pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác Hồ - Người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự phát triển
Người kích hoạt 3 kỳ tích của dân tộc
Từ mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930 đến mùa Xuân Tân Sửu năm 2021 này, Cách mạng Việt Nam đã đi những bước chắc chắn trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Biết bao gian truân, trắc trở đã găm vào từng bước tiến đó. Càng vượt khó, càng bứt phá qua nhiều gian nan thì thắng lợi càng vĩ đại. Người luôn luôn đi tiên phong, khơi nguồn, truyền cảm hứng bất diệt cho những người Việt Nam yêu nước, người nạp năng lượng cho sự vượt khó, bứt phá đi lên cho dân tộc Việt Nam, đó chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Không cam chịu cảnh mất nước, rất khâm phục nhưng không tán thành con đường cứu nước Cần Vương và tư sản, cách đây 110 năm (vào ngày 5/6/1911), Bác đã ra đi tìm mục tiêu và con đường cứu nước mới. Gần 10 năm sau, Bác đã tìm thấy với cái mốc Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp cuối tháng 12/1920, trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên đồng thời là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Bác mở đường và dẫn đường cho dân tộc đi lên. Mốc khởi nguồn cực kỳ quan trọng tiếp theo là Bác triệu tập, chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Sự tìm đường, mở đường và dẫn đường đó của Bác đã kích hoạt, khởi động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại làm nên nhiều bước tiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam, trong đó có 3 kỳ tích lớn:
1) Giành độc lập dân tộc với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi cuộc đời nô lệ để đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ xã hội;
2) Giành thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm lược của hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ghi tên Việt Nam vào hàng ngũ dân tộc tiên phong trong thế kỷ phi thực dân hóa, đồng thời chiến đấu thắng lợi bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc;
3) Xây dựng một xã hội mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đưa lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Nhìn lại sự cam go mà Việt Nam đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn, chúng ta thấy rằng, chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hôm nay. 110 năm đã qua, kể từ khi Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, Việt Nam từ chỗ bị mất tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ, tự tin hội nhập và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trên trường quốc tế. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Khép lại một năm với vị thế và trách nhiệm đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt nổi trội là Việt Nam đã trải qua mấy lần chống dịch Covid-19, là nước duy nhất trên thế giới coi chống dịch như chống giặc và đã thành công. Mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển, đó là chủ trương đúng, là tư tưởng tiến công Cách mạng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vẫn còn đó, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, vẫn phải sống chung với nhiều khó khăn trên con đường đi lên nhưng với cái đà phát triển, với ý chí và khát vọng vươn lên, nhân dân Việt Nam nhất định thực hiện được ước vọng lớn lao của Bác Hồ: độc lập, tự do, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng thế giới.
Nhà chiến lược với tư tưởng giải phóng phụ nữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ kính yêu của toàn dân ta, trong đó có phụ nữ Việt Nam. Bác là nhà chiến lược với tư tưởng giải phóng phụ nữ. Khác với rất nhiều nhà Cách mạng khác, Bác không để lại những pho sách đồ sộ viết về giải phóng phụ nữ mà Bác thể hiện tư tưởng đó trong những việc làm thiết thực.
Điều kiện đầu tiên của sự nghiệp giải phóng phụ nữ chính là độc lập dân tộc. Rồi, trùm lên tất cả và cũng là nhiệm vụ chiến lược của các nhà Cách mạng cũng như của chính bản thân giới phụ nữ chính là đấu tranh cho sự bình đẳng.
Từ vấn đề chiến lược đó, Bác đi vào từng nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ. Nhận rõ quy luật, tôn trọng quy luật và làm theo quy luật thì chắc chắn thành công. Bác Hồ là một người tiêu biểu cho lý tưởng đó.
Bác nói rằng, phụ nữ là phần nửa của xã hội, phần nửa của nhân loại, nếu không giải phóng được phần nửa đó thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không thể thành công, sự nghiệp giải phóng con người trên trái đất này không thể giành được thắng lợi. Bác là hiện thân của mẫu người nói đi đôi với làm, "xắn tay áo lên làm" như Bác đã nói với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa khi về thăm đầu năm 1947 trước khi "trở lại Tân Trào cùng Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược".
Giải phóng phụ nữ là giải phóng về cả chính trị, cả kinh tế, văn hóa, là đưa phụ nữ đảm nhận những công việc lãnh đạo trong hệ thống chính trị, là phụ nữ tham gia vào sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước, đặc biệt là những lĩnh vực chăm lo đến sự phát triển nguồn nhân lực lâu dài mà phụ nữ có lợi thế. Không những thế, Bác còn yêu cầu phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực vào phong trào phụ nữ tiến bộ trên thế giới.
Năm 2020, một trong những sáng kiến của Việt Nam trên cương vị chủ tịch ASEAN là tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN. Tư tưởng chiến lược của Bác từng bước đi vào trong các chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên chủ chốt.
Dẫu biết rằng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ vẫn đang còn ở phía trước, vẫn còn phải trải qua nhiều chông gai nhưng phụ nữ Việt Nam tin chắc rằng, hành trang luôn có Bác mở đường, dẫn đường. Nói như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì "Thế giới đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi".