4 giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn tới

Đỗ Hoa (thực hiện)
24/11/2021 - 06:00
4 giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn tới

Các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại. Ảnh minh họa

Các văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ đặt ra vấn đề "đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam" mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu về "xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Chia sẻ với PNVN xung quanh vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho biết:

Như chúng ta đã biết, những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất trong các văn kiện Đại hội Đảng là "ấm no", "tiến bộ", "hạnh phúc", "văn minh", "bình đẳng giới". Văn kiện Đại hội cũng nêu rất rõ những giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Với đặc điểm nổi bật là người dân Việt Nam coi trọng hôn nhân, coi trọng tầm quan trọng của gia đình trong cuộc sống, thì việc xây dựng và vun đắp gia đình cũng chính là điểm nổi bật cho việc hoàn thiện con người, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, gia đình là nơi hoàn thiện con người, nơi con người nhận được những dạy dỗ, giáo dục đầu tiên và theo suốt cuộc đời.

Bài 3: Bốn giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn tới - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới. Và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống pháp luật và chính sách đến hình thành các giá trị và quan niệm mới của các gia đình.

Từ bối cảnh quốc tế, văn hóa, kinh tế, xã hội hiện nay, từ các nghiên cứu của mình, chúng tôi khuyến nghị bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới, đó là: an toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm.

+ Vậy các giá trị cụ thể đó là gì, thưa bà?

PGS.TS Trần Thị Minh Thi: Giá trị thứ nhất là an toàn: Chúng tôi cho rằng gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng, nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp, cân bằng tâm lý-tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống. Gia đình đồng thời phải có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức và rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, cũng như các tình huống bất ngờ. Xu hướng người dân tự an sinh cho gia đình và bản thân khá phổ biến.

Bài 3: Bốn giá trị gia đình cần quan tâm trong giai đoạn tới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giá trị thứ hai là thịnh vượng: Theo chúng tôi, sự an toàn của gia đình gắn liền với điều kiện kinh tế. Đời sống kinh tế, phúc lợi gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu đã tăng khá mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới. Khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, thì xây dựng khát vọng thịnh vượng của gia đình là phù hợp với chiều hướng phát triển. Xây dựng gia đình Việt Nam thịnh vượng cũng là đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro, an toàn cho gia đình.

Giá trị thứ ba là trách nhiệm: Trách nhiệm của gia đình được thể hiện trong các hoạt động gia đình (việc sinh con, chăm sóc các thành viên, giáo dục con cái và với cộng đồng, xã hội). Xây dựng gia đình trách nhiệm là điều kiện để xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". Với vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ em, hình thành nhân cách trẻ em, góp phần quan trọng trong xây dựng chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội cũng như sự ổn định của các quan hệ gia đình, việc quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là cực kỳ quan trọng.

Giá trị thứ tư là bình đẳng giới: Trong hôn nhân và gia đình, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, cho dù sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội. Phụ nữ phải đảm nhiệm trách nhiệm gia đình với các chuẩn mực xã hội và văn hóa liên quan đến việc làm mẹ, phải xác định ưu tiên giữa "công việc" và "gia đình". Vì thế, cần hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng, từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc, tự thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội.

+ Theo bà, làm thế nào để xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình trong điều kiện mới?

PGS.TS Trần Thị Minh Thi: Để làm được điều này, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới". Chỉ thị ra đời đúng thời điểm cả nước bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm 2020-2030. Đồng thời, Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững, tầm nhìn đến năm 2030 được Liên hợp quốc thông qua ngày 25/9/2015, cũng đã nêu rõ cần đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm đầy đủ, hiệu quả, bền vững cho tất cả mọi người.

Chỉ thị đặt ra các nhiệm vụ cụ thể về tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ.

Chỉ thị yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại.

Gần đây nhất, ngày 21/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 15-BTGTW về triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó, xác định rõ hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong tổ chức thực hiện, Hướng dẫn 15 đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị có chức năng nghiên cứu, xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình. Phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm