Ấn Độ: Hàng chục trẻ em tử vong trong hơn 1 tuần vì sốt không rõ nguyên nhân

Phương Thanh (dịch)
01/09/2021 - 11:22
Ấn Độ: Hàng chục trẻ em tử vong trong hơn 1 tuần vì sốt không rõ nguyên nhân

Nhiều trẻ em phải nhập viện vì sốt không rõ nguyên nhân ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Ảnh: BBC

Hơn một tuần qua, ít nhất 50 người, chủ yếu là trẻ em, đã tử vong và hàng trăm người khác phải nhập viện để điều trị vì sốt không rõ nguyên nhân.

Hàng chục trẻ em tử vong vì sốt không rõ nguyên nhân

Tình trạng sốt không rõ nguyên nhân xảy ra đối với hàng trăm người dân ở 6 quận của bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Nhiều người trong số họ mê man vì sốt cao và mồ hôi ướt đẫm. Ngoài ra, một số người dân cho biết họ cũng bị đau khớp, đau đầu, mất nước và buồn nôn.

Tuy nhiên, không ai trong số các bệnh nhân xét nghiệm dương tính với Covid-19. Một số trường hợp cho thấy có dấu hiệu phát ban rộng ở chân và tay. Ít nhất 50 người, chủ yếu là trẻ em, đã tử vong trong tuần vừa qua và hàng trăm người phải nhập viện để điều trị vì tình trạng sốt không rõ nguyên nhân này.

Hiện nay, Ấn Độ dường như đang hồi phục sau làn sóng Covid-19 thứ hai. Tuy nhiên, những trường hợp tử vong bí ẩn mới ở bang Uttar Pradesh đã tạo ra làn sóng lo lắng mới về một cơn sốt bí ẩn đang quét qua bang đông dân nhất của Ấn Độ.

6 quận của bang Uttar Pradesh gặp phải tình trạng sốt không rõ nguyên nhân bao gồm: Agra, Mathura, Mainpuri, Etah, Kasganj và Firozabad. Các bác sĩ tại đây cho rằng nguyên nhân gây tử vong là do sốt xuất huyết, một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền.

Đặc biệt, số liệu cho thấy, quận Firozabad ghi nhận 40 trường hợp tử vong, trong đó có 32 trường hợp là trẻ em tử vong trong tuần qua. Tiến sĩ Neeta Kulshrestha, quan chức y tế cấp cao của quận cho biết: "Các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, tử vong trong bệnh viện rất nhanh do ảnh hưởng của sốt".

Theo báo cáo, nhiều bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng giảm tiểu cầu. Đây là đặc trưng của sốt xuất huyết nặng. Sốt xuất huyết vốn đã xuất hiện và tồn tại ở Ấn Độ trong hàng trăm năm nay. Đây là bệnh lưu hành ở hơn 100 quốc gia nhưng khoảng 70% trường hợp xuất hiện tại châu Á. Có 4 loại virus gây bệnh sốt xuất huyết và trẻ em có nguy cơ tử vong trong lần nhiễm bệnh thứ hai cao gấp 5 lần so với người lớn.

_120329298_gettyimages-609755780-594x594.jpg

Dịch sốt xuất huyết phổ biến ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Ảnh: BBC

Gần 100 triệu trường hợp sốt xuất huyết nghiêm trọng được ghi nhận mỗi năm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ sốt xuất huyết có phải là nguyên nhân gây tử vong đối với nhiều người dân tại Uttar Pradesh (Ấn Độ).

Uttar Pradesh là bang đông dân nhất Ấn Độ với hơn 200 triệu dân. Tuy nhiên, tình trạng tiêu chuẩn vệ sinh kém, nhiều trẻ em suy dinh dưỡng, dịch vụ chăm sóc y tế kém cũng khiến địa phương này báo cáo những trường hợp tử vong do sốt không rõ nguyên nhân sau những trận mưa gió mỗi năm.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện sốt phát ban và sốt xuất huyết là 2 nguyên nhân chính gây ra các ca sốt sau đợt gió mùa tại 6 quận phía đông Uttar Pradesh từ năm 2015 đến năm 2019.

Tình trạng sốt không rõ nguyên nhân tương tự từng được ghi nhận tại Ấn Độ

Vào năm 2006, các nhà khoa học đã điều tra một đợt bùng phát sốt không rõ nguyên nhân khác đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu và điều tra, các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân gây tử vong là do trẻ em đã ăn phải một loại đậu tên cassia, loại đậu mọc nhiều ở phía tây của bang Uttar Pradesh.

Các nhà khoa học đã đi đến kết luận ngộ độc thực phẩm khiến nhiều trẻ em gặp phải triệu chứng sốt cao và đẫn đến tử vong. Đây là hậu quả của đói nghèo, sự thiếu giám sát của cha mẹ, thiếu hiểu biết, trẻ em tự chơi và dễ dàng tiếp cận với thực vật.

Từ đó cho thấy, chỉ có những cuộc điều tra và nghiên cứu xa hơn mới xác định được nguyên nhân gây ra những cơn sốt không rõ nguyên nhân gần đây. Các nhà khoa học cho biết, cường độ lây truyền chỉ được xác nhận bằng xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm khảo sát huyết thanh) theo nhóm tuổi. Nếu không được điều tra đúng cách và thường xuyên, nhiều thứ sẽ có thể tiếp tục là một "bí ẩn".

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm