, kèm theo một số triệu chứng khác như màu ngả vàng, da khô và bong tróc, da trông như sáp, da cứng và dày.
Vết chai thường không gây đau và chỉ cần điều trị nếu vết chai quá to và khiến bạn khó chịu. Nếu bạn muốn loại bỏ các vết chai, hãy thử các phương pháp điều trị không kê đơn và biện pháp khắc phục tại nhà như ngâm nước ấm; sử dụng giấm táo, thầu dầu, muối Epsom, giấy nhám, dầu cây trà,...
2. Thiếu máu
Thiếu máu là một nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra tình trạng vàng da ở lòng bàn chân. Thiếu máu xảy ra khi bạn không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Mặc dù có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt.
Việc thiếu một số khoáng chất nhất định như sắt khiến các tế bào hồng cầu bị biến dạng và sản phẩm phụ của chúng tăng lên trong máu. Khi các sản phẩm phụ này tích tụ trong mô và da, chúng có thể gây ra tình trạng đổi màu da như vàng lòng bàn chân.
Các dấu hiệu khác của thiếu máu: Mệt mỏi, hụt hơi, da nhợt nhạt hoặc vàng, nhịp tim không đều, đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, đau ngực, tay chân lạnh.
Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung sắt, axit folic hoặc vitamin B12. Bạn có thể bổ sung các dưỡng chất này qua chế độ ăn uống kết hợp với thực phẩm bổ sung mà bác sĩ chỉ định.
3. Vàng da
Vàng da xảy ra khi nồng độ bilirubin quá cao. Bilirubin là một sản phẩm phụ màu vàng tự nhiên hình thành khi cơ thể bạn phá vỡ các tế bào hồng cầu cũ. Nó thường đi qua gan và vào đường tiêu hóa của, sau đó được loại bỏ như chất thải.
Khi cơ thể bạn không thể loại bỏ bilirubin đúng cách, nó sẽ tích tụ trong máu và rò rỉ vào da gây vàng lòng bàn chân và các bộ phận khác. Các triệu chứng vàng da khác có thể bao gồm:
- Da và phần trắng của mắt có màu vàng (có thể chuyển sang màu nâu trong những trường hợp nghiêm trọng)
- Màu vàng bên trong miệng
- Nước tiểu có màu sẫm hoặc nâu
- Phân nhạt màu hoặc màu đất sét
- Ngứa
- Mệt mỏi
- Giảm cân
- Buồn nôn hoặc nôn
Một số tình trạng có thể gây vàng da, bao gồm:
- Bệnh gan, chẳng hạn như viêm gan hoặc xơ gan
- Suy gan
- Viêm hoặc tắc nghẽn ống mật
- Thuốc hoặc tình trạng phá hủy hồng cầu
- Một số loại thảo dược bổ sung
Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có triệu chứng vàng da. Bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu bilirubin, sau đó là xét nghiệm bổ sung để tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
4. Hội chứng Raynaud
Hội chứng Raynaud có thể là nguyên nhân khiến bàn chân chuyển sang màu vàng. Raynaud là tình trạng gây ra co thắt ở các mao mạch (tức là các mạch máu nhỏ) ở bàn tay và bàn chân. Sự thay đổi đột ngột này trong lưu lượng máu có thể gây ra sự đổi màu trắng, vàng hoặc xanh ở đầu ngón tay và/hoặc ngón chân.
Cùng với những thay đổi về màu da, các dấu hiệu khác của hội chứng Raynaud bao gồm:
- Ngón tay hoặc ngón chân lạnh
- Cảm giác tê, ngứa ran hoặc đau nhói khi làm ấm hoặc giảm căng thẳng
Hội chứng Raynaud có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc có thể xảy ra tự phát, nghĩa là không liên quan đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác.
Việc điều trị hội chứng này sẽ phụ thuộc vào việc liệu tình trạng bệnh có phải do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác gây ra hay không. Nếu có, cần phải kiểm soát và điều trị nguyên nhân gốc rễ.
5. Bệnh caroten máu
Caroten máu xảy ra khi nồng độ quá mức của một hợp chất có tên là carotene tích tụ trong cơ thể và biến làn da của bạn thành màu vàng cam hoặc vàng. Những thay đổi về màu da liên quan đến tình trạng này không chỉ xuất hiện ở lòng bàn chân. Thay vào đó, màu vàng hoặc cam thường lan rộng khắp cơ thể.
Carotene thường có nhiều trong cà rốt, bí đỏ, cam, cà chua, bí ngòi, xoài, cải Brussels. Nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm này trong thời gian ngắn có thể gây ra tình trạng trên.
Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, một số bệnh toàn thân cũng có thể dẫn đến sự tích tụ carotene trong cơ thể. Những tình trạng này bao gồm: bệnh tiểu đường, suy giáp, bệnh thận, chán ăn tâm thần.
Nếu không phải do các vấn đề về bệnh lý mà do nguồn thực phẩm, tình trạng này sẽ biến mất khi bạn ngừng hoặc hạn chế các thực phẩm có chứa carotene.
6. Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể gây ra tình trạng đổi màu ở chân và lòng bàn chân. Da có thể sẫm màu do lắng đọng hemosiderin (tức là sản phẩm phụ của tế bào hồng cầu). Bệnh tiểu đường cũng gây ra tình trạng khô da quá mức trên khắp cơ thể.
Mặc dù da khô sẽ không làm lòng bàn chân chuyển sang màu vàng, nhưng có thể làm tăng lượng vết chai ở lòng bàn chân. Như chúng ta đã biết, da chai có xu hướng chuyển sang màu vàng. Khô cũng có thể dẫn đến tình trạng đóng vảy và nứt da.
Các triệu chứng khác liên quan đến bàn chân có thể liên quan đến bệnh tiểu đường:
- Đau ở chân hoặc chuột rút ở mông, đùi hoặc bắp chân khi hoạt động thể chất
- Cảm giác ngứa ran, nóng rát hoặc đau ở chân
- Mất cảm giác xúc giác hoặc khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng hoặc lạnh
- Sự thay đổi hình dạng bàn chân theo thời gian
- Rụng lông ở ngón chân, bàn chân và cẳng chân
- Sự thay đổi về màu sắc và nhiệt độ của bàn chân
- Móng chân dày, vàng
- Nhiễm trùng nấm ở chân
- Một vết phồng rộp, vết loét, vết chai bị nhiễm trùng hoặc móng chân mọc ngược
Các vết nứt hoặc vết thương hở trên bàn chân có thể dẫn đến nhiễm trùng. Điều này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với người bị tiểu đường. Nhiễm trùng nghiêm trọng có thể làm hỏng ngón chân, bàn chân hoặc chân của bạn không thể phục hồi, đòi hỏi phải cắt cụt.
Do vậy, nếu bạn bị tiểu đường nên tuân thủ chế độ ăn uống và lối sống khoa học, kết hợp với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và thăm khám thường xuyên.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Bàn chân của chúng ta có thể thay đổi màu sắc để phản ứng với những thay đổi về nguồn cung cấp máu, thay đổi về khí hậu, cũng như để phản ứng với những gì chúng ta đang làm và những gì chúng ta đang ăn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lưu ý những thay đổi này khi chúng xảy ra.
Trong một số trường hợp, sự đổi màu và thay đổi nguồn cung cấp máu có thể chỉ ra một vấn đề cấp bách. Máu cung cấp oxy cho các mô của bàn chân, vì vậy, nếu thiếu máu, bàn chân của bạn có thể bị tổn thương.
Nếu bàn chân vàng của bạn xuất hiện cơn đau mới, tê, chảy máu hoặc vết thương hở, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa chân ngay để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Để chăm sóc sức khoẻ của chân tốt, bạn nên kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày, rửa chân hàng ngày bằng nước ấm, không đi chân trần, mang giày vừa vặn, không tự ý loại bỏ vết chai để tránh nhiễm trùng.